(Tổ Quốc) - Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) dự báo Vương quốc Anh có thể đối mặt với "một thập kỷ mất mát" về tăng trưởng nếu không ứng phó nhanh chóng.
Theo hãng CNN, Vương quốc Anh có thể phải đối mặt với "một thập kỷ mất mát" về tăng trưởng kinh tế nếu không có hành động nhanh chóng giải quyết tình hình đầu tư kinh doanh đang sụt giảm và hiện trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Trong một dự báo về diễn biến kinh tế ảm đạm được công bố ngày 5/12, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho biết 3/4 các công ty ở nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có năng lực. CBI cảnh báo Vương quốc Anh cần phải nhanh chóng có sự thay đổi cấp bách về chính sách, bao gồm hệ thống nhập cư linh hoạt hơn và giảm thuế để thúc đẩy nguồn đầu tư.
"Nước Anh đang rơi vào tình trạng lạm phát kèm suy thoái, với lạm phát tăng phi mã, tăng trưởng âm, năng suất và đầu tư kinh doanh giảm sút. Các công ty có thể nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tiềm năng nhưng thiếu lý do để tin tưởng khi nước này đối mặt với những cơn gió ngược buộc họ tạm dừng đầu tư vào năm 2023", Tổng Giám đốc CBI Tony Danker nói trong một tuyên bố.
"CBI dự báo nước Anh sẽ khó có thể tăng trưởng trong một thập kỷ tới nếu không ứng phó nhanh chóng. Tăng trưởng GDP là một số nhân đơn giản bao gồm hai yếu tố: con người và năng suất. Tuy nhiên, chúng ta đang không có những người mà chúng ta thực sự cần cũng như không có năng suất tốt", ông Danker nhấn mạnh.
Vương quốc Anh là nền kinh tế nằm trong nhóm các nước phát triển G7 duy nhất vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Chi phí năng lượng và thực phẩm tăng mạnh đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 41 năm tính đến tháng 10. Văn phòng Thống kế Quốc gia Anh (ONS) hôm 6/11 cho biết giá nhiên liệu tăng cao đã đẩy tỷ lệ lạm phát ở Anh lên 11,1% trong tháng 10. Chi phí sinh hoạt tăng mạnh là do giá điện và khí đốt tăng cao, bất chấp các nỗ lực bảo đảm giá năng lượng của chính phủ như giới hạn hóa đơn năng lượng ở mức 2.500 bảng (gần 3.000 USD) cho một hộ gia đình. Theo ONS, giá hàng hóa và dịch vụ các hộ gia đình ở Anh phải sử dụng đã tăng 2% từ tháng 9 đến tháng 10 năm nay. Giá lương thực cũng đã tăng lên 16,4%.
Những cuộc đình công lan rộng trong những tháng gần đây khi người lao động cảm thấy mệt mỏi và lo lắng trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên tồi tệ. Đây cũng là tin xấu mới nhất với nền kinh tế Anh đang tiến đến bờ vực suy thoái.
Người dân Anh mệt mỏi vì chi phí tăng
Người lao động ở Anh đang phải cắt giảm mạnh chi tiêu trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay do tiền lương thực tế trung bình – có tính đến lạm phát – đã giảm 3%. Mức giảm lương thực tế ít nghiêm trọng hơn trong quý 3 nhưng vẫn là một trong những mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu về mức lương khả dụng được lưu trữ từ năm 2001.
Theo dự báo mới nhất của CBI, triển vọng của nền kinh tế Vương quốc Anh trong năm tới dự báo sẽ là một trong những nền kinh tế yếu nhất trong số các quốc gia phát triển. Bàn thân nền kinh tế số 1 của EU là Đức cũng cảm nhận được những khó khăn từ cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng Ukraine gây ra. CBI dự kiến kinh tế Vương quốc Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023, mức giảm đáng kể so với tăng trưởng 1% mà CBI từng dự báo trong tháng 6 vừa qua. Nền kinh tế Anh được dự báo sẽ chỉ phục hồi về quy mô trước Covid-19 trong quý 2/2024.
Ngoài ra, Liên đoàn Công nghiệp Anh cũng dự báo lạm phát sẽ giảm dần trong năm tới nhưng cũng sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Anh vào năm 2023. Vì vậy, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ giảm trong cả năm. CBI dự kiến đầu tư kinh doanh sẽ giảm từ giữa năm tới, khả năng thấp hơn 9% so với mức trước đại dịch vào cuối năm 2024. Năng suất lao động của từng người dự kiến cũng sẽ duy trì ở mức thấp hơn 2% so với xu hướng trước đại dịch Covid-19.
"Trong khi một số chuyên gia an ủi rằng cuộc suy thoái sắp tới sẽ không nghiêm trọng nhưng nguy cơ này vẫn sẽ gây lo ngại về năng suất về dài hạn và đầu tư kinh doanh. Điều này không tốt cho mức sống và khả năng phát triển kinh tế trong dài hạn", Nhà kinh tế hàng đầu của CBI Alpesh Paleja cho biết.
CBI khẳng định Chính phủ nên giải quyết tình trạng thiếu hụt đầu tư bằng cách tạo ra ưu đãi thuế, ước tính có thể tăng thêm 50 tỷ bảng Anh (61,4 tỷ USD) vốn đầu tư mỗi năm vào cuối thập kỷ này.
"Chúng ta không thể để cả [đầu tư và năng suất] trì trệ thêm một thập kỷ nữa", ông Danker nhấn mạnh./.