• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng dịch bệnh kéo dài thách thức nền kinh tế Anh

Thế giới 28/12/2022 19:41

(Tổ Quốc) - Nền kinh tế của Anh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh số lượng lớn người lao động nước này báo cáo nghỉ ốm dài hạn.

Theo trang CNBC, lạm phát kéo dài, chi phí năng lượng cao ngất ngưởng, tình trạng thương mại liên quan đến vấn đề Brexit và diễn biến suy thoái đã gây ra khó khăn với kinh tế Anh. Tuy nhiên, đến hiện tại, nền kinh tế của Anh thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi xu hướng lớn người lao động báo cáo nghỉ ốm dài hạn.

Khủng hoảng dịch bệnh kéo dài thách thức nền kinh tế Anh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) báo cáo khoảng 2,5 triệu người dân Anh rơi vào tình trạng ốm đau kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8/2022, tăng khoảng 1/2 so với năm 2019. Diễn biến này được xem là nguyên nhân chính khiến "nền kinh tế chưa hiệu quả".

Số người không đi làm cũng như không tìm việc trong độ tuổi từ 16 đến 64 đã tăng hơn 630.000 người kể từ năm 2019. Không giống như các nền kinh tế lớn khác, số liệu này cho thấy nhiều người lao động ở Anh bị mất việc nhưng không có xu hướng quay trở lại thị trường việc làm, ngay cả khi lạm phát và chi phí năng lượng gây áp lực lớn lên tài chính hộ gia đình.

Trong suốt đại dịch Covid-19, Chính phủ Anh đã nỗ lực hạn chế tình trạng mất việc hàng loạt thông qua các chương trình trợ cấp cho các doanh nghiệp để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, kể từ khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, đất nước này đã chứng kiến một cuộc di cư lớn trên thị trường lao động, được xem là tín hiệu "độc nhất vô nhị" giữa các nền kinh tế tiên tiến. ONS đã báo cáo một loạt yếu tố có thể đứng sau xu hướng này gần đây, bao gồm danh sách chờ thăm khám và chữa bệnh của Dịch vụ Y tế Quốc gia đang ở mức cao kỷ lục, dân số già tăng và ảnh hưởng của hội chứng Covid kéo dài.

Mặc dù báo cáo cụ thể về tác động của các vấn đề này chưa được công bố chính thức nhưng dấu hiệu này đang cho thấy "các vấn đề sức khỏe hoặc khuyết tật khác", "bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần" cũng như"các vấn đề khác liên quan đến lưng hoặc cổ" đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

"Tổn thương nền kinh tế"

Chuyên gia Jonathan Portes, Giáo sư kinh tế và chính sách công tại King's College London cho rằng xu hướng suy giảm thị trường lao động có thể là do hội chứng Covid kéo dài; các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến đại dịch và những vấn đề khác. Theo ông Portes, các yếu tố này đang gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như thời gian chờ đợi điều trị tăng lên và có thể gây ra tác động dây chuyền: nhiều người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc người thân bị bệnh.

Trước diễn biến hiện tại, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã thông báo Chính phủ Anh sẽ yêu cầu hơn 600.000 người đang nhận "Tín dụng toàn cầu" - một khoản thanh toán an sinh xã hội được thử nghiệm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp – tham gia khóa "đào tạo việc làm" để tăng số giờ làm việc và thu nhập. Bộ trưởng Hunt cũng nhấn mạnh sẽ xem xét lại những vấn đề đang ngăn cản người lao động tái gia nhập thị trường việc làm và cam kết chi 280 triệu bảng Anh (340,3 triệu USD) để "triệt tiêu gian lận và sai sót trong phúc lợi" trong hai năm tới.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe, gây ra lỗ hổng lớn đối với nền kinh tế của Anh nhưng sự gia tăng các nhu cầu xin nghỉ ốm dài hạn gần đây đã có tín hiệu từ năm 2019 và các nhà kinh tế từng cảnh báo vấn đề này sẽ gây tổn hại cho đất nước.

Sau hậu quả của đại dịch Covid, danh sách chờ khám chữa bệnh của NHS đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2007. Một báo cáo gần đây của Hạ viện Anh ghi nhận hơn 7 triệu bệnh nhân trong danh sách chờ để được điều trị tại bệnh viện tính đến tháng 9 năm nay.

ONS cũng lưu ý rằng Anh đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về bất bình đẳng giới trong tuổi thọ kể từ năm 2015 đến 2017. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, danh sách chờ của NHS đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu vào tháng 8 năm 2007.

Vì vậy, cựu nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Anh Michael Saunders cho biết bất kỳ chiến lược tăng trưởng kinh tế nào của chính phủ Anh nên bao gồm các biện pháp giải quyết thách thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân - hiện không thể tách rời khỏi tỷ lệ tham gia lao động và nền kinh tế rộng lớn.

"Đó không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là vấn đề kinh tế. Cả hai vấn đề đều quan trọng", bà Saunders nhấn mạnh.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ