• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm của Thủ đô

Văn hoá 06/11/2024 15:52

(Tổ Quốc) - Sáng 6/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và lãnh đạo các sở, ban ngành của Hà Nội.

Những chuyển biến tích cực

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thủ đô đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.

Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm của Thủ đô - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thành ủy Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương, kế thừa và phát huy tốt những thành tựu đạt được sau 15 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), khẳng định cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu cũng như xu thế của thời đại.

Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực. Đặc biệt, Thành phố quan tâm tới xây dựng chiến lược, tầm nhìn phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại như việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được thực hiện nhất quán từ Thành phố tới cơ sở gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho văn hóa. Qua đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò và nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được nâng lên rõ rệt; sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện, đạt và vượt chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực.

Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 11- CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”; ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội" và "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương" trong nhà trường; và nhiều mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa được xây dựng góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.

Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nề nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý; chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách văn hóa trên địa bàn Thành phố luôn được chú trọng.

Chất lượng của các hoạt động văn hoá, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng;Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới; Công tác củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin luôn được Thành phố tập trung chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân. Các hình thức thông tin được chú trọng, bảo đảm chất lượng thông qua hệ thống báo chí, đài phát thanh từ thành phố đến cơ sở, cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền...

Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm của Thủ đô - Ảnh 2.

Biểu diễn nghệ thuật tại Hội nghị

Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ từ thành phố tới cơ sở, trong đó môi trường mạng xã hội được quan tâm chỉ đạo. Kết quả đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những sự việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, được Trung ương đánh giá cao.

Đặc biệt, Thành phố luôn quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội.

Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; rút ra 7 bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Nghị quyết trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; đồng thời đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.

Xây dựng người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển

Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hán – Chủ tịch HĐND Thị xã Sơn Tây cho biết, 10 năm qua, Thị ủy Sơn Tây luôn coi phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm.

Thị ủy Sơn Tây đã không ngừng đổi mới tư duy; tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp Nghị quyết số 33-NQ/TW đề ra.

Điều này được cụ thể hóa bằng các chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác riêng về phát triển văn hóa, con người. Bên cạnh đó, để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, con người, Thị ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 9/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm của Thủ đô - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham dự và phát biểu tại Hội nghị

Thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa và là nền tảng để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng: Đô thị văn hóa -lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô.

Thị xã đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài Thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tổ chức chương trình Tết Làng Việt, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Đêm hội trăng rằm Trung thu Thành cổ, Lễ hội khinh khí cầu Bình minh trên Thành cổ, Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng...

Đến nay, Thị xã đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, mô hình làm du lịch mới tại các điểm du lịch, như: trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh; ẩm thực cỗ Sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, tổ chức phiên chợ Làng Mô, chợ đêm Làng cổ…

Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn TP Hà Nội, vai trò của thanh niên được phát huy. Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, để phát triển văn hóa, các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa danh lịch sử, các địa chỉ đỏ; tổ chức các hoạt động chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng; tích cực, chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng.

Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch văn hóa Hà Nội thông qua các trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn - Hội - Đội, các Đội hình hỗ trợ Du lịch Thăng Long - Hà Nội; tham gia xây dựng, giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương; đặc biệt là thực hiện việc “Mã hóa dữ liệu các địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục thanh niên”.

Trong tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành đoàn Hà Nội triển khai hiệu quả phong trào Tôi yêu Hà Nội, Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới” gắn với cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trong toàn đoàn như: “Ngày Chủ Nhật xanh”, các mô hình công trình thanh niên “Con đường bích họa, đường hoa thanh niên”, “Tủ điện nở hoa”,“Nhà vệ sinh thân thiện”, triển khai Công trình “Nhà phân loại rác thân thiện”; tuyên truyền 2 Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội trong việc thực hiện đám cưới nếp sống mới...

Khơi dậy niềm tự hào, phát huy chiều sâu văn hóa ngàn năm của Thủ đô - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Quang Hán – Chủ tịch HĐND Thị xã Sơn Tây phát biểu tại Hội nghị

Biểu dương những kết quả thành phố đạt được trong xây dựng văn hóa, phát triển con người Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ, văn hóa của Thủ đô đã đóng góp vai trò quan trọng không chỉ trực tiếp vào sự phát triển của Thủ đô mà nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề văn hóa và phát triển con người của Thủ đô cũng ngày càng sâu sắc, toàn diện và cập nhật xu thế phát triển của Thế giới.

Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 33, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành tập trung cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống; tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quản trị văn hóa; nghiên cứu thử nghiệm chính sách mới liên quan đến lĩnh vực văn hóa; giao lưu và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ