(Tổ Quốc) - Khẳng định vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống, các nhà nghiên cứu đã thống nhất khuyến khích người dân mặc trang phục áo dài trong các dịp Lễ, Tết.
Ngày 27/11, tại Thanh Hóa, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã tổ chức Tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại”. Một lần nữa, câu chuyện cách tân của áo dài trong thế kỷ 21 với những quan điểm ủng hộ, phản bác đối với một số cách tân “mới”, “lạ” đã được các chuyên gia nghiên cứu lịch sử trang phục đưa ra bàn luận.
Băn khoăn chuyện cách tân
Nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trang phục Trịnh Bách đã có nhiều năm nghiên cứu về áo dài và văn hóa dân tộc. Ông cho biết, áo dài chứa đựng tâm hồn và văn hóa Việt. Xưa áo dài có thể được mặc trong cả ngày lễ và thường ngày. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay, nhiều người Việt Nam còn nhầm lẫn về giá trị của chiếc áo dài. Trong đó, không biết rằng, áo dài là trang phục được cách tân từ áo mớ ba, mớ bảy. Đặc biệt, áo dài ra đời trước sườn xám của Trung Quốc và chính sườn xám là trang phục được phát triển từ áo dài Việt Nam.
Áo dài được các nhà nghiên cứu khẳng định là sự kết tinh của văn hóa dân tộc |
Theo hoa sĩ Nguyễn Đức Bình thực tế bộ trang phục truyền thống của bất kỳ quốc gia nào cũng có sự cầu kỳ. Chính sự cầu kỳ mới chứa đựng tinh hoa dân tộc. Chiếc áo cũng là sự hội tụ tinh hoa của văn hóa Việt. Đặc biệt, là người phát động phong trào mặc áo dài nam, họa sĩ Nguyễn Đức Bình khẳng định: “Thực chất, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt đã tối giản, mang tính giáo dục rất cao. Khi mặc bộ trang phục đó lên người, buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc”.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cũng khẳng định, áo dài nam đã đạt đến độ chuẩn mực và không thể, không chấp nhận chuyện cách tân. Còn với áo dài nữ, theo từng thời kỳ, có sự hội nhập và cách tân khác nhau cũng là điều dễ chấp nhận, tuy nhiên, cách tân thế nào phải đảm bảo được yếu tố “dài”.
“Thời trang là biến đổi nhưng biến đổi không có nghĩa là mang văn hóa của dân tộc khác về làm văn hóa của dân tộc mình. Câu chuyện váy đụp năm 2016 đã bị hiểu sai, được cho là áo dài cách tân. Trong khi, đó là chiếc váy của dân tộc Choang. Tương tự, áo dài nam xưa không thêu rồng phượng, người đàn ông xưa mặc áo dài thể hiện sự chín chắn, ẩn mình. Ngày nay, vẽ rồng phượng, khoa trương, không đúng tinh thần của áo dài nam truyền thống”- Họa sĩ Nguyễn Đức Bình khẳng định.
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cũng cho rằng, với các sinh hoạt văn hóa tầm quốc gia, quốc tế và trong nghi lễ thì không nên sử dụng trang phục truyền thống cách tân.
Cần có sự tác động trở lại xã hội
Giữ gìn giá trị truyền thống của áo dài theo các nhà nghiên cứu là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai sẽ thực hiện sự gìn giữ chuẩn mực đó? Trong khi, câu chuyện của một bạn trẻ yêu thích áo dài thật đáng để suy ngẫm. Đó là khi đến các cửa hàng may, dù đã yêu cầu may áo dài nam theo đúng dáng truyền thống- buông thẳng từ ngực xuống- nhưng chủ cửa hàng vẫn khuyên nên bó phía trên ngực, xuống dưới mới buông.
Sự cách tân của áo dài nam, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Trịnh Bách là “thõng thượt, thiếu nam tính”. Trong khi, chiếc áo dài nam truyền thống đã đạt đến chuẩn mực của vẻ đẹp.
Nhiều nhà nghiên cứu mong mỏi áo dài sẽ được sử dụng phổ biến trong đời sống |
Để dẫn đến việc cách tân ồ ạt, thiếu chuẩn mực, theo các nhà nghiên cứu, đó là do sự thiếu định hướng trong việc giữ gìn chuẩn mực của áo dài. Theo nhà văn Trương Quý, áo dài của cả nam và nữ hiện nay thường do nhà may định hướng, theo nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều dáng áo dài cách tân được khuyên dùng, thay thế những dáng áo cổ truyền xưa.
Để giữ gìn chuẩn mực cho áo dài, theo nhà văn Trương Quý, thay vì những ý kiến tản mát, cần có định hướng trong việc tôn vinh áo dài, trong đó, không ngoại trừ việc phải có sách định nghĩa, tổng hợp quá trình hình thành và phát triển của áo dài.
“Các nước trên thế giới, có những Trung tâm bảo tồn, bảo tàng về trang phục. Trong khi chúng ta không có sự định hướng, tác động trở lại xã hội về áo dài để đa số người dân hiểu được. Sự biến tấu, biến thể của áo dài là nhu cầu của xã hội bây giờ. Nhưng biến thể thế nào chăng nữa cũng phải có sự định hướng, để biết đâu là đúng, đâu là gốc”.
Cũng từ một câu chuyện của bạn du học sinh khi đi học tại nước ngoài, trong tập thể học sinh của gần 20 quốc gia, mỗi khi có các lễ hội văn hóa, mỗi bạn đều có trang phục của quốc gia mình. Trong khi, bản thân bạn du học sinh này và nhiều bạn trẻ Việt Nam khác đang lúng túng, không biết chọn trang phục nào để “khoe” cùng bạn bè thế giới.
Câu chuyện này đặt ra không ít suy ngẫm. Vì sao, áo dài-trang phục truyền thống vẫn chưa được tôn vinh xứng tầm? Tại tọa đàm, khi BTC đặt câu hỏi nhằm khảo sát về việc nên hay không việc quy định khuyến khích người dân mặc áo dài truyền thống trong các dịp Lễ, Tết thì điều đáng mừng là đa phần câu trả lời là “có”. Bởi vậy, chúng ta có thể tin tưởng, áo dài truyền thống- sự kết tinh của văn hóa Việt- sẽ tiếp tục được yêu mến và ngày càng trở thành trang phục không thể thiếu của mỗi người Việt trong các dịp Lễ, Tết, hội hè./.