• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Anh đứng trước nguy cơ suy thoái

Thế giới 08/07/2022 15:07

(Tổ Quốc) - Vương quốc Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang rơi vào lạm phát và trì trệ, trong đó khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người dân trong mùa đông tới.

Theo CNN, thị trường chứng khoán Anh tăng nhẹ trong tuần sau khi chạm đáy ở đầu tuần này.

"Đừng vội mừng, đồng bảng Anh xuống giá mức thấp nhất kể từ năm 2020 do tình trạng kinh tế ở Anh đang kém hiệu quả so với các nước, thậm chí có khả năng còn đi vào suy thoái", ông Walid Koudmani, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại công ty tư vấn XTB cho biết.

Kinh tế Anh đứng trước nguy cơ suy thoái - Ảnh 1.

Nền kinh tế Anh đang đối mặt với nhiều nguy cơ: Ảnh: The Guardian.

Lạm phát tại Anh cao nhất Nhóm G7

Bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới đều phải gánh chịu hậu quả kéo dài của đại dịch bởi các gián đoạn trong chuỗi cung ứng và cú sốc chi phí năng lượng - lương thực từ căng thẳng leo thang ở Ukraine. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng Vương quốc Anh đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với các thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển G7. Lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm qua, lên tới 9,1% trong tháng Năm năm nay và xếp hạng cao nhất trong G7. Các chuyên gia cho biết lạm phát ở Anh dự báo ở mức 11% vào cuối năm nay cho dù áp dụng chính sách tăng lãi suất.

Tác động của Brexit đang ảnh hưởng đến tình trạng thiếu lao động và tăng chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp. Chi phí nhập khẩu cũng tăng cao hơn do giá đồng bảng Anh giảm mạnh trong năm nay. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh gây ra cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các hộ gia đình có thu nhập thấp phải lựa chọn giữa "sưởi ấm hay ăn uống".

Chính quyền Thủ tướng Anh Johnson từng hứa hẹn sẽ hỗ trợ khoảng 400 bảng Anh (502 đô la) cho mỗi gia đình nhằm giúp đỡ hàng triệu người đang gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn năng lượng. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng chưa mang đến hiệu quả. Theo Ngân hàng trung ương Anh, thu nhập của người dân đang có xu hướng giảm mạnh lần thứ hai kể từ năm 1964 do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao.

Hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của một hộ gia đình ở Anh có thể tăng khoảng 50% lên 3000 bảng Anh (3.600 USD) vào mùa đông tới. Hầu hết các hộ gia đình ở Anh đều bị ảnh hưởng do khủng hoảng dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống.

"Chất lượng cuộc sống của người dân Anh đang giảm xuống, đặc biệt là sự sụp đổ hoàn toàn của tăng trưởng thu nhập đối với các hộ gia đình nghèo trong 20 năm qua", ông Adam Corlett, nhà kinh tế trưởng của quỹ Resolution Foundation cho biết.

Nguy cơ đối mặt với mức tăng trưởng thấp nhất

Theo CNN, nếu không có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn thì nguy cơ giảm lương vẫn sẽ xảy ra. Trên khắp thế giới, khả năng hồi phục kinh tế đang rất khó khăn. Nhưng Vương quốc Anh thậm chí còn rơi vào trạng thái tồi tệ hơn và nguy cơ có thể dẫn đến một cuộc suy thoái trong thời gian tới.

Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại và bắt đầu thu hẹp vào tháng Ba. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia, tỷ lệ tăng trưởng GDP vào tháng 4 giảm 0,3% trong cả ba lĩnh vực chính của nền kinh tế, bao gồm dịch vụ, chế tạo và xây dựng. Doanh số bán lẻ trong tháng Năm cũng đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.

Dự báo những tín hiệu tiêu cực về kinh tế sẽ tiếp tục xảy ra vào thời gian tới. Trong một báo cáo về sự ổn định tài chính được công bố vào đầu tuần này, Ngân hàng trung ương Anh cho biết triển vọng kinh tế Anh sẽ đi xuống trong những tháng tới. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris dự báo nền kinh tế của Vương quốc Anh đang có xu hướng trì trệ, với mức tăng trưởng GDP dự báo sẽ bằng 0 trong năm 2023. Đây được xem là mức dự báo tồi tệ nhất trong nhóm các nước phát triển của G7.

Bên cạnh đó, Cơ quan Giám sát tài khóa của chính phủ, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh cũng dự báo một lộ trình không bền vững với kinh tế Anh. Theo OBR, Vương quốc Anh đang bỏ lỡ hầu hết khả năng hồi phục thương mại toàn cầu sau đại dịch.

Đối với nhiều doanh nghiệp, thỏa thuận thương mại miễn thuế mà Thủ tướng Johson ký kết với các nhà lãnh đạo EU cách đây chưa đầy 2 năm đã gây ra các rào cản về thủ tục giấy tờ hải quan khiến hàng hóa các nước EU khó xuất sang sang thị trường Anh đồng thời làm gia tăng chi phí nhập khẩu.

"Mặc dù Anh có thúc đẩy các giao dịch thương mại khác để bù đắp lỗ hổng thương mại với EU nhưng đến hiện tại, chưa có thỏa thuận nào có quy mô đủ lớn để giảm thiếu các tác động dự báo của chúng tôi", OBR nêu rõ./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ