• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế nội địa yếu kém và đã đến lúc thay đổi

Kinh tế 17/10/2018 16:32

(Tổ Quốc) - "Kinh tế nội địa yếu kém và đã đến lúc thay đổi nhưng thay đổi không phải là đè ông đầu tư nước ngoài xuống để ngang bằng với đầu tư, doanh nghiệp trong nước mà cần phải khắc phục cái yếu ”.

Kinh tế nội địa yếu kém và đã đến lúc thay đổi - Ảnh 1.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo - Ảnh Vi Phong

Đó là ý kiến của ông Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức.

Môi trường kinh doanh của chúng ta có nhiều cải thiện

Theo ông Trần Đình Cung, nền kinh tế của chúng ta đang trên đà phục hồi trước khủng hoảng kinh tế 2008. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và đang dần củng cố thêm; tái cơ cấu kinh tế có kết quả nhất định, nhất là nhấn mạnh hơn về cải cách phía cung, phát triển và hoàn thiện các nhân tố vi mô của nền kinh tế; thay đổi phần nào cách thức tăng trưởng; giảm phụ thuộc vào khai khoáng và tăng trưởng tín dụng.

Kinh tế nội địa yếu kém và đã đến lúc thay đổi - Ảnh 2.

Ông Trần Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Ảnh Vi Phong

"Cải thiện môi trường kinh doanh có khác biệt so với trước, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện theo đánh giá của quốc tế. Bãi bỏ hoặc đơn giản hóa 50% thủ tục đăng ký kinh doanh. Bãi bỏ, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa kiểm tra liên ngành. Chúng ta có luật cạnh tranh (sửa đổi), có Ủy ban quản lý vốn đầu tư nhà nước", ông Trần Đình Cung nói.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Ban chính sách kinh tế vĩ mô cho biết, trước khi bước vào năm 2018, chúng ta có nhiều lo ngại về diễn biến tăng trưởng, có cả các yếu tố trong nước cũng như quốc tế như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... suy giảm tăng trưởng giữa các quý, Việt Nam có nên tránh các cuộc xung đột về thương mại…Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, sự sáng tạo và linh hoạt của Việt Nam đã phát huy tác dụng. Chưa có sự đảo chiều trong dòng vốn đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm với thị trường Việt Nam, chưa có nhà đầu tư nào ở Việt Nam muốn chuyển ra nước ngoài. Đầu tư tư nhân trong nước vẫn tăng hơn 17% trong giai đoạn vừa qua, đây cũng là mức tăng lớn nhất trong thành phần kinh tế, tăng hơn so với đầu tư công và đầu tư nước ngoài…Điều này thể hiện rõ ràng vai trò của ổn định môi trường, chính sách, lạm phát, tránh những tác động bất lợi từ bên ngoài..Việt Nam vẫn duy trì được tặng dư thương mại trong bối cảnh vừa qua. "Chúng ta có quyền lo ngại, nhưng cũng nên đặt niềm tin vào sức sống của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước", ông Nguyễn Ánh Dương phân tích.

Đầu tư công vẫn là câu chuyện nóng

Bên cạnh những tín hiệu vui, đáng mừng mà nền kinh tế của chúng ta đã đạt được, vẫn còn đó nhiều điểm hạn chế đang tồn tại và đòi hỏi phải điều chỉnh theo hướng tích cực. Ông Trần Đình Cung cho rằng, đầu tư công vẫn là điểm nóng, chưa có công trình hạ tầng tạo ra dấu ấn nhiệm kỳ, một số bệnh của đầu tư công có từ trước vẫn chưa được điều trị…Đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí, vẫn chưa được khắc phục. Những lý giải về việc đầu tư công thời gian qua chúng ta đưa ra đều không thuyết phục, chỉ làm bức xúc thêm cho dư luận và người dân. "34 nghìn tỷ đồng xây dựng một quãng đường cao tốc, nay sai xót, hư hỏng mà chỉ tuyên bố rút kinh nghiệm thì nhẹ quá. Nếu cứ tiếp tục làm như thế thì căn bệnh của đầu tư công sẽ không chữa trị được. Những yếu kém này chúng ta đã biết, chủ trương chúng ta đã có, có điều là cách làm như thế nào...", ông Trần Đình Cung lý giải.

Duy trì thặng dư thương mại và tăng cường giải ngân FDI là những yếu tố góp phần giảm áp lực cho điều hành tỷ giá

Ông Nguyễn Ánh Dương

Chúng ta giảm được bội chi nhưng chưa tăng được hiệu quả chi ngân sách; tăng thu rất ráo riết, nhưng chưa minh bạch ví dụ như thuế môi trường; các thành phần kinh tế của chúng ta tuy có tiến bộ, phát triển hơn trước nhưng không công bằng, thiếu cân đối. "Kinh tế nội địa yếu kém và đã đến lúc thay đổi nhưng thay đổi không phải là đè ông đầu tư nước ngoài xuống để ngang bằng với đầu tư, doanh nghiệp trong nước mà cần phải khắc phục cái yếu", ông Trần Đình Cung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Đình Cung, chúng ta nói nhiều đến cơ hội và thách thức nhưng cơ hội không bao giờ tự động đến. Cơ hội chỉ đến và hiện thực hóa khi chúng ta chủ động thay đổi, có lựa chọn phù hợp.

Về cách mạng 4.0, ông Trần Đình Cung cho rằng đó là cơ hội, nhưng nếu chúng ta cứ chần chừ, do dự thì sẽ lên toa cuối và khó có thể đuổi kịp các nước. Ông Trần Đình Cung cũng chỉ ra có 2 xu hướng của các mạng 4.0 trên thế giới hiện nay. Một là, chuyến đổi nền sản xuất hiện tại sang tự động, kết nối, tối ưu hóa sử dụng và phân bố nguồn nhân lực. Xu hướng thứ hai là, nắm bắt cơ hội của công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; đổi mới sáng tạo để tạo nên sự khác biệt cho khởi nghiệp và phát triển công nghệ, mô hình kinh tế mới, cơ hội từ nền kinh tế số. Xu hướng này thể hiện rõ và có điều kiện để thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức về cách mạng 4.0 của chúng ta chưa đầy đủ…./.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ