(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, Vương quốc Anh đã trì hoãn đợt kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu lần thứ năm trong 3 năm qua do lo ngại các biện pháp kiểm soát bổ sung sẽ đẩy giá thực phẩm tăng cao và làm gián đoạn nguồn cung quan trọng.
Sự chậm trễ mới nhất chứng tỏ rằng nước Anh vẫn đang phải vật lộn để đối mặt với những hậu quả từ việc rời Liên minh châu Âu từ tháng 1/2020. Điều này đã gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp Anh và đè nặng lên thương mại, đầu tư và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế.
Brexit là một trong những yếu tố khiến Anh rơi vào tình trạng lạm phát cao hiện nay, cụ thể là tạo ra xích mích trong mối quan hệ thương mại quan trọng nhất của đất nước và làm giảm giá trị đồng bảng Anh, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Một nghiên cứu gần đây của Trường Kinh tế Luân Đôn cho thấy Brexit là nguyên nhân gây ra 1/3 lạm phát giá thực phẩm ở Anh kể từ năm 2019.
Chính phủ Anh vẫn nỗ lực hết sức nhằm giải quyết vấn đề này. Thông báo hôm 29/8 cũng nêu bật những lo ngại lâu nay rằng việc kiểm tra biên giới đối với thực phẩm nhập khẩu từ EU - nơi cung cấp 28% lượng thực phẩm tiêu thụ ở Anh - có thể làm giảm nguồn cung.
Chiều ngày 29/8, Chính phủ Anh cho biết lần trì hoãn này sẽ "giúp các bên liên quan có thêm thời gian để chuẩn bị cho các đợt kiểm tra mới".
Theo kế hoạch sửa đổi, chứng nhận y tế đối với các sản phẩm động thực vật "có nguy cơ cao" và "nguy cơ trung bình", trước đây dự kiến được áp dụng vào cuối tháng 10 năm nay thì giờ tiếp tục được lùi lại. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát cuối cùng đối với hàng nhập khẩu của EU, trong đó có các quy định về an toàn và an ninh, sẽ được hoãn lại đến tháng 10/2024.
Một số nhóm ngành công nghiệp của Vương quốc Anh bày tỏ sự hoan nghênh động thái mới nhất này. Ông Shane Brennan, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Chuỗi cung ứng lạnh khẳng định những cuộc kiểm tra liên quan đến Brexit chỉ khiến giá thực phẩm gia tăng và do đó, các biện pháp này nên được trì hoãn càng lâu thì càng tốt.
Ngoài ra, đơn vị này cũng lo ngại rằng một số nhà cung cấp nhỏ hơn ở EU có thể ngừng xuất khẩu sản phẩm của họ sang Vương quốc Anh vì những rắc rối trong thủ tục.
Các nhóm ngành công nghiệp cũng kêu gọi Chính phủ Anh chắc chắn về các quyết định mới. Hầu hết các doanh nghiệp đã nhiều lần chuẩn bị cho việc kiểm tra nhưng thời hạn áp dụng liên tục bị hoãn lại.
Mặc dù sự chậm trễ là "quyết định đúng đắn" nhưng ông Brennan lưu ý đây cũng là "một đòn giáng tiếp theo" vào uy tín của những tuyên bố trước đó".
"Chúng ta cần sự chắc chắn và đảm bảo cho các nhà xuất khẩu EU, những người đã nhiều lần thấy nước Anh trì hoãn kiểm tra", ông Andrew Opie, Giám đốc thực phẩm và bền vững tại Hiệp hội bán lẻ Anh, nói.
Lo ngại về nguồn cung
Các nhà sản xuất thực phẩm của Vương quốc Anh đã phải chịu sự kiểm soát biên giới hoàn toàn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU kể từ tháng 1/2021 khi Anh rời khỏi khối này.
Trong khi đó, việc kiểm tra thực phẩm EU nhập khẩu vào Vương quốc Anh lẽ ra sẽ có hiệu lực cùng thời điểm nhưng đã bị trì hoãn giữa đại dịch. Nền kinh tế Anh vẫn ở trong tình trạng khó khăn hậu đại dịch Covid-19 và đang tiếp tục rơi vào khủng hoảng kép là lạm phát cao và lãi suất tăng.
Tỷ lệ lạm phát ở Anh cao nhất trong nhóm các nước G7, với giá tiêu dùng tăng 6,8% trong tháng 7 so với năm ngoái.
Trong tuyên bố ngày 29/8, Chính phủ Anh cho biết kế hoạch mới nhất về kiểm soát biên giới đã tính đến "tác động tiềm tàng đối với lạm phát" và "cam kết chắc chắn của chính phủ trong việc giảm lãi suất".
Ngoài lạm phát, sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm vẫn là mối lo ngại kéo dài ở nước này. Đầu năm nay, các siêu thị lớn ở Anh đã thiếu một số loại trái cây và rau quả sau khi thời tiết xấu ở các khu vực trồng trọt trọng điểm và số lượng nhập khẩu sụt giảm.
Người phát ngôn của Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống Vương quốc Anh - cho biết sự chậm trễ mới nhất trong việc kiểm tra biên giới là "cần thiết để đảm bảo có cơ sở hạ tầng phù hợp, mang lại nguồn cung cấp thực phẩm từ EU không bị thiếu hụt hay bị gián đoạn.