• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

KHƠI DẬY HỆ GIÁ TRỊ - CHUẨN MỰC CON NGƯỜI VIỆT NAM THỜI ĐẠI MỚI - Bài 1: Hệ giá trị con người là nguồn nội sinh đặc biệt

Văn hoá 01/04/2023 08:03

(Tổ Quốc) - Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia, dân tộc, là nguồn nội sinh đặc biệt. Đó là nguồn lực rất đặc biệt, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt, nhiều thế hệ, nhiều chủ thể có thể cùng dùng, cùng khai thác. Càng được khai thác càng được khơi dậy, càng được phát huy thì càng phát triển, phồn thịnh và càng bùng dậy mạnh mẽ.

LTS: Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử , dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị…. Trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.

Trong Văn kiện Đại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đã định hướng rất rõ việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới. Theo đó, cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Xây dựng những hệ giá trị này cũng chính là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài KHƠI DẬY HỆ GIÁ TRỊ - CHUẨN MỰC CON NGƯỜI VIỆT NAM THỜI ĐẠI MỚI nhằm làm rõ hơn vấn đề đã đặt ra tới bạn đọc:

Hệ giá trị con người là trung tâm mọi giá trị

Theo nhiều nhà nghiên cứu, hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau của Việt Nam cùng tồn tại trong các giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đến nay, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị...

Hệ giá trị con người là nguồn nội sinh đặc biệt - Ảnh 1.

Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia, dân tộc, là nguồn nội sinh đặc biệt.

Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét mà mỗi hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.

Theo TS Trần Ngọc Thêm, dân chủ và pháp quyền, nhân ái và yêu nước, trung thực và bản lĩnh trách nhiệm và hợp tác là những chuẩn mực nổi lên của người Việt Nam từ truyền thống tới hiện tại.

Còn GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thì cho rằng, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các chuẩn mực con người Việt Nam cũng rất đa dạng: yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nam cho rằng, các yếu tố chuẩn mực con người Việt Nam bao gồm: yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.

GS.TS Hồ Sĩ Quý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần nêu lên một định nghĩa về khái niệm "chuẩn mực con người Việt Nam".

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, chuẩn mực con người Việt Nam là chuẩn mực con người nói chung nhưng mang đặc trưng hay bản sắc văn hóa của người Việt Nam. "Chuẩn mực con người Việt Nam là những quy ước chung về những điều, những việc phải làm hoặc nên làm, tồn tại dưới hình thức công khai hoặc ngầm ẩn, được người Việt Nam đồng thuận, tán thành, điều tiết thái độ, hành vi, hành động của con người trong giao tiếp, ứng xử, phù hợp với văn hóa, luật pháp Việt Nam, tinh hoa văn hóa, luật pháp quốc tế"- GS.TS Hồ Sĩ Quý nhận định.

Cũng theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình, trong tương quan với hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Chuẩn mực con người thực chất là chuẩn mực xã hội. Con người thường khao khát có một cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Khi chuẩn mực xã hội được cho là tốt đẹp, hợp lý, thậm chí là thiêng liêng thì những chuẩn mực ấy trở thành quỹ đạo của những hành vi và thái độ, lý tưởng, đôi khi, con người sẵn sàng hy sinh cho mục đích được xem là cao cả. Do vậy, chuẩn mực xã hội là những nguyên tắc, quy tắc, khuôn mẫu, hành vi và thái độ, những lề thói đám đông, thậm chí định kiến… được thiết kế hoặc tự hình thành, được thừa nhận ngầm hoặc công khai mặc định dùng để đo đạc, phán xét hành vi, hoạt động, tác phong và thói ứng xử, quan niệm, thái độ của cá nhân hoặc cộng đồng. Chuẩn mực xã hội nào cũng không tách rời quan niệm thông thường về chân- thiện- mỹ.

Hệ giá trị con người là nguồn nội sinh đặc biệt - Ảnh 2.

Khơi dậy sức mạnh hệ giá trị con người

PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: "Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia, dân tộc, là nguồn nội sinh đặc biệt. Các nguồn lực khác như tài nguyên, khoáng sản truyền thống, khi càng khai thác càng bị cạn kiệt, nếu không khai thác thì vẫn vẹn nguyên, không bào mòn, tàn lụi. Các nguồn lực hệ giá trị nói chung, đặc biệt là nguồn lực hệ giá trị con người nếu không sử dụng, khai thác, không khơi dậy và phát huy, nó sẽ không những không phát triển mà còn dần lu mờ, tàn lụi, suy giảm và mất dần vai trò, sức mạnh. Đó là nguồn lực rất đặc biệt, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt, nhiều thế hệ, nhiều chủ thể có thể cùng dùng, cùng khai thác. Càng được khai thác càng được khơi dậy, càng được phát huy thì càng phát triển, phồn thịnh và càng bùng dậy mạnh mẽ".

Cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội là những chủ thể xã hội đặc biệt quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị con người (ảnh minh họa)

PGS.TSKH Lương Đình Hải cho rằng, để khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển nguồn lực, hệ giá trị con người cần được thể hiện thành chính sách, giải pháp cụ thể. "Các chủ trương, chính sách về con người và nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao cho đến nay vẫn chưa chú ý đến hệ giá trị con người và hệ giá trị con người Việt Nam, càng chưa chú ý trực tiếp đến khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị đó trong việc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"- ông Lương Đình Hải nhận định.

Cũng theo ông Lương Đình Hải, cần xác định hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. "Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các sản phẩm có giá trị và có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thực tế, giá trị của các sản phẩm không thể không có sự tham gia của các hệ giá trị Việt Nam, nhất là hệ giá trị con người. Công nghiệp điện ảnh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái... là những ví dụ về hệ giá trị Việt Nam tạo nên giá trị của cải vật chất. Đã qua thời gian dài chúng ta không chú ý điểm này nên nhiều sản phẩm của công nghiệp, của nền kinh tế nước nhà không có chất lượng tốt, không thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu"- ông Lương Đình Hải nêu quan điểm.

Hệ giá trị con người là nguồn nội sinh đặc biệt - Ảnh 4.

Cần khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị đó trong việc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (ảnh minh họa)

Cũng theo ông Lương Đình Hải, hiện nay, chúng ta đang "khủng hoảng" hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư duy của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Việc xác định, xây dựng và phát huy các hệ giá trị văn hóa, con người là cần thiết, quan trọng và có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Không xác lập rõ, không củng cố được và không phát huy được các hệ giá trị Việt Nam, nhất là hệ giá trị con người trong thực tế thì khó có thể đẩy lùi được tình trạng suy thoái nói trên. Xác lập và xây dựng, phát huy các hệ giá trị sẽ củng cố sự ổn định xã hội, bảo đảm an ninh con người, "giảm sốc" cho các biến động kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng… giúp con người và xã hội "vững vàng" và bản lĩnh hơn, định hướng tốt hơn, hiệu quả hơn trước mọi biến động, khủng hoảng của đời sống.

GS.TSKH Lương Đình Hải cho rằng, cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội là những chủ thể xã hội đặc biệt quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị con người. Các chủ thể xã hội này có chức năng, vai trò đặc biệt to lớn trong việc khơi dậy, trao truyền, bồi đắp, phát triển, tiếp biến và phát huy hệ giá trị con người, các hệ giá trị Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác từ cá nhân, cộng đồng này sang cá nhân, cộng đồng khác. Sự kết nối liên hoàn vai trò giáo dục hệ giá trị con người của các chủ thể cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội.

Bên cạnh đó, theo đề xuất của ông Lương Đình Hải, đã đến lúc cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người Việt Nam nói riêng là những nội dung cơ bản, không thể thiếu./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ