(Tổ Quốc) - Các quan chức hàng không thế giới đang lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu du lịch sau khi thời kỳ bùng nổ hậu đại dịch kết thúc, theo tờ Majorcadailybulletin.
Các nhà điều hành ngành hàng không Tây Ban Nha ngày 22/11 đã cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng của các hãng hàng không đã trở nên u ám sau một khoảng thời gian bùng nổ du lịch thời kỳ hậu đại dịch. Nguy cơ này là do suy thoái kinh tế đang diễn ra và tình hình thế giới ngày càng bất ổn. Đặc biệt, các hãng hàng không tập trung vào thị trường Anh lúc này là bên chịu nhiều hệ lụy.
Hệ lụy từ suy thoái và lạm phát
Giám đốc điều hành của hãng hàng không Virgin Atlantic tập trung vào thị trường xuyên Đại Tây Dương cho biết năm 2023 sẽ rất "khó khăn". Ông chủ của sân bay Heathrow, London cho biết nhiều hãng hàng không đang ngày càng lo lắng về triển vọng tăng trưởng khi nhu cầu đi lại có thể sụt giảm và Người đứng đầu Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA cũng cảnh báo về tác động của tình hình suy thoái ở Anh.
Hầu hết các hãng hàng không châu Âu đã công bố lợi nhuận tăng vọt trong mùa hè năm nay khi mọi người được trải nghiệm mùa du lịch đầu tiên không phải chịu nhiều hạn chế phòng dịch COVID-19 trong suốt ba năm qua.
Nhưng trong bối cảnh lạm phát tăng cao và lãi suất thế chấp tăng, thu nhập khả dụng có thể sẽ lao dốc và các nhà phân tích đã đặt câu hỏi sự bùng nổ du lịch có thể kéo dài bao lâu.
Shai Weiss, giám đốc điều hành của Virgin Atlantic, cho biết ông đang chuẩn bị khả năng ứng phó cho năm tới sau khi doanh thu của công ty vượt mức dự báo cho năm 2022. "Năm 2023 sẽ khó khăn. Tất nhiên, chúng tôi cần giá năng lượng đi xuống, cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn một chút và lạm phát được kiểm soát", ông Weiss nói trong một hội nghị ngành.
Giám đốc điều hành sân bay Heathrow John Holland-Kaye cũng nói rằng trọng tâm của ngành hàng không đang chuyển từ sự phục hồi hậu đại dịch COVID-19 sang lo lắng về nền kinh tế toàn cầu.
Ông John Holland-Kaye nói với các phóng viên: "Các hãng hàng không đang lo ngại về nhu cầu của khách hàng".
Còn đối với Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA, triển vọng hàng không trên toàn cầu là lạc quan, nhưng sẽ có sự chậm lại ở châu Âu và thậm chí cả ở Anh. Ông Walsh nói với Reuters: "So với những gì đã xảy ra trong đại dịch khi các chính phủ cấm đi lại và các hãng hàng không phải dừng hoạt động của hầu hết các đội bay thì các hãng vận tải không nên "quá lo lắng".
"Tôi coi đây là những thách thức kinh doanh như bình thường. Các hãng hàng không sẽ thực hiện các biện pháp khắc phục và kích cầu thông qua việc định lại giá cả", ông nói.
Hiệu quả của 'du lịch phục thù'
Sau khi các biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ, nhu cầu du lịch trên toàn thế giới đã tăng cao do du khách quyết tâm đi du lịch để "phục thù" khoảng thời gian bị gò bó. Trong năm 2022, ông Weiss cho biết hãng hàng không Virgin ước tính đạt doanh thu cao hơn cả năm 2019 - trước khi đại dịch COVID-19, dù công suất bay ít hơn 20%. "Du lịch phục thù đã giúp nâng tầm thành tích của Virgin", ông nói.
Đối thủ cạnh tranh của Virgin, IAG, công ty sở hữu British Airways, cũng ghi nhận doanh thu mùa hè tăng trưởng mạnh mẽ và vượt dự báo lợi nhuận. Dù nước Anh đã suy thoái, nhưng Virgin vẫn chưa thấy lượng đặt chỗ giảm, nhưng ông Weiss cho biết hãng đã lên kế hoạch để đối phó với sự suy thoái.
"Tôi rất thận trọng cho năm 2023. Tôi không muốn đưa ra bất kỳ đánh giá nào khác ngoài sự thận trọng"- ông nói. Trước tình hình này, ông Weiss cũng muốn gửi thông điệp tới Heathrow, sân bay chính Virgin đang hoạt động. Sân bay này đang dự định tăng phí hành khách để tìm tìm cách mở rộng. Ông cho biết sự ủng hộ của Virgin đối với kế hoạch phát triển đường băng tại Heathrow phụ thuộc vào việc định giá hợp lý.
Heathrow và các khách hàng của hãng hàng không Virgin hiện đang chờ cơ quan quản lý hàng không của Anh xác nhận mức phí mà sân bay có thể đưa ra đối với hành khách trong những năm tới. Và thông điệp của ông Weiss phản ánh sự bất đồng giữa các bên về vấn đề tăng phí.
Ông Weiss nói: "Đây là về việc chia sẻ giá trị giữa hãng hàng không và sân bay". Virgin Atlantic – nằm dưới quyền Tập đoàn Virgin - là nơi tỷ phú Richard Branson có 51% cổ phần và hãng hàng không Delta của Mỹ có 49% cổ phần.