(Tổ Quốc) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thời Gian Vàng vừa khai trương không gian văn hóa Đông Khuyết Đài, chính thức bổ sung thêm một điểm dịch vụ mới trong khu di sản Hoàng cung Huế.
Đông Khuyết Đài nằm ở hướng Đông, đường Đoàn Thị Điểm (phường Thuận Thành, TP Huế). Đây là một trong bốn đài canh gác nằm giữa Hoàng thành Huế, được xây dựng từ thời vua Gia Long. Với tầm nhìn gần như nguyên vẹn, dường như chưa bị ảnh hưởng của bất cứ sự thay đổi nào của thời thế, Đông Khuyết Đài có một vị trí lý tưởng đủ để mọi người có thể trải nghiệm, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.
Đông Khuyết Đài bên trong Kinh Thành Huế.
Với mong muốn làm sống lại không gian văn hóa của Đông Khuyết Đài trong Kinh thành Huế với sự tổng hòa của kiến trúc, nghệ thuật sắp đặt, mỹ thuật; Công ty Thời Gian Vàng mượn không gian này để tái hiện những công đoạn chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống được các nghệ nhân gìn giữ và bảo tồn.
Cụ thể, tại đây sẽ mở ra một không gian trưng bày sản phẩm và những buổi biểu diễn, triển lãm nghệ thuật của các nghệ sỹ trong nước và quốc tế, nơi diễn ra những cuộc trò chuyện giữa mới và cũ, tôn vinh những nét tài hoa, sự đam mê của những người nghệ sĩ.
Tái hiện hoạt động văn hóa tại Đông Khuyết Đường.
Với không gian này, không chỉ bằng kiến trúc, mà còn được lồng ghép vào những hoạt động để ngợi ca nơi đây, như một nơi chốn để thưởng lãm những nét đặc sắc của người dân nước Nam như tiền nhân đã mong ước và thực hiện.
Do đó, nơi đây sẽ là không gian đa dạng và đầy màu sắc những hoạt động văn hóa, bao gồm: Nơi trưng bày và bán các sản phẩm nghệ thuật từ những ngành nghề thủ công truyền thống như sơn mài, thêu, kim hoàn, mây tre… được tạo bởi những nghệ nhân hàng đầu Việt Nam.
Du khách xin chữ tại buổi khai trương không gian văn hóa Đông Khuyết Đài.
Ngoài ra, theo chủ đầu tư, mục tiêu lâu dài là liên kết với những đối tác du lịch trong và ngoài nước, giới thiệu với những du khách các sản phẩm và những buổi biểu diễn nghệ thuật của những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, biến Đông Khuyết Đài trở thành một nơi giao lưu của những người làm văn hóa, cùng tham gia vào sân chơi nghệ thuật đang phát triển, góp phần phong phú thêm sản phẩm du lịch của ngành du lịch Huế.