• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết

Thời sự 09/04/2018 10:57

(Tổ Quốc) -Ngày 24/11/2017, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Quốc hội tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 08/BC-ĐGS ngày 12/10/2017 của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết

Nghị quyết 56 của Quốc hội nêu rõ, việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương.

Trong đó Nghị quyết 56 nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; trường hợp cần thiết thì phải có quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Tiếp tục rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước. Trong đó, rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, của từng cấp chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu;

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương và giữa chính quyền cấp trên với chính quyền cấp dưới; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả…

Tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), trong đó điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, số lượng vị trí việc làm và số công chức, đầu mối trực thuộc tối thiểu cần có đối với từng loại đơn vị…

Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng mô hình tổ chức như của các Bộ.

Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, tăng cường quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; các cơ quan, đơn vị cùng cấp ở các địa phương khác nhau không nhất thiết phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.

Căn cứ vào quy định khung của Chính phủ và điều kiện cụ thể, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng kiên quyết thu gọn đầu mối. Nghiên cứu thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung…

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế

Nghị quyết 56 của Quốc hội cũng nêu rõ, từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính để làm cơ sở xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại đơn vị hành chính. Rà soát tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố nhằm giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động.

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015.

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai, khắc phục tình trạng bình quân, nể nang trong đánh giá; Kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể và cá nhân trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thu hút những người có đức, có tài vào làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước.

Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu của Trung ương về vấn đề này; coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đẩy mạnh cải cách chế độ tiền lương và chế độ, chính sách đãi ngộ khác cho cán bộ, công chức, viên chức; Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Năm 2018 Chính phủ phải ban hành loạt văn bản làm cơ sở cho sắp xếp tổ chức bộ máy

Nghị quyết 56 cũng cho biết, trong năm 2018, Chính phủ hoàn thành việc ban hành các văn bản sau đây để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế: Các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (hoàn thành trước tháng 7 năm 2018);

Các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, trong đó xác định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này; văn bản hướng dẫn công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã (hoàn thành trước tháng 7 năm 2018).

Văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.

Văn bản về tiêu chí để xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc, cơ cấu công chức, viên chức của các Bộ, ngành, địa phương; tiêu chí đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở xác định đối tượng tinh giản biên chế.

Đồng thời, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, căn cứ vào các tiêu chí, quy định của cơ quan có thẩm quyền, chủ động tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Đối với những việc mới, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để kiến nghị chủ trương, giải pháp phù hợp.

Nghị quyết 56 yêu cầu, tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2020), Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống các cơ quan thuộc bộ máy hành chính nhà nước theo các nội dung của Nghị quyết này./.

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ