• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Không phải vì tinh giản biên chế mà giảm bớt 1 Phó Chủ tịch HĐND”

Thời sự 25/10/2019 16:45

(Tổ Quốc) - Sáng 25/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ trương giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau. Đối với HĐND cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất.

Đối với HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 02 Phó Chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với việc giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 02 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Phương án 2: Quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

"Không phải vì tinh giản biên chế mà giảm bớt 1 Phó Chủ tịch HĐND” - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. (Nguồn: quochoi.vn)

Về số lượng Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo đó, phương án 1: quy định Ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Phương án 2: quy định HĐND cấp tỉnh có không quá 2 Phó Trưởng ban, trong đó có 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Chỉ 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh thì không đáp ứng được công việc

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh thì không thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Theo đại biểu này, mỗi tỉnh cần quy định có 2 Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách, không cần căn cứ vào Chủ tịch HĐND có chuyên trách hay không. Những hoạt động của Chủ tịch HĐND chuyên trách chủ yếu thực hiện ở hai đô thị lớn, còn một số trường hợp khác là đòi hỏi riêng biệt, không phổ biến. Vì thế, mỗi phó Chủ tịch phụ trách một mảng riêng và nên có 2 Phó Chủ tịch HĐND mới có thể nắm sâu về công việc được.

Đại biểu này cũng nhấn mạnh, chỗ nào cần giảm thì giảm, chỗ nào giữ vẫn phải giữ. Quan trọng nhất là phải có cơ chế, chế độ đã ngộ để thu hút nhiều cán bộ có trình độ năng lực làm đại biểu HĐND chuyên trách các cấp. Đây mới là gốc của vấn đề.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi chia sẻ với báo giới rằng, nhà nước muốn phát triển và tồn tại thì phải có cơ quan lập pháp, cơ quan giám sát và cơ quan thực hành. "Anh" thực thi pháp luật, thực thi chính sách mà không có người kiểm tra giám sát thì liệu có làm đúng hay không? Bây giờ đang kiểm tra, giám sát mà còn sai phạm rất nhiều. Vậy tại sao phải bỏ bớt một vị trí giám sát?

Đại biểu này nhấn mạnh, vấn đề là phải phân cấp. Tỉnh phải phân cấp cho huyện, huyện phải phân cấp cho xã. Khi được phân cấp thì bộ máy sẽ đồng bộ. HĐND giám sát UBND để chính quyền đó tốt lên. Vậy thì bỏ một người để giải quyết được gì, trong lúc chúng ta đang rất cần cơ chế giám sát, kiểm tra... và chúng ta kiểm soát lẫn nhau về quyền lực.

Nhấn mạnh việc "không vì việc tinh giản biên chế mà phải giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND huyện, tỉnh", Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, nên đánh giá lại hiện trạng của bộ máy tổ chức hiện nay có cần thiết phải giảm vị trí này hay không. Hay do chưa sắp xếp cán bộ đúng với năng lực trình độ chuyên môn, nên họ chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm soát cơ quan quyền lực?

Trung ương cần phân cấp mạnh cho địa phương, cấp tỉnh phân cấp cho cấp huyện, cấp huyện phân cấp cho xã. Chức năng của cơ quan nào thì cơ quan đó thực hiện, không nên ôm đồm, rồi phải giảm bớt biên chế ở địa phương.

Cũng theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, không phải cái gì giảm cũng tốt mà cần thiết phải giảm những người không đáp ứng yêu cầu và vị trí công tác đó không cần thiết. Còn những người hoàn toàn cần thiết cho nhiệm vụ, chức năng là cơ quan giám sát ở địa phương thì phải để tồn tại.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ