• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Anh khó khăn do thiếu lao động và hàng loạt cuộc đình công

Thế giới 22/06/2022 20:45

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, vấn đề việc làm đang tác động lớn đến kinh tế Vương quốc Anh.

Cuộc đình công lớn nhất trong ba thập kỷ

Hiện Vương quốc Anh đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn lao động cũng như các bất đồng của người lao động vì lạm phát đã ảnh hưởng đến tiền lương của họ.

Kinh tế Anh "chao đảo" bởi thiếu lao động và hàng loạt cuộc đình công - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Căng thẳng trở nên leo thang khi ngày 21/6, hàng nghìn công nhân đường sắt ở Anh đã đình công để yêu cầu được trả lương và tạo điều kiện việc làm tốt hơn. Cuộc đình công lớn nhất trong 30 năm qua đã khiến mạng lưới đường sắt của Anh phải ngừng hoạt động. Nhiều cuộc đình công dự kiến có thể diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Bảy tuần này.

Thêm vào đó, một cuộc đình công khác ở khu vực tàu điện ngầm London cũng khiến dịch vụ tàu ngầm buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Bởi các cuộc đình công đường sắt liên tục xảy ra trong nhiều tháng qua nên Liên minh Công nhân Đường sắt, Hàng hải và Vận tải Quốc gia cho biết các giáo viên, y tá và những người lao động khác có thể cũng sẽ bỏ việc trong bối cảnh lạm phát dự báo gia tăng trên 11% vào năm nay. Unison, công đoàn lớn thứ hai ở Vương quốc Anh với gần 1,3 triệu thành viên cho biết họ đã sẵn sàng cho một cuộc đình công từ tuần trước.

Nói trên CNN, bà Maggie Simpson, Giám đốc của Rail Freight Group lo ngại lượng hàng hóa di chuyển bằng tàu hỏa sẽ phải giảm 30%-40% trong tuần, trong đó có nhiều hàng hóa thiết yếu như nhiên liệu và sản phẩm siêu thị. Bà Simpson bày tỏ "thực sự lo lắng" khi các doanh nghiệp đang ngày càng mất niềm tin vào đường sắt trong nỗ lực vận chuyển hàng hóa.

Hàng loạt các cuộc đình công diễn ra ở Anh sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế khó khăn hiện nay. Nhiều hoạt động đã phải tạm hoãn ở ngành hàng không, khách sạn và chăm sóc xã hội vì không đáp ứng đủ nhân sự ở các vị trí tuyển dụng.

Bà Mandira Sarkar, chủ sở hữu Mandira's Kitchen – một công ty chuyên cung cấp và giao hàng thực phẩm ở phía tây nam nước Anh cho rằng tình trạng thiếu lao động được ví như "cái chết từ từ" đối với công việc kinh doanh kéo dài 6 năm của bà.

"Nó được ví như một cơn ác mộng. Chúng tôi thực sự bất lực khi không thể tìm thêm ứng viên cho các vị trí này", bà Mandira Sarkar nói trên CNN.

Khoảng cách lao động giữa các ngành đã hạn chế khả năng phát triển của các doanh nghiệp và khiến một số công ty phải cắt giảm dịch vụ. Tuần trước, Gatwick, một sân bay ở phía nam London cho biết sẽ cắt giảm lịch trình bay vào mùa hè lên tới 13% so với tháng Bảy và tháng Tám vì không thể tìm đủ nhân lực.

Ngành hàng không đã cắt giảm nhân lực trong suốt thời kỳ đại dịch do nhu cầu đi lại giảm và đã phải vật lộn để tuyển dụng cũng như đào tạo nhân lực mới đáp ứng nhu cầu hành khách đi lại lớn trong những tháng gần đây.

EasyJet (ESYJY), một hãng hàng không giá rẻ đầu tuần này cho biết họ sẽ giảm lịch trình mùa hè xuống còn khoảng 90% so với năm 2019 bởi sự gián đoạn của Gatwick. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề do ảnh hưởng của đại dịch. Brexit đã kết thúc những chuỗi ngày đi lại tự do giữa Vương quốc Anh và châu Âu. Và chính điều này cũng khiến các nhà tuyển dụng của Anh Quốc khó khai thác nguồn lao động khổng lồ.

"Tất cả những người Đông Âu mà chúng tôi từng tuyển dụng hay những người làm việc trong ngành khách sạn đều đã ra đi trong suốt đại dịch và giờ đây để lại lỗ hổng khổng lồ", bà Sarkar chia sẻ.

Thiếu hàng triệu lao động

Theo hãng CNN, việc thiếu hụt lao động ở Vương quốc Anh đang gây chú ý bởi đây là một trong những nền kinh tế giàu có nhất thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm mạnh trong năm 2020 và 2021.

OECD cũng dự báo rằng nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ diễn ra trì trệ vào năm 2023 – điểm khác biệt so với các nền kinh tế G7 khi tất cả các thành viên của nhóm đều kỳ vọng tăng trưởng.

Viện Nghiên cứu và Làm việc Vương quốc Anh, một tổ chức tư vấn cho rằng khoảng 1 triệu người dân Anh không còn tham gia thị trường lao động. Lý do là, những người lao động trên 50 tuổi và những người có vấn đề sức khỏe phải bỏ việc hoặc tăng trưởng dân số thấp hơn hoặc thanh niên đã trở lại trường học toàn thời gian lâu hơn.

Ông Tony Wilson, Giám đốc Viện Nghiên cứu việc làm cho rằng các nền kinh tế tương đương không chứng kiến sự di cư lao động rõ ràng.

"Vương quốc Anh là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đã chứng kiến sự thay đổi cơ cấu tham gia lao động khá rõ ràng", ông Tony Wilson nhấn mạnh.

Viện nghiên cứu tài khóa Anh phát hiện những người ở độ tuổi từ 50 đến 69 tuổi phải nghỉ hưu cũng là nguyên nhân chính kiềm chế tăng trưởng kinh tế.

"Đáng lo ngại hơn, số lượng người ra khỏi lực lượng lao động do ốm đau ngày càng gia tăng, ông Wilson nói. "Dù là lý do gì, xu hướng này cũng không có tín hiệu cải thiện. Điều này thực sự nghiệt ngã".

Giá cả tăng vọt đã khiến người dân Anh rời khỏi vị trí việc làm được trả lương thấp. Ông Nadra Ahmed, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Chăm sóc quốc gia, đại diện cho khoảng 800 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà cho rằng chi phí nhiên liệu cao đang gây ra khó khăn với những người đi lại nhiều.

"Cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt đang bắt đầu ảnh hưởng và tác động đến thị trường lao động. Mọi người có thể muốn tìm việc làm được trả lương cao hơn", ông Ahmed nói.

Mặc dù tiền lương tăng nhưng mức lương trung bình trong cả nền kinh tế đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ