• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiên Giang triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2020

Văn hoá 18/06/2020 06:37

(Tổ Quốc) - Kiên Giang triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2020; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Sở VHTTDL Đồng Nai phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là tin gia đình tiêu biểu tại 2 tỉnh Nam Bộ vừa qua.

Kiên Giang triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2020

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND thực hiện "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam" năm 2020 tỉnh Kiên Giang với Chủ đề "Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi".

Mục đích nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng về những thách thức quá trình già hóa dân số, yêu cầu nhiệm vụ công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi về sức khỏe, vật chất, tinh thần, chung tay giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Động viên cán bộ Hội Người cao tuổi và người cao tuổi các cấp tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng hình ảnh người cao tuổi Việt Nam "Tuổi cao - Gương sáng".

Kiên Giang triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, Hội Người cao tuổi xây dựng kế hoạch triển khai "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam" năm 2020 tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Tạo điều kiện, động viên người cao tuổi, cán bộ Hội người cao tuổi tích cực đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đảm bảo kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; kinh phí chúc thọ, mừng thọ, khen thưởng... Chỉ đạo rà soát nắm tình hình người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cân đối một phần ngân sách giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thuộc diện chính sách cải thiện đời sống. Vận động xã hội chung tay vì sức khỏe người cao tuổi; tổ chức các câu lạc bộ dưỡng sinh, văn hóa văn nghệ, các hoạt động thi đấu, giao lưu vãn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với người cao tuổi...

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em

Qua hơn 4 năm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình số 180/CTr-UBND ngày 29/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay có 13/17 chỉ tiêu đạt và vượt; 4/17 chỉ tiêu không đạt.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2019, tỉnh Kiên Giang có 1,723 triệu người, trong đó trẻ em 461.729 trẻ, chiếm khoảng 26% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích (TNTT), đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông.

Thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản như: Chương trình số 180/CTr-UBND ngày 29/4/2016 về phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016-2020; Công văn số 641/UBND-VHXH ngày 23/5/2016 về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, đuối nước trẻ em; Công văn số 399/UBND-VHXH ngày 04/4/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh… Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đều có kế hoạch phòng, chống TNTT của ngành, địa phương giai đoạn 2016-2020 và hàng năm.

Các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương tăng cường lồng ghép triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các văn bản lien quan đến phòng, chống TNTT trẻ em với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị, phát động Tháng hành động vì trẻ em, diễn đàn trẻ em, tập huấn thực hiện các mô hình, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Kết quả, tổ chức 5.500 cuộc hội nghị triển khai, tập huấn, phát động lồng ghép tuyên truyền ở địa bàn dân cư với 275.000 lượt người lớn và trẻ em tham dự; lồng ghép tuyên truyền trong các lớp tập huấn, truyền thông tư vấn các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chi, tổ, hội; tư vấn tại gia đình, cộng đồng… được 910 cuộc với 27.352 lượt người lớn và trẻ em tham dự.

Tổ chức 44 lớp có 4.091 lượt người dự tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống TNTT trẻ em và hướng dẫn triển khai, thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT trẻ em; nâng cao năng lực sơ cấp cứu TNTT tại cộng đồng cho 86 cán bộ y tế thuộc các trường THCS, tiểu học và mầm non. Kịp thời thăm hỏi, tư vấn, hỗ trợ 72 em bị TNTT số tiền 46 triệu đồng.

Từ năm 2016-2019, tỉnh triển khai xây dựng 23 mô hình Ngôi nhà an toàn tại 23 xã, phường, thị trấn; in 1.180 sổ quản lý mô hình, 58.050 phiếu kiểm định; có 31.859/40.429 hộ gia đình có trẻ em đăng ký thực hiện và đạt tiêu chí "gia đình an toàn", đạt tỷ lệ 78,67%, nâng số hộ gia đình được xét, công nhận đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn toàn tỉnh đến cuối năm 2019 là 47.933 hộ.

Việc triển khai xây dựng trường học an toàn, phòng, chống TNTT trẻ em, khối mầm non duy trì kết quả công nhận 2 năm học liên tiếp (2017-2018 và 2018-2019) cho 104 trường; năm học 2018-2019 công nhận mới 35 trường. Khối tiểu học và THCS, tổng số trường được công nhận năm 2018 là 174 trường; năm 2019 là 105 trường; đến cuối năm học 2018-2019 đã có 105/619 trường đạt tiêu chuẩn; năm học 2019-2020 dự kiến có 150 trường học được công nhận và khen thưởng.

Số xã, phường đang triển khai xây dựng cộng đồng an toàn phòng chống TNTT trẻ em là 11 xã, phường; dự kiến năm 2020 có 3 xã, phường được công nhận (chỉ tiêu là 4 xã, phường). Triển khai 6 mô hình đội thanh niên tình nguyện làm công tác hướng dẫn phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho trên 2.000 học sinh của 6 trường tiểu học, THCS giờ tan trường; xây dựng 6 mô hình ký cam kết giữa 2.246 phụ huynh học sinh với Ban giám hiệu trường, cam kết cho con em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ban An toàn giao thông tỉnh tặng 225.194 mũ bảo hiểm cho học sinh vào lớp 1 và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 72 hồ bơi các loại bảo đảm các quy định an toàn (trong đó có 5 hồ 50m, 47 hồ 25m và 20 hồ bơi khác). Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã hỗ trợ 2,484 tỷ đồng cho ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho 245 cán bộ quản lý, giáo viên; trang bị 16 bể bơi cho các trường tiểu học với số tiền 2,295 tỷ đồng. Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức 7 lớp cứu hộ, cứu đuối (5 lớp xã hội hóa) cho 438 học viên; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp triển khai 13 lớp dạy bơi tại các xã cho 365 học sinh tiểu học, THCS, vận động tặng 1.200 cặp phao, dụng cụ cứu sinh. Đặc biệt, năm 2019 tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng.

Qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình số 180/CTr-UBND ngày 29/4/2016 của UBND tỉnh, có 4/17 chỉ tiêu không đạt gồm: Tỷ suất trẻ em tử vong do TNTT; xã, phường được công nhận cộng đồng an toàn; giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước và do tai nạn giao thông. Với đặc điểm địa hình của tỉnh có nhiều kênh, rạch, sông ngòi và ven biển, tình hình thời tiết thất thường, dân cư sinh sống tập trung ở các địa điểm ven trục lộ giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT cho trẻ em. Từ năm 2016 đến 3 tháng đầu năm 2020 có 2.749 trẻ em bị TNTT (trong đó 147 em bị tử vong, số trẻ em tử vong do đuối nước là 119/147, chiếm 80,95%; số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông là 11/147, chiếm 0,74%). Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và hiểu biết chung về TNTT trẻ em của người dân còn hạn chế, chủ quan, thiếu sự quan tâm giám sát đầy đủ của người lớn; nhiều trẻ em bị đuối nước ở tuổi còn nhỏ, không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước; ý thức chấp hành các quy định an toàn giao thông của người dân chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác quản lý nhà nước về trẻ em, phòng, chống TNTT trẻ em; gắn việc thực hiện công tác chăm sóc trẻ em với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động phòng, chống TNTT trẻ em từ trong nội bộ đến quần chúng nhân dân. Phát huy vai trò chủ động, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước.

Tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống TNTT trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên, tình nguyện viên, cán bộ làm công tác y tế học đường, phụ huynh học sinh… Nhân rộng mô hình dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em nhóm tuổi từ 6-15 tuổi. Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống TNTT, đặc biệt là tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước trẻ em.

Sở VHTTDL Đồng Nai phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, biểu dương những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sự quan tâm của các cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2020 tạo không khí vui tươi, sôi nổi, hạnh phúc cho các gia đình trên địa bàn tỉnh nói chung, gia đình cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh nói riêng.

Các gia đình sẽ tham dự 02 phần thi: phần thi ẩm thực với chủ đề "Món ngon gia đình" - mỗi gia đình sẽ nấu một bữa cơm cho 06 người ăn với 03 món chính và 01 món phụ và phần thi văn nghệ chủ đề "Gia đình: yêu thương và chia sẻ" - mỗi gia đình sẽ biểu diễn 01 tiết mục văn nghệ bao gồm các nội dung: giới thiệu các thành viên trong gia đình dưới hình thức tự giới thiệu, tiểu phẩm, hò vè...và tùy theo năng khiếu, sở trường của mình, gia đình sẽ biểu diễn 01 tiết mục văn nghệ với thể loại: tiểu phẩm, ca cảnh, ngâm thơ, hát, múa... Hoạt động được tổ chức vào ngày 21/6/2020 (Chủ Nhật) tại trụ sở Công an tỉnh (số 161, Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, Tp. Biên Hòa.

Đây là dịp để các gia đình cán bộ chiến sỹ công an trên toàn tỉnh được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện năng khiếu của gia đình trên lĩnh vực ẩm thực, biểu diễn văn nghệ …Qua đó, nhắc nhở mọi người hãy yêu quý, trân trọng và vun đắp hạnh phúc gia đình, cùng nhau gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước./.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ