• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kịch bản sân khấu cần hướng tới đề tài hiện đại

Văn hoá 01/11/2018 14:56

(Tổ Quốc) - Đây là chủ đề mà Trại sáng tác sân khấu 2018 sẽ hướng đến.

Sáng 1/11, tại Nhà sáng tác Đại Lải, Vĩnh Phúc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã khai mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2018. Tham dự trại sáng tác có đại diện các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cùng 15 tác giả sân khấu.

Theo đó, trong 15 ngày, các tác giả sẽ hoàn thành các kịch bản sân khấu gồm các kịch chủng như tuồng, chèo, kịch nói, cải lương… với các đề tài về danh nhân lịch sử, ký ức chiến tranh, tình yêu, khát vọng vươn tới hạnh phúc, bảo vệ chủ quyền biển đảo và những vấn đề có tính đương đại, những vấn đề xã hội mà cộng đồng quan tâm.

Kịch bản sân khấu cần hướng tới đề tài hiện đại  - Ảnh 1.

Khai mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu 2018

Hiện nay, các tác phẩm liên quan đến đời sống xã hội rất hiếm hoi, đặc biệt là thiếu vắng các tác phẩm mang xu hướng hiện đại, đề cập đến các vấn đề mang tính trực diện xã hội…. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, chỉ trong năm 2018, Hội đã tổ chức 3 trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Bắc Ninh và nay là Đại Lải (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, nhiều tác phẩm do gặp khó khăn về vấn đề tiếp cận với khán giả từ chất lượng kịch bản cho tới phương thức tổ chức biểu diễn, dẫn tới nhiều tác phẩm ra đời nhưng bị lãng phí.

"Sự có mặt của các tác giả cao tuổi bên cạnh các gương mặt trẻ trung cho thấy, sân khấu dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng kỳ vọng thời gian tới có được các đề tài mới mà cộng đồng xã hội quan tâm. Bằng phương pháp chia tổ thảo luận, các tác giả sẽ cùng đọc tác phẩm cho nhau nghe, trao đổi ý tưởng, đóng góp ý kiến, sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm, nâng tầm nội dung tư tưởng nghệ thuật cho từng kịch bản. Qua đó, học hỏi lẫn nhau về tư duy sáng tạo, trau dồi kỹ năng viết để cho ra đời những kịch bản hay, tạo ra những vở diễn có giá trị nghệ thuật cao, đóng góp xứng đáng cho nền sân khấu nước nhà", NSND Lê Tiến Thọ khẳng định.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mong muốn, sau trại sáng tác, các tác giả có được các tác phẩm với cấu trúc, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ thời đại mới. Hội cũng tạo mọi điều kiện cho các tác giả hoàn thiện tác phẩm với bút lực mới nhanh chóng đưa vào dàn dựng tại các đơn vị nghệ thuật.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, NSƯT Trần Mạnh Cường đánh giá rằng có rất nhiều kịch bản sân khấu được hoàn thành và dàn dựng đã có đóng góp cho sự phát triển của sân khấu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay đó là xây dựng được một lực lượng tác giả viết cho kịch hát dân tộc hiện nay cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kịch bản để dàn dựng, Hội Nghệ sĩ Sân khấuViệt Nam cần tiếp tục duy trì đào tạo đội ngũ sáng tác mảng này, mở rộng hơn nữa các hoạt động sáng tác nghệ thuật truyền thống, bổ sung đa dạng nhiều góc tiếp cận khác nhau cho các tác phẩm đề tài này, nhằm phục vụ nhân dân cả nước và kiều bào nước ngoài.

Việc đến với trại viết cũng là cơ hội để các nghệ sĩ sân khấu trải nghiệm thực tế, thâm nhập đời sống sinh hoạt của đồng bào nhân dân các dân tộc ở Đại Lải, Vĩnh Phúc. Trong đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu… sẽ là những chất liệu hay để các nhà biên kịch ấp ủ những đề tài mới, cho ra đời những vở diễn gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Trại sáng tác sẽ diễn ra đến 14/11./.

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ