• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không lấy 27/7 làm ngày nghỉ lễ, đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm việc gấp 2-3 lần để đền đáp, tri ân

Thời sự 12/06/2019 21:29

(Tổ Quốc) - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trong số 16 ý kiến đề cập đến việc lấy ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ thì có đến 15 ý kiến không nhất trí lấy 27/7 làm ngày nghỉ lễ.

Chiều nay (12/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chia sẻ quan điểm về việc lấy ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần cân nhắc thật kỹ bởi đây có thể là tình cảm, niềm tin của người này nhưng lại bất an của người khác, động chạm đến cảm xúc và lòng trắc ẩn của nhiều người.

Về phía đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), ông nêu quan điểm, nếu xem 27/7 là "ngày tri ân" thì nghĩ lại không ổn bởi "Việc tri ân các anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu cho dân tộc, lâu nay luôn được tổ chức long trọng, thành kính, đầy đủ. Nếu đổi tên thành ngày tri ân chung chung, không rõ đối tượng thì dễ bị tri ân sai đối tượng, nhạt nhòa, dễ bị người xấu lợi dụng".

Nhiều đại biểu không những không nhất trí xem đây là ngày nghỉ mà thậm chí còn ý kiến là phải làm việc gấp 2-3 lần để đền đáp sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ. Ngoài ra, "tri ân" là việc phải làm thường xuyên trong cả năm chứ không chỉ trong một ngày. 

Báo Dân Việt dẫn lời ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, khi nghe đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong năm, bản thân ông rất đau lòng, ông cũng có bố là liệt sỹ nên hiểu ngày này rất thiêng liêng, phải biến đau thương thành hành động có ý nghĩa chứ "tại sao lại phải nghỉ tự do, vui chơi, giải trí?".

Đa số đại biểu không nhất trí lấy 27/7 làm ngày nghỉ lễ  - Ảnh 1.

ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nguồn: Quochoi.vn)

"Tôi muốn nhắc lại, trên đất nước chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá gây đau thương cho con người, mất mát rất nhiều. Có những người được công nhận anh hùng liệt sỹ nhưng nhiều người dân chúng ta cũng mất mát trong chiến tranh.

Chúng ta không nên nhắc lại những gì đau thương trong gia đình, kể cả những người ở bên kia chiến tuyến. Chính vì vậy, chúng ta theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hòa giải dân tộc, thương lấy nhau không nên nhắc lại những gì đau thương ở những người, những gia đình có mất mát trong chiến tranh", đại biểu Đỗ Trọng Kim chia sẻ.

Một trong những nội dung đáng chú của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là thời gian làm thêm giờ của người lao động sẽ được tăng thêm 100 giờ/năm, từ tối đa 300 giờ/năm như hiện hành lên 400 giờ/năm. Dự thảo luật cũng có nhiều điểm mới quy định về tuổi nghỉ hưu, tiền lương, ngày nghỉ lễ, thời gian làm việc, tổ chức đại diện của người lao động…

Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, có hai phương án được đưa ra. Trong đó, cơ quan soạn thảo thể hiện quan điểm chọn phương án 1, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần có lộ trình và phân loại đối tượng áp dụng phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) cho biết, với tư cách Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông đã trực tiếp đi tới nhiều địa phương, nhìn chung, hầu hết người lao động không đồng tình với phương án đề ra.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, trong quá trình xây dựng luật cần phải quan tâm người lao động là bên thế yếu trong quan hệ lao động. Chỉ khi thấu hiểu và giải quyết được điều này thì luật mới khả thi, nhận được sự đồng thuận của người lao động.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ