(Tổ Quốc) - Dù thắng kiện trong vụ bị tố phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á trong tuyển sinh nhưng quy trình tuyển sinh của Harvard là không hoàn hảo. Thẩm phán liên bang Mỹ đã đưa ra nhận định trong vụ kiện kéo dài nhiều năm.
- 17.07.2019 'Vỡ mộng' Harvard: Bệnh thành tích, nạn “cha truyền con nối”, phân biệt giới tính, sinh viên không hẹn hò vì thiếu kỹ năng
- 11.12.2018 Ra mắt sách tập hợp các bài diễn văn tại ĐH Harvard của tác giả Toni Morrison
- 15.10.2018 Đại học Havard bất ngờ phải hầu tòa vì phân biệt đối xử sinh viên gốc Á
Thẩm phán liên bang Mỹ Allison D. Burroughs đã bác bỏ tuyên bố Đại học Harvard cố tình phân biệt đối xử với các thí sinh gốc Á, trong vụ kiện kéo dài nhiều năm.
Vụ kiện Harvard do nhóm Sinh viên vì Tuyển sinh công bằng (SFA) tiến hành từ năm 2014, với lập luận rằng trường Harvard đã phân biệt chủng tộc trong việc tuyển sinh.
Bà Burroughs đã bác bỏ lập luận của nguyên đơn, và cho rằng trường Harvard đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của hiến pháp trong quá trình tuyển sinh của trường.
Trong quyết định của mình, Thẩm phán Burroughs cũng đưa ra quan điểm bảo vệ lợi ích của sự đa dạng chủng tộc và cho rằng chưa cần phải cân nhắc nhiều hơn đến vấn đề này trong chính sách tuyển sinh đại học. Bà cũng đã nghĩ đến một tương lai trong đó chủng tộc sẽ không còn cần thiết trong tuyển sinh.
Kết luận về vụ kiện cũng sẽ là tuyên bố chung cho nhiều trường đại học hàng đầu khác, khi nhóm SFA cho rằng có sự phân biệt chủng tộc trong quá trình tuyển sinh của các trường.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp Mỹ ủng hộ nguyên đơn và cũng đang có một cuộc điều tra riêng về vấn đề này.
Nguyên đơn được quyền kháng cáo quyết định này của Tòa án và dự kiến vụ kiện sẽ được đệ trình lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.
Đại học Havard bị kiện vì phân biệt đối xử trong chính sách tuyển sinh (ảnh: NYTimes)
Mặc dù bác bỏ các tuyên bố liên quan đến phân biệt chủng tộc trong quá trình tuyển sinh của trường Harvard nhưng thẩm phán Burroughs cũng cho rằng, quá trình tuyển sinh của Harvard là không hoàn hảo.
Bà đề nghị Harvard cần nỗ lực hơn để chứng tỏ trường không thiên vị trong quá trình tuyển sinh, sự thiên vị này có thể do các nhân viên tuyển sinh thực hiện một cách vô thức, đây cũng là một lập luận được nguyên đơn đưa ra tại phiên tòa.
Nhiều trường đại học hàng đầu của Mỹ cũng thở phào nhẹ nhõm khi Thẩm phán đưa ra quyết định như vậy.
Tuy nhiên, đây chỉ là phán quyết của tòa án liên bang, chứ chưa phải là phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này.
Vụ kiện thực sự quan trọng bởi động chạm đến các vấn đề "nhạy cảm" trong xã hội Mỹ như giai cấp, chủng tộc, quyền lực.
Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Burroughs nhấn mạnh, các thí sinh gốc Á được chấp nhận đỗ vào Harvard với tỷ lệ giống như các thí sinh khác và hiện chiếm hơn 20% sinh viên năm nhất của trường, trong khi người gốc Á chiếm 6% dân số Hoa Kỳ.
Mặc dù các sinh viên Harvard cảm thấy nhẹ lòng với quyết định này của tòa án nhưng cũng không khỏi lo lắng khi vụ kiện sẽ được đưa lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Sự lo lắng của họ là có cơ sở bởi trong quá trình tìm các bằng chứng cho vụ kiện này đã hé lộ nhiều bí mật khác trong quá trình tuyển sinh của Harvard như, có một bộ phận sinh viên con nhà giàu được xem xét đặc biệt, hay việc hạ thấp các tiêu chí đối với sinh viên da trắng ở nông thôn, nơi có ít ứng viên nộp hồ sơ vào Harvard, hay cách vận động con cái của các cựu sinh viên, giảng viên của trường…
Phiên tòa khiến dư luận thêm phẫn nộ bởi các chính sách của các trường đại học hàng đầu, khi có những bằng chứng cho thấy có sự thiên vị, hay những đặc quyền dành cho cho tầng lớp nhà giàu.
Cách đây vài tháng, các công tố viên Mỹ đã buộc tội gần 50 người gồm nhiều diễn viên, doanh nhân nổi tiếng… đã hối lộ để con cái họ được vào học ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ như Stanford, Yale…