(Tổ Quốc)- Tuyệt đối không có chuyện Bộ VHTTDL 'xé rào' để cấp phép cho bất cứ cuộc thi Hoa hậu nào.
(Tổ Quốc)- “Tuyệt đối không có chuyện Bộ VHTTDL “xé rào” để cấp phép, không dùng chiêu này chiêu kia để lách luật. Việc cấp phép cho cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Bộ, đúng theo Nghị định 79 đã được Thủ tướng Chính phủ ký”. Đây là khẳng định của ông Phan Đình Tân - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL trước thông tin cho rằng, Quy định của Chính phủ hiện hành chỉ cho phép tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu/năm nhưng Bộ VHTTDL cấp phép cho 3 cuộc thi hoa hậu trong năm 2016 là xé rào, lách luật, dùng “chiêu” quốc tế hóa để cấp phép cho cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu.
Ông Phan Đình Tân: Tuyệt đối không có chuyện “xé rào” để cấp phép cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu (ảnh Nguyên Minh)
+ Xin ông cho biết quan điểm của Bộ VHTTDL về việc có thông tin cho rằng, Bộ đã “xé rào”, “lách luật” khi cấp phép tổ chức 3 cuộc thi hoa hậu trong năm 2016 trong khi Nghị định 79 quy định chỉ cấp phép tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia trong một năm?
- Ngày 10/3/2016, Báo Người Lao động có bài nói về Bộ VHTTDL có “xé rào” cấp phép cho cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu hay không thì quan điểm của tôi, đây là câu hỏi mà ngay sau đó, trong bài báo, người ta cũng đã tự trả lời.
Điều 18 trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu như sau:
1. Cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc được gọi tên là thi Hoa hậu.
2. Số lượng các cuộc thi người đẹp hằng năm được quy định như sau:
a) Đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm tổ chức không quá 2 lần;
b) Đối với cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể trung ương, mỗi năm tổ chức không quá 3 lần;
c) Đối với cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức không quá 1 lần;
d) Đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VHTTDL sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định.
Như vậy, điểm d, điều 18 đã quy định rất rõ, Bộ căn cứ từng năm để xem xét, cấp phép.
Thứ hai, cơ sở nào tiếp theo để Bộ có thẩm quyền này? Đó là Nghị quyết tháng 3 năm 2015 của Chính phủ mà Thủ tướng đã ký ban hành trong đó có giao Bộ VHTTDL căn cứ Nghị định 79 là căn cứ tình hình cụ thể từng năm để xem xét duyệt cho phép các cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam. Như vậy, quan điểm của Bộ VHTTDL là Bộ đã làm đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, được quy định tại Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, không có chuyện “lách luật”, sử dụng “chiêu” quốc tế hóa… như bài báo trên báo Người lao động số ra ngày 10/3/2016 đã đăng.
Còn tôi không hiểu, dư luận phân vân, đặt dấu hỏi hay là còn có ý khác? Tôi tha thiết đề nghị, chúng ta sống trong một thế giới phẳng, chúng ta nên thông tin một cách minh bạch, không nên úp mở thông tin kiểu này. Tôi hoàn toàn không chấp nhận những thông tin nửa kín nửa hở như thế này, để dư luận suy diễn ra cái khác.
Trong một đất nước, vì sao có những Nghị định này, bản thân Báo NLĐ chính trong bài báo ngày 10/3 cũng đã nêu “Nghị định 79 ra đời là nhằm siết chặt tình trạng tổ chức thi hoa hậu tràn lan, xô bồ trước đó, gây bức xúc trong xã hội”. Và đó là đúng. Còn chúng ta giới hạn cuộc thi, cho phép cuộc thi cũng đều nằm trong Nghị định, Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật. Tuyệt đối không có chuyện “xé rào” để cấp phép, không dùng “chiêu” này “chiêu” kia để lách. Chính vì vậy tôi cũng đề nghị báo chí thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm người làm báo trong những vấn đề của xã hội. Không nên đưa những thông tin nửa kín nửa hở như thế này để người ta suy diễn, bình luận, rối loạn trật tự. Trong khi đó, Nhà nước, mà người đại diện là Bộ VHTTDL làm rất đúng.
+ Ông nghĩ sao về việc Nghị định 79 đang được đề nghị sửa đổi?
- Ngay cả Hiến pháp, Hiến chương Liên Hợp quốc cũng tùy tình hình thực tế để điều chỉnh. Luật là gì, hiến pháp là gì, là tất cả những quy định phải đáp ứng nhu cầu thực tế, Nghị định 79 cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nghị định 79 ra đời là trên cơ sở trước đó để tăng chất lượng quản lý các hoạt động văn hóa này. Nhưng Nghị định ra đời năm 2012 là đánh giá những thực trạng trước đó, còn từ đó đến nay, trên cơ sở thực tiễn đã có những phát triển, tính hội nhập quốc tế cũng đã khác rồi. Ngay như chúng ta tham gia TPP, những cam kết với cộng đồng quốc tế cũng đã khác. Vì vậy, căn cứ tình hình thực tế, chúng ta phải có những điều chỉnh Nghị định 79 cho phù hợp thực tế. Điều gì chưa phù hợp thực tế thì cũng điều chỉnh. Hiến pháp cũng điều chỉnh, Luật cũng điều chỉnh, Nghị định cũng vậy, ở đất nước nào cũng vậy, không có gì bất biến và tuyệt đối cả!
Trong công tác quản lý Nhà nước, chúng ta phải rút ra những điều được hay chưa được, căn cứ để đề xuất sửa đổi Nghị định này, đó là việc làm thường xuyên và đương nhiên phải làm.
+ Điều 18 của Nghị định 79, sẽ chỉ có hai cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia trong một năm là một quy định trước đây đã từng được dư luận ủng hộ. Liệu khi đề nghị sửa đổi Nghị định này thì có nên thay đổi điều 18 không, có đặt ra việc cấp phép nhiều hơn nữa các cuộc thi hoa hậu hay không, thưa ông?
- Thay đổi điều gì có tác động đến xã hội phải có điều tra tác động xã hội, có hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến công khai trên diễn đàn và từ đó thì cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc. Tôi thấy, về cơ bản, với Nghị định 79, dư luận đồng tình về số lượng tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Điểm này không có đề xuất thay đổi. Từ hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia và Bộ VHTTDL căn cứ tình hình thực tế từng năm để xem xét cấp phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu quốc tế. Như thế là phù hợp. Còn điều này, điều kia chưa phù hợp thì căn cứ thực tế để sửa đổi.
Nghị định ra đời cũng đã gần 5 năm rồi, chúng ta đã phát hiện ra điều gì phù hợp thì tiếp tục thực hiện, điều gì chưa phù hợp để sửa đổi để đảm bảo giữ gìn trật tự trong hoạt động văn hóa mà theo tôi là cũng tương đối nhạy cảm.
Để tránh những lùm xùm, BTC các cuộc thi cần phải làm cho đúng quy định, đúng thẩm quyền và đúng quy trình (ảnh Nguyên Minh)
+ Sau 5 năm thực hiện Nghị định 79, ông có cho rằng các cuộc thi hoa hậu đã có thay đổi tích cực hơn, tránh được việc tràn lan hoa hậu như trước đây?
- Rõ ràng các cuộc thi hoa hậu đã đi vào nề nếp và trật tự hơn sau khi có Nghị định 79. Đó không phải là đánh giá chủ quan của tôi mà qua đánh giá của xã hội, của nhiều cơ quan công luận, cũng như những nhà tổ chức. Còn cách gọi, tên gọi, nhiều người cũng nêu. Nên gọi là Hoa khôi, Người đẹp với các cuộc thi mang tính địa phương, trong ngành nhưng các cơ quan tổ chức có khả năng tổ chức tốt thì nên chăng cũng gọi là Hoa hậu. Bởi từ Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ở các nước theo tiếng Anh đều gọi là Miss. Điều này cũng sẽ cân nhắc trong Nghị định sửa đổi trong đợt tới này để phù hợp.
Bản thân văn bản pháp quy nào ra đời cũng là để phục vụ việc quản lý, đảm bảo trật tự xã hội và quản lý các hành động, hành vi phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng số đông, chứ không thể đáp ứng tất cả mọi người. Nên khi có ý kiến này, ý kiến kia góp ý vào văn bản đề nghị sửa đổi thì chúng ta sẽ tiếp thu, nhưng khi văn bản có giá trị hiệu lực thì phải thi hành.
+ Ông nghĩ sao về hiện tượng, sau mỗi cuộc thi hoa hậu đều có những dư luận lùm xùm?
- Những cuộc thi, không chỉ là hoa hậu, đều có những điều tiếng, kể cả tốt, xấu. Tốt thì chúng ta không nói đến, còn xấu thì có mấy nguyên nhân.
Một là để đạt được vị trí danh hiệu cao, cách thức tổ chức của BTC đôi khi chưa chặt chẽ, để xảy ra những kẽ hở, sơ sót trong thẩm định hồ sơ, trong kiểm tra thí sinh, trong các quy định, trong kiểm tra các văn bản chứng từ…
Hai là để đạt được mục đích là trở thành người đoạt giải, các thí sinh tham gia cũng có người đi bằng con đường đàng hoàng nhưng cũng có những người không đàng hoàng, bằng cách này cách kia để đạt được danh hiệu đó. Và như vậy, một người này đạt thì người khác cạnh tranh, ghen ghét đố kị, dẫn đến dèm pha, xúc xiểm nhau, không chỉ bằng lời lẽ mà thậm chí là bằng hành động, tố cáo nhau, có thể có, có thể đặt điều. Chính vì vậy, tôi nói không riêng gì các cuộc thi hoa hậu mà với cả các cuộc thi danh giá trên thế giới cũng có. Quan trọng là bản lĩnh của nhà tổ chức, phải làm cho đúng quy định, đúng thẩm quyền và đúng quy trình thì trước bão dư luận mình không ngại, không sợ. Làm bằng tâm huyết nhưng với cái đầu lạnh để lúc nào mình cũng bình tĩnh, xử lý vấn đề thấu đáo, căn cứ trên các quy định của Nhà nước, pháp luật và các văn bản pháp quy về những vấn đề liên quan.
Tôi cũng đề nghị báo chí công tâm công bằng trong thông tin, dư luận, tránh tình trạng a dua, hùa vào ủng hộ ai đó, tố cáo ai đó mà cơ sở không có, dẫn đến thông tin thất thiệt đưa ra, ảnh hưởng đến an ninh thông tin, ảnh hưởng thân phận những con người, ảnh hưởng đến cuộc thi, sau đó là ảnh hưởng đến cả hình ảnh đất nước.
+ Xin cảm ơn ông!
Hồng Hà (thực hiện)