(Tổ Quốc) - Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cũng giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật xiếc đang phải đối mặt với bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận cũng như cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí mới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo để nghệ thuật xiếc đến gần hơn công chúng.
Tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có
Xiếc Việt Nam là một loại hình nghệ thuật độc đáo, người ta yêu xiếc ở tính chân thật của nó, nơi nghệ sĩ không thể giấu mình ở bất kỳ góc khuất nào, với bất kỳ khiếm khuyết nào, mà phơi bày tất cả sức khỏe, độ dẻo dai, sự khéo léo trước muôn vàn cặp mắt của khán giả. Tuy nhiên, với sự độc đáo của nghệ thuật này, việc tìm nguồn nhân lực trong tương lai trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam NSND Tống Toàn Thắng: Nghệ thuật xiếc đang phải đối mặt với thực tế "già hóa" nguồn nhân lực bởi tư duy vào nghề xiếc giờ cũng đã khác. Trước kia chúng tôi vào nghề bằng lý tưởng, dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng kiên trì phấn đấu. Bây giờ, nhiều bạn trẻ vào nghề thực tế hơn khi quan tâm tới thu nhập. Hơn nữa, xiếc đòi hỏi sự khổ luyện, tính nghiệt ngã cao và tiềm ẩn rủi ro lớn nên nhiều phụ huynh không dám cho con em theo nghề xiếc vì vất vả và sợ không có tương lai. Ngoài ra, một thách thức nữa đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam là tình trạng "chảy máu chất xám". Nhiều công ty giải trí, khu du lịch tư nhân… có nhu cầu tuyển dụng nghệ sĩ xiếc về để biểu diễn phục vụ giải trí cho du khách nên họ sẵn sàng trả mức thu nhập cao hơn rất nhiều để "chiêu mộ" những nghệ sĩ xiếc về. Trong vòng xoáy nỗi lo cơm áo gạo tiền, một số nghệ sĩ xiếc đã không thể tránh khỏi cám dỗ.
"Nhìn thấy các em ra trường vào trong các đơn vị tư nhân biểu diễn, chúng tôi tiếc nuối vô cùng bởi các em làm ở đó cũng chỉ được một thời gian ngắn, không có nhiều điều kiện để phát triển tài năng của mình. Muốn trau dồi và phát triển tài năng, chỉ có tham gia vào các đơn vị xiếc chuyên nghiệp biểu diễn, tạo ra các tiết mục hay để tham gia biểu diễn trong nước và quốc tế thì mới có cơ hội để phát triển thành nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp được" – NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.
Trước những khó khăn thách thức như vậy, để giải bài toán về nguồn nhân lực của Liên đoàn Xiếc trong nhiều năm qua, NSND Tống Toàn Thắng cho biết: "Trong lúc chờ nguồn nhân lực trẻ kế cận tiếp nối đam mê và phát triển nghệ thuật này thì Liên đoàn Xiếc hiện nay đã và đang phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện có. Dù các nghệ sĩ đã tuổi nghề cao nhưng khả năng họ vẫn có chúng tôi vẫn phải truyền lửa để họ tiếp tục theo đuổi nghề. Cùng với đó, chúng tôi cũng định hướng diễn viên phải tập luyện đa năng. Nếu như trước đây, mỗi diễn viên chỉ cần tập thuần thục một tiết mục biểu diễn thì giờ có thể diễn nhiều tiết mục. Điều này vừa tạo cảm hứng sáng tạo, vừa tăng thêm thu nhập cho diễn viên. Ngoài ra, những gì mà nghệ sĩ xiếc không làm được thì chúng tôi mời gọi cộng tác viên làm thời vụ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời".
"Để phát triển bền vững, nghệ thuật xiếc rất cần một thế hệ tài năng đủ tâm huyết theo nghề. Muốn làm được điều đó, chúng ta không thể bị động, phải lan tỏa giá trị của nghệ thuật xiếc đến với giới trẻ. Vậy nên, song song với duy trì đội ngũ diễn viên đang có, chúng tôi đang có kế hoạch mở các câu lạc bộ để các nghệ sĩ dạy cho các em nhỏ nhằm giúp các em ngay từ bé được tiếp xúc với xiếc, với nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp, qua đó, tạo ra niềm đam mê và yêu thích nghệ thuật xiếc cho các em. Từ đó, hy vọng sẽ tìm ra những tài năng nhí để gửi vào trường đào tạo chuyên nghiệp. Đó chính là hướng đi bền vững mà chúng tôi hướng tới" – NSND Tống Toàn Thắng nói.
Kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật để thu hút khán giả
Không chỉ là bài toán về nguồn nhân lực, dù có tính giải trí cao hơn so với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhưng nghệ thuật Xiếc cũng đang phải đối mặt với trở ngại lớn về vấn đề thiếu khán giả.
NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: "Nếu như ngày xưa khi khoa học công nghệ, truyền thông chưa phát triển thì khán giả phải tìm đến nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật xiếc nói riêng để thưởng thức. Còn bây giờ, trong xã hội hiện nay, người dân có nhiều lựa chọn hơn về các hình thức giải trí, đặc biệt giới trẻ, nên nghệ thuật xiếc phải len lỏi đến từng cá nhân, từng ngóc ngách đời sống để tìm khán giả, đặc biệt khán giả trẻ".
Do đó, để có thể thu hút nhiều khán giả đến với rạp xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phải nỗ lực nghiên cứu thị hiếu, xu hướng của khán giả đang quan tâm để thay đổi, làm mới cho phù hợp. NSND Tống Toàn Thắng cho biết: "Trong những năm gần đây, chúng tôi đã nỗ lực, năng động, sáng tạo rất nhiều trong việc xây dựng kịch bản cho phù hợp với thị hiếu của tất cả đối tượng khán giả để từ đó, làm thay đổi cách nhìn nhận của công chúng đối với nghệ thuật xiếc. Điển hình như, vừa qua chúng tôi đã rất thành công khi kết hợp nghệ thuật xiếc với các loại hình nghệ thuật khác. Các vở diễn xiếc được chúng tôi kết hợp với nghệ thuật cải lương hay với ảo thuật đã thành công ngoài sức mong đợi, bùng nổ trong tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt của công chúng, đánh dấu bước đầu thành công trong việc khai thác một hướng đi mới thu hút khán giả.
Qua đó, để tiếp tục phát huy lợi thế của xiếc với khả năng có thể "sánh đôi" cùng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác, sắp tới, Liên đoàn Xiếc sẽ tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm xiếc kết hợp được vẻ đẹp của nhiều loại hình nghệ thuật khác như xiếc với hiphop, xiếc với nghệ thuật đương đại... Đặc biệt, chúng tôi cũng đang có dự định kết hợp xiếc với nghệ thuật tuồng, ở đó tôi không bắt các nghệ sĩ xiếc và nghệ sĩ tuồng diễn xiếc với nhau mà tôi sẽ sử dụng hình thái của nghệ thuật tuồng, từ trang phục, âm nhạc, mặt nạ và thần thái của tuồng để diễn xiếc. Thông qua ngôn ngữ của xiếc chúng ta sẽ giới thiệu được một thể loại, hình ảnh nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cũng như giúp cho nghệ thuật xiếc hay các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đến gần với công chúng hơn".
NSND Tống Toàn Thắng cũng khẳng định, đây là một hướng đi chắc chắn sẽ thành công và đi được đường dài. Bởi xu thế của nghệ thuật bây giờ là giải trí. Không thể làm nghệ thuật theo lối mòn, triết lý, bởi yếu tố giải trí mới hút người xem. Ở nước ngoài, opera kết hợp rất thành công với xiếc. Bởi vậy, muốn thu hút khán giả, xiếc hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng phải tự làm mới mình và cộng hưởng cùng nhau kết nối và sẻ chia. Song, giữa những giao thoa nghệ thuật đó, xiếc sẽ vẫn giữ nguyên về tính nghệ thuật đặc biệt, thể hiện rõ sự đặc trưng của xiếc Việt Nam trên hành trình tiệm cận với nghệ thuật thế giới đương đại.
"Tôi mong muốn xiếc hôm nay sẽ không chỉ chinh phục khán giả bằng sự quả cảm, phi thường mà còn chinh phục khán giả bằng cảm xúc qua những nội dung câu chuyện, cách diễn hóa thân vào nhân vật của từng nghệ sĩ. Đồng thời tôi cũng hy vọng, sự đổi mới, cách làm của chúng tôi sẽ góp một phần nào đó vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa mà nước ta đang hướng đến" - NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ./.