Không để doanh thu quảng cáo trên mạng chảy về các kênh có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền báo chí
(Tổ Quốc) - Ngày 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số".
Nguồn thu từ quảng cáo vẫn chiếm vị trí quan trọng của các cơ quan báo chí
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dành thời gian khái quát "bức tranh chung về báo chí thế giới", trong đó ấn phẩm số tăng lên, còn số lượng và doanh thu của ấn phẩm in đều giảm sút.
"Tuy nhiên, phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp cho phần mất đi của báo in", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho hay, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng, nhưng với báo chí lại giảm. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm in giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.
Ngoài doanh thu từ quảng cáo và từ độc giả, nhiều cơ quan báo chí tập trung vào việc tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội và nền tảng công nghệ để tạo nguồn thu. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, giai đoạn trước mắt, nguồn thu từ quảng cáo vẫn chiếm vị trí quan trọng của các cơ quan báo chí.
"Quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40-50% doanh thu nhưng dẫu sao đây vẫn là nguồn thu rất quan trọng", ông Lê Quốc Minh nói và cho biết, hiện Google và Facebook chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo.
Tổng Biên tập báo Nhân dân cho rằng, thời gian tới đa số các cơ quan báo chí tìm kiếm doanh thu từ độc giả. "Tìm doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn và đó là nguồn thu an toàn", ông Lê Quốc Minh nói.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, từ năm 2012, khi nói đến thu phí từ độc giả thì rất nhiều người "dè bỉu". Trước khi đạt kết quả như ngày hôm nay, báo chí thế giới cũng đã thử nghiệm rất nhiều, đã mắc sai lầm rất nhiều.
"The New York Times đẩy mảng thu phí lên rồi hạ xuống, rồi lại đẩy lên. Còn Washington Post đã quyết định cạnh tranh bằng cách không thu phí rồi lại thu phí. Và hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay đều thu phí", ông Lê Quốc Minh nói và cho rằng, nếu các cơ quan báo chí còn tình trạng chờ xem đơn vị khác thử nghiệm có sai không, mình mới làm thì dễ mắc lại những sai lầm cũ.
Ngoài ra, đại diện truyền thông cũng là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng thúc đẩy việc tổ chức sự kiện, việc này nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đang làm. Nếu có đối tác tốt và bộ phận vận hành ổn, mảng tổ chức sự kiện có thể đem lại trên 20% doanh thu cho cơ quan báo chí. Có rất nhiều hình thức tổ chức sự kiện như chuyên ngành, liveshow, hội chợ, lễ trao giải và gala…
Nắn lại dòng doanh thu quảng cáo trên không gian mạng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ, phát triển báo chí, trong đó có vấn đề giải quyết câu chuyện kinh tế báo chí, bao gồm việc sửa đổi, cải cách thể chế.
Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí năm 2016. Trong đó, sẽ đưa vào một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan pháp lý trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.
"Có lẽ, phải đưa vào Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, tiền đề mới ở tầm luật để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển, trong đó có câu chuyện liên quan đến kinh tế báo chí", ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, những thể chế khác trong việc đặt hàng, tăng cường đặt hàng báo chí như một dịch vụ công, sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được sửa đổi. Không phải chỉ cho phép các cơ quan mạnh dạn đặt hàng báo chí nhiều hơn mà còn đa dạng hơn. Các cơ quan báo chí có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho Nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng trên đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, báo chí phải đáp ứng xu hướng đưa nội dung lên không gian mạng để đón người dùng thế hệ mới với thói quen hành vi đã hoàn toàn thay đổi. Báo chí không còn định vị, nhìn nhận trong các dạng thức truyền thống nữa.
Bên cạnh đó, còn có những biện pháp khác nhằm điều tiết một số bất cập trong bức tranh kinh tế báo chí. Ví dụ, thời gian gần đây đã áp dụng nắn lại dòng doanh thu quảng cáo trên không gian mạng để giảm bớt, không để chảy về các kênh có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền báo chí. Từ đó, sẽ có thêm nguồn doanh thu quảng cáo trở về với những trang, kênh thông tin chính thống, trong đó có báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ vấn đề thể chế đáng quan tâm là Nghị định 18/2014 quy định về nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Nghị định này đang được sửa đổi theo Luật Sở hữu trí tuệ, quy định, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí.
"Chúng ta nói về nguồn lực khiêm tốn của cơ quan báo chí và phải cạnh tranh với mạng xã hội. Nhưng nguồn lực đó tiếp tục bị bào mòn bởi câu chuyện vi phạm bản quyền.
Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi thể chế theo hướng khi sử dụng nội dung sáng tạo của báo chí thì phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, các thách thức về đổi mới phương thức làm báo, giải quyết kinh tế báo chí, xét tới cùng là thách thức quản trị. Bởi vì trong quá trình đưa ra giải pháp kinh tế báo chí, không phải ai cũng đạt kết quả và sẽ không thể có một mô hình phù hợp với tất cả các cơ quan báo chí.
"Rõ ràng thách thức về mặt quản trị là phải thay đổi cách làm báo, phải thay đổi cách kinh doanh sản phẩm báo chí. Đây là việc vô cùng khó nhưng không thể không làm!", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT khuyến khích, đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí đưa ra mô hình mới để kinh doanh sản phẩm báo chí. Trong quá trình tìm nguồn thu chính đáng, báo chí không nên bỏ qua bất cứ nguồn lực xã hội nào.
"Tôi không nghĩ rằng các cơ quan báo chí đóng góp vào sự phát triển chung lại bị bỏ lại phía sau. Cơ quan quản lý Nhà nước cam kết đồng hành với các cơ quan báo chí. Với những vấn đề mà từng cơ quan báo chí riêng lẻ rất khó làm thì lúc này cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.