• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Không có gì phải nghi ngờ thiết bị dự báo thời tiết của Trung Quốc”

Thời sự 25/08/2016 06:07

(Tổ Quốc) -Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vừa khẳng định với báo Điện tử Tổ Quốc.

Theo ông Hải, mạng lưới quan trắc hiện nay của Việt Nam có mặt hầu hết các đảo lớn và đây là các căn cứ để dự báo.

Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm đang đề xuất đặt trạm phao dưới đáy biển để quan trắc thường xuyên hơn, khi bão đi qua, phao sẽ ghi nhận và chuyển về trung tâm xử lý thông số.

“Trước đây có một dự án của Na Uy đầu tư một số phao nhưng bị cắt trộm” – ông Hải cho hay.

Phó Tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải: "Không có gì phải nghi ngờ thiết bị dự báo thời tiết của Trung Quốc"

Trước thông tin, dự báo của Việt Nam chưa chính xác do dùng các thiết bị của Trung Quốc, ông Hải cho hay, không có dự báo nào hoàn hảo mà chỉ có dự báo gần đúng, chứ không phải vì mình thiếu đầu tư, thiếu thiết bị.

Về thiết bị Trung Quốc, ông Hải cho hay, dọc bờ biển hiện nay của Việt Nam đa phần là máy hiện đại của Mỹ, Anh, Pháp. Số này chiếm tới 80%, 20% là các thiết bị của Trung Quốc và là các thiết bị đặt phía sâu trong đất liền, có hệ thống kiểm định các thiết bị này thường xuyên theo quy định.

“Chúng tôi cho rằng không có gì phải nghi ngờ việc đó (máy móc của Trung Quốc-PV) cả. Ngoài việc sử dụng các dữ liệu từ máy đo cho Việt Nam, chúng tôi còn cung cấp các thông số thời tiết cho quốc tế, có hệ thống kiểm soát số liệu của quốc tế, sai họ báo ngay” – ông Hải cho hay.

Ngoài ra, theo ông Hải, các thiết bị này được lắp từ lâu, năm 2013 có tới 13 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam thì không ai nghi ngờ về chất lượng máy móc đưa ra số liệu quan trắc đó cả mà tới năm nay lại đặt vấn đề dự báo sai là suy diễn.

“Tôi lấy ví dụ, một trạm thủy văn ở Lạng Sơn chúng tôi dùng hệ thống đo lưu lượng nước bằng nôi tự động của Trung Quốc. Số liệu thu thập được chúng tôi còn gửi cả cho phía Trung Quốc vì hai nước có sử dụng chung dòng sông này. Họ cũng sử dụng số liệu đó thì không có gì là không chính xác và không tin cậy cả” – ông Hải làm rõ.

Liên quan tới thiết bị, công nghệ trong công tác dự báo, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết thêm, đây là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới dự báo.

Hệ thống này hiện Việt Nam có sử dụng ảnh vệ tinh, ra đa, trạm đo tự động, bán tự động, trạm đo khí áp, lượng mưa...

“Hầu hết các nước đều gặp khó khăn trong dự báo bởi không thể tiếp cận dự báo chính xác được, giới hạn sai số đều rất rộng và Việt Nam cũng không vượt qua thực trạng này” – ông Cường cho hay.

Hiện Việt Nam đang nỗ lực phủ dày trạm ra đa trên đất liền và biển, tuy nhiên nỗ lực này vẫn chưa đáp ứng được công tác dự báo. Chưa kể tới các yếu tố khác như năng lực dự báo, chi tiết hóa của dự báo viên không đồng đều; thời tiết ngày càng cực đoan…

Ông Cường kiến nghị, cần tăng cường thiết bị quan trắc, ra đa, trạm thu vệ tinh, tăng cường trạm đo ở phao giữa biển, trên biển, giàn khoan…

“Nếu được Bộ Quốc phòng cho phép, phối hợp thì có thể sử dụng máy bay không người lái, đưa tên lửa thả thiết bị vào tâm bão để có thể thu thập thêm số liệu. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ dự báo ở địa phương, tăng cường truyền thông để người dân chủ động ứng phó với thiên tai, tránh chủ quan...” – ông Cường nói./.

Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ