(Tổ Quốc) - Sáng nay (8/11), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về kinh tế xã hội và công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh thảo luận về kết quả, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, các đại biểu (ĐB) đã dành nhiều quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua.
Danh xưng là Thầy mà vi phạm pháp luật thì rất đáng lo ngại
ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai), suốt 2 năm qua, chúng ta đã trải qua những thời gian khốc liệt do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Hàng vạn bác sĩ đã không quản khó khăn, gian khổ để cống hiến, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thời gian qua, có những cán bộ quản lý ngành Y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy tố hình sự. "Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước. Một nghề vốn được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng là Thầy mà vi phạm pháp luật thì đó là một hiện tượng rất đáng lo ngại. Xét ở góc độ cả về pháp luật hay đạo đức xã hội đều đáng lên án" - ĐB này nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Công Long cho rằng, đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật về những yếu kém của ngành Y tế, quản lý điều hành hệ thống y tế hiện nay.
Điểm chung của một số vụ án liên quan đến ngành y tế gần đây đó là số cán bộ bị truy cứu trách nhiệm không chỉ vi phạm về chức vụ mà còn về đấu thầu, kế toán. "Khi thông qua Bộ Luật Hình sự năm 2015, chắc chắn các nhà làm luật không thể hình dung được tội phạm kinh tế lại có sự chuyển hóa đến như vậy?" - ĐB này trăn trở.
Đặt vấn đề "Những vi phạm của bác sĩ trong điều hành ở cơ sở y tế công lập có phải từ bất cập trong hệ thống pháp luật hay không?" - ĐB Nguyễn Công Long cho rằng, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm chuyên môn, Giám đốc bệnh viện còn phải chịu nhiều trách nhiệm khác liên quan đến hoạt động từ các ca mổ, cấp cứu cho bệnh nhân, mua sắm sinh phẩm cho đến cả vấn đề gửi xe, túi rác…
"Để đáp ứng được những yêu cầu đó, chỉ có những bác sĩ có kỹ năng, trình độ đặc biệt thì mới thực hiện toàn mỹ" - ĐB này nói.
Viện dẫn một số mô hình ở các quốc gia phát triển, các bác sĩ giữ cương vị quản lý sẽ chỉ đạo chung dựa trên yêu cầu thực tiễn, còn nhiệm vụ cung ứng các vật tư y tế lại do một bộ phận khác đảm nhận, ĐB Công Long nêu: "Phải chăng cơ chế quản lý của chúng chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện, đòi hỏi quá cao về người giữ nhiệm vụ quản lý từ đó dễ dẫn đến những sai phạm".
ĐB này đề nghị, bên cạnh việc cần xử lý nghiêm các hành vi sai phạm thì cũng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để chúng ta không còn "thấy bác sĩ vướng vòng lao lý bởi những việc họ không phải làm, không được làm".
"Căn bệnh" trầm kha bộc lộ khi xảy ra dịch bệnh
ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được đợt bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19. Tuy nhiên, công tác chống dịch vẫn bộc lộ một số hạn chế.
Nữ ĐB này cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải; kiên quyết không để ban hành giấy phép con; không để cát cứ, chia cắt. Tuy nhiên, vì quá lo lắng nên một số địa phương mình đã đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây nhiều ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Một số nơi đặt ra các giấy tờ không phù hợp để đi qua chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn trở về quê tránh dịch.
Theo ĐB Phương Hoa, trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn, thì một cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng chống dịch. "Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn", ĐB nhận định.
Dẫn chứng cho "căn bệnh" trên, vị ĐB đoàn Nam Định nêu một số vụ cán bộ địa phương đã có hành vi phạm quy định về phòng chống dịch. Cụ thể như cán bộ đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực. Có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm.
"Những trường hợp nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo ra hình ảnh phản cảm, phần nào gây mất uy tín của chính quyền" - ĐB này nói.
Y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức
ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu vấn đề xã hội hóa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một yếu tố quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân. Tuy nhiên, xã hội hóa cần được thực hiện một cách thống nhất, trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và được tôn vinh xứng đáng.
ĐB Hoàng Đức Thắng cũng chỉ ra một số bất cập trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua như điều kiện thiếu thốn, khó khăn, quá tải ở nơi cách ly tập trung, thu dung, điều trị người mắc COVID-19; trong khi khách sạn, cơ sở lưu trú lại không được sử dụng. Hay như việc cơ sở y tế tư nhân gần như đứng ngoài cuộc, trong khi y tế công lập quá sức.
Từ đó, ĐB này đề nghị rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách để tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, phát huy tốt vai trò chủ động, sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Nhấn mạnh về nguồn lực chi chống dịch đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, ngân sách Nhà nước thời gian qua phải căng ra lo chi cho chống dịch nên cần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý thu chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, triệt để tiết kiệm các khoản chi.
Từ đó, ĐB này nêu quan điểm: "Lúc này phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng"./.