(Tổ Quốc) - Có thể nói, hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng công an nhân dân (CAND) là một chỉnh thể thống nhất về lý luận và thực tiễn, tư duy và hành động, đạo đức và năng lực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, là người Cha kính yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Sinh thời, Người đánh giá lực lượng công an có vai trò đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Trong bài nói tại Trường Công an Trung ương ngày 28-1-1958, Người khẳng định: "Là một bộ phận của cả bộ máy nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính đối với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân". Do vậy, Người luôn quan tâm chăm lo, giáo dục, rèn luyện người Công an cách mạng có đầy đủ cả đức và tài.
Có thể nói, hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng công an nhân dân (CAND) là một chỉnh thể thống nhất về lý luận và thực tiễn, tư duy và hành động, đạo đức và năng lực. Đó còn là sản phẩm tư duy sáng tạo, độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trong quá trình hoạt động cách mạng lâu dài, phong phú, gian khổ, đầy cam go của Người suốt hơn nửa thế kỷ.
Khi xây dựng đội ngũ cán bộ công an cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tính toàn diện cả hai mặt đức và tài, xây dựng bản lĩnh chính trị đi đôi với nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trong đó phẩm chất đạo đức được coi là gốc, thể hiện bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của công an trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Trước hết, đạo đức người cán bộ công an theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là những "người kiểu mẫu", hội tụ đầy đủ các yếu tố chung của người cán bộ cách mạng, là phải có phẩm chất chính trị cao, bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phải là người gương mẫu về đạo đức cách mạng, giữ trọn vẹn đạo đức cách mạng và có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tinh thần kiên định, vững vàng, kiên quyết tấn công kẻ thù không lùi bước trước khó khăn gian khổ. Người cán bộ công an phải là người say mê, tâm huyết với công việc, nhạy bén, linh hoạt, ham học hỏi, tận tâm, tận lực, gần gũi quần chúng và nhất thiết phải có phương pháp đúng đắn, khoa học thì mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong thư gửi Công an khu XII, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tư cách người công an cách mạng là:
"Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo"
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng CAND trong 6 điều dạy trên thể hiện tính toàn diện, tính nhất quán và chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc về tư cách, về đạo đức, lối sống, tác phong công tác và ý thức trách nhiệm chính trị của lực lượng CAND và mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đây là những định hướng cơ bản, có tính nguyên tắc trong chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng CAND Việt Nam gần 80 năm qua. Thực tiễn cũng đã chứng minh với tư tưởng chỉ đạo nhất quán đó, lực lượng CAND đã được xây dựng, trưởng thành lớn mạnh không ngừng, trở thành lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu, tin cậy, sắc bén, đồng thời là một tổ chức chính trị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Trong nhiều bài nói chuyện, bài viết về CAND những năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu ra nhiều tiêu chuẩn cụ thể gắn với đặc thù công tác, cho từng lực lượng trong CAND. Thấm nhuần quan điểm của Người, cán bộ, giáo viên, học viên Học viện Cảnh sát nhân dân cần thấm nhuần những bài học sau:
Thứ nhất, Trong quá trình công tác, cuộc sống mỗi cán bộ chiến sỹ cần coi trọng hàng đầu việc xây dựng, giữ gìn, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Đây là yêu cầu trước hết, là ưu tiên quan trọng nhất trong tư cách người cán bộ công an. Đạo đức là gốc của nhân cách người công an cách mạng. Đạo đức là thước đo nhân cách, là phẩm chất căn bản mang tính đặc trưng của người cán bộ công an nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phẩm chất quan trọng đầu tiên của đạo đức người cán bộ, chiến sĩ công an trước hết là cần, kiệm, liêm, chính và được Người đặt ở điều dạy thứ nhất, mang tính bao trùm toàn bộ tư cách người cán bộ công an cách mạng. Yêu cầu này xuất phát từ nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ đặc thù của công tác công an và đòi hỏi thường xuyên có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng nhân cách, phẩm chất mang tính đặc trưng của người cán bộ CAND. Có như vậy mới tránh được sự hủ hóa, mới chống được "viên đạn bọc đường" nguy hiểm hằng ngày, hằng giờ tác động đến công an.
Do đặc thù công việc và hoạt động trong môi trường của lực lượng công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: việc đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong còn khó khăn hơn. Vì vậy, việc thường xuyên nâng cao tính kỷ luật, tính tổ chức là một yêu cầu quan trọng bậc nhất trong tư cách người CAND. Đối với người công an chân chính không có chỗ cho căn bệnh cá nhân chủ nghĩa tồn tại. Người đã chỉ rõ: "chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh nguy hiểm: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, địa phương cục bộ, bệnh xu nịnh a dua, bệnh tị nạnh, bệnh bàn giấy". Mắc vào căn bệnh cá nhân chủ nghĩa sẽ dẫn tới chắc chắn hỏng việc.
Thứ hai, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công việc, người cán bộ công an phải toàn tâm, toàn ý hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Học tập Bác, trong công tác mỗi chiến sỹ công an cần không nên suy bì, tỵ nạnh lương cao, lương thấp, tính toán tiền đồ thiệt hơn. Làm công tác công an phải luôn xác định rõ không có việc nào sang việc nào hèn, phải thực sự cầu thị, dốc lòng tận tụy, nhẫn nại có kỷ luật cao, luôn xây dựng ý thức chăm lo đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, hình thành tác phong làm việc chu đáo, nền nếp, cẩn thận, có tính khoa học và hiệu quả thiết thực, không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Người công an phải là người cán bộ cách mạng gương mẫu, cần phải luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp trước Đảng, trước dân ở mọi nơi, mọi lúc.
Thứ ba, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, chiến sỹ cần nêu cao tinh thần thân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng chí, đồng đội, đồng sự, đồng nghiệp.
Đạo đức của người công an trước hết là đạo đức làm người, biểu hiện ở lòng thương yêu, quý trọng, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý, sống với nhau có nghĩa có tình, có lòng nhân ái, thân ái giúp đỡ đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp. Đồng đội, đồng chí là những người cùng công tác, cùng chung chí hướng, cùng phấn đấu cho lý tưởng, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của Tổ quốc. Mở rộng ra là những người cùng chung vai gánh sức với lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc. Muốn vậy, mỗi chiến sỹ công an cần luôn giữ vững mục đích, lý tưởng chiến đấu của Ngành. Bởi đây là điểm chung, là cơ sở để thực hiện lời dạy thực hành đoàn kết của Người đồng thời cũng là điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ của ngành Công an.
Thứ tư, làm theo lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sỹ cần không ngừng rèn cả đức và luyện cả tài.
Mối quan hệ giữa đức và tài, bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn của người Công an theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự hòa quyện, gắn bó mật thiết, không được tách rời nhau. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn của từng lĩnh vực hoạt động sẽ cần những cán bộ có tài khác nhau; tùy theo công tác được phân công mà đòi hỏi trình độ chuyên môn và sự hiểu biết nghiệp vụ khác nhau và những yêu cầu về phẩm chất trí tuệ khác nhau. Song nhất thiết "đức phải có trước tài". Người đã nêu ra những tiêu chí chung phải gắn liền "cái tài, cái trí" với năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người công an, đó là: trước hết phải luôn nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, phải làm cho công tác công an gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng, đi đúng đường lối chính trị, tuyệt đối không được thoát ly đường lối; phải có kế hoạch chu đáo, phải dự đoán trước được diễn biến của tình hình, để có chủ trương, biện pháp bảo vệ tốt; tác phong phải thật khách quan, thiết thực; phải chặn được tay bọn phá hoại, giữ gìn thật tốt trật tự, an ninh.
Đức, tài của người công an phải được thể hiện ở công việc hằng ngày, thể hiện ở lối sống và nhất là trong các quan hệ ứng xử với người, với việc ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong ý thức thái độ và cách xử lý hai mối quan hệ đặc trưng của công an là: quan hệ với nhân dân và ứng xử với kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và lãnh đạo chỉ huy trong công an phải quan tâm giáo dục, động viên, nhắc nhở, giúp đỡ và tạo điều kiện để công an rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng và có đủ trình độ tri thức để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Người chỉ rõ: "muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân không phải chống một lần mà hết được, ví như rửa mặt hàng ngày, phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi công việc". Vì vậy, Người luôn đòi hỏi đối với "mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải cố gắng, gương mẫu trong học tập, trong công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng".
Như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đức và tài vừa là kho tàng tri thức, vừa là kinh nghiệm vô giá về lý luận, vừa có giá trị thực tiễn to lớn, có ý nghĩa tiền đề và là kim chỉ nam định hướng mọi hoạt động, mọi mặt công tác, giúp cho lực lượng Công an nhân dân nói chung, cán bộ, giáo viên, học viên Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng không ngừng lớn mạnh, ngày càng trưởng thành và phát triển toàn diện. Do đó, cán bộ, giáo viên, học viên Học viện Cảnh sát nhân dân luôn quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và sự cần thiết của việc giáo dục, rèn đức, luyện tài, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống và nhân cách theo 6 điều Bác Hồ dạy và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng lực lượng Công an cách mạng, trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân. Xác định việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ là nhiệm vụ thường xuyên, cùng với công tác giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng là một nội dung quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay.
Thiếu tá Nguyễn Sỹ Hùng - Học viện Cảnh sát Nhân Dân