(Tổ Quốc) - Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ chặn các giao dịch xuyên biên giới khi có quảng cáo sai sự thật.
Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) nêu vấn đề, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, nhiều tổ chức và cá nhân đã thông qua môi trường mạng để quảng cáo hàng hoá và dịch vụ như chăm sóc sức khoẻ dịch vụ thẩm mỹ, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, đồ trang sức, mỹ phẩm rất khó kiểm soát gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ và Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ như thế nào trong phối hợp với các bộ, ngành chức năng các giải pháp gì để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đảm bảo đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đúng là thời gian qua đã tồn tại vấn đề quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng, vấn đề này chúng ta cần rà soát, phát hiện gỡ các quảng cáo xấu xuống. Sau đó, xử lý người sản xuất hàng giả, xử lý doanh nghiệp hạ tầng cung cấp dịch vụ quảng cáo. Đồng thời, cần tuyên truyền đến người mua thận trọng hơn.
Bộ trưởng cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ đã có chỉ đạo về biện pháp kinh tế đó là ngăn chặn dòng tiền quảng cáo sai sự thật.
"Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Người bán hàng hoặc người mua quảng cáo trên Facebook thì phải trả qua thẻ tín dụng cho nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này. Chúng ta chặn được các dòng tiền này thì tức là chúng ta chặn được quảng cáo sai sự thật" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đồng thời, vị Bộ trưởng này cũng cho rằng, việc đánh thuế nhà thầu đối với Facebook, Google là một việc cần làm, khi đánh thuế sẽ xác định được các giao dịch đó là đúng hay không đúng với quy định của pháp luật
Theo thống kê chưa đầy đủ, các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam như năm 2018 đã mang lại doanh thu khoảng gần 1 tỷ đô la Mỹ mà chưa hề phải đóng thuế.