• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không có đủ kim loại đồng trên thế giới và sự thiếu hụt có thể kéo dài đến năm 2030

Thế giới 07/02/2023 16:06

(Tổ Quốc) - Đồng là kim loại có tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Sự thiếu hụt nguồn cung từ đồng có thể xảy ra trên thị trường toàn cầu trong năm 2023.

Sự thiếu hụt trên diện rộng

Trang CNBC dẫn tin, sự thiếu hụt đồng sẽ diễn ra trên thị trường toàn cầu trong năm 2023 khi nguồn cung cấp kim loại này từ Nam Mỹ ngày càng giảm đi nhưng nhu cầu trên thế giới ngày càng cao hơn.

Không có đủ kim loại đồng trên thế giới và sự thiếu hụt có thể kéo dài đến năm 2030 - Ảnh 1.

Sự thiếu hụt đồng ngày càng lớn trước bối cảnh nhu cầu cao hơn. Ảnh: CNBC

Đồng là kim loại có tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều khả năng sự thiếu hụt nguồn cung từ đồng sẽ xảy ra trên thị trường toàn cầu trong năm 2023 — và một nhà phân tích dự đoán sự thiếu hụt này có thể kéo dài trong suốt phần còn lại của thập kỷ. Thế giới hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu kim loại đồng lớn bởi nguồn cung cấp ngày càng khó khăn tại Nam Mỹ và áp lực nhu cầu ngày càng cao hơn. Kim loại đồng có tác động quan trọng đến nền kinh tế bởi được sử dụng kết hợp với nhiều mục đích khác nhau như thiết bị điện và máy móc công nghiệp.

Việc siết chặt kim loại đồng có thể gây ra áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu và buộc các ngân hàng trung ương phải siết chặt hơn.

"Chúng tôi dự đoán mức thâm hụt lớn về đồng sẽ xảy ra đến năm 2030. Nguyên nhân chính là do tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Peru và nhu cầu cao hơn về đồng trong ngành chuyển đổi năng lượng", Robin Griffin, Phó Chủ tịch Kim loại và Khai thác của Wood Mackenzie cho biết.

Peru ước tính đáp ứng 10% nguồn cung đồng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Chile - nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, chiếm 27% nguồn cung toàn cầu đã ghi nhận mức giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11.

"Nhìn chung, chúng tôi dự đoán rằng Chile có thể sẽ sản xuất ít đồng hơn từ năm 2023 đến năm 2025," ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo riêng đề ngày 16/1.

Tuy nhiên, nhà quan sát thị trường cảnh báo không nên quá lo lắng.

"Sự gián đoạn là điều bình thường và tôi không nghĩ rằng thế giới chắc chắn sẽ xảy ra điều này ở cấp độ cao hơn bình thường", ông Timna Tanners, Giám đốc điều hành của Wolfe Research cho biết đồng thời gợi ý một số mỏ mới sẽ tăng lên vào năm 2023.

Theo dữ liệu của CME, giá đồng tương lai ổn định ở mức 4.035 USD/pound vào ngày 6/2. Kim loại này chạm mức thấp nhất là 3,9930 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 10/ 1 khi được giao dịch ở mức thấp nhất là 3,9875 USD.

Đối phó với nhu cầu cao

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại và sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng và ô tô đã làm gia tăng nhu cầu đối với kim loại đỏ, gây thêm căng thẳng cho nguồn tài nguyên đồng.

"Khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động lớn đến giá đồng vì cải thiện triển vọng nhu cầu [của nước này] cũng như thúc đẩy giá đồng lên cao hơn nữa do thiếu hụt nguồn cung sau quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Vì vậy quá trình khai thác kim loại này sẽ trở nên khó khăn hơn", Tina Teng, chuyên gia thị trường cho biết.

Ở bối cảnh hiện tại, Trung Quốc nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt về Covid-19 sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của đất nước sau khi nhu cầu đang bị dồn nén trong thời gian dài. Giá hàng hóa đã tăng mạnh kể từ tháng 12 ngay khi Trung Quốc công bố kế hoạch dỡ bỏ hàng loạt biện pháp phòng chống Covid-19.

"Thâm hụt có thể kéo dài cho đến khi xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn do những cơn gió ngược hiện tại vào năm 2024 - 2025," ông Teng nói thêm đồng thời dự báo rằng đến lúc đó, giá đồng có thể tăng gấp đôi.

Tương tự, chuyên gia Tanners từ trung tâm nghiên cứu Wolfe Research cũng nhận định không hề mong muốn "sự bùng nổ lớn" về hoạt động và tiêu thụ đồng khi Trung Quốc hoạt động trở lại.

"Đặc biệt, mức tiêu thụ đồng thực sự không chậm lại vào năm 2022. Các nhà máy vẫn hoạt động, các biện pháp kích thích của chính phủ và cơ sở hạ tầng vẫn đang phát triển. Hiện tượng điện khí hóa rộng rãi hơn có thể sẽ là động lực cơ bản lớn hơn cho nhu cầu đồng", bà Tanners giải thích.

Đồng có nhiều tính năng trong công nghệ liên quan đến điện và chuyển đổi năng lượng mở rộng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh số bán ô tô điện vào năm 2021 đã tăng hơn gấp đôi, nâng tổng số xe điện trên thế giới lên khoảng 16,5 triệu chiếc. Điều đó có nghĩa là hệ sinh thái sạc xe điện EV sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong những năm tới trong xu hướng phát triển năng lượng sạch.

"Trong dài hạn, nhu cầu đối với kim loại đồng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ rất lớn bởi vì sự tăng trưởng trong cả ô tô và truyền động đang phát triển mạnh trên khắp thế giới", chuyên gia Griffin của Wood Mackenzie chia sẻ./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ