(Tổ Quốc) - Sáng 14/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đã diễn ra Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2019, với chủ đề Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế tác, hợp tác xã.
Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019, với chủ đề Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế tác, hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn
Các HTX vẫn chưa tiếp cận được các nguồn ưu đãi
Trong phần phát biểu khai mạc của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã (Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), 02 chính sách ưu đãi (Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí). Riêng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định nêu trên, còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác (Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; Ưu đãi về tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm).
Các chính sách này đã được cụ thể hóa trong Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các HTX phát triển, phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương.
Tuy nhiên, công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm… "Chính vì vậy, mặc dù có rất nhiều chính sách, nhưng trên thực tế, số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa nhiều", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị
Chúng ta nói nhiều nhưng chưa quan tâm
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các nội dung: Rà soát những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; đánh giá hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương, các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; bài toán thị trường cho các hợp tác xã và chia sẻ những khó khăn từ phía các hợp tác xã trong thực tiễn hoạt động tại các địa phương, kiến nghị giải pháp tháo gỡ…
Một số đại biểu cho rằng, cái khó hiện nay của HTX là việc tiếp cận nguồn vốn cùng việc giao đất, bố trí đất canh tác. Mặc dù đã có chính sách không cần thế chấp để vay vốn, nhưng trên thực tế, không HTX nào tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng mà không có tài sản thế chấp. Do đó, hầu hết các HTX hiện nay đều tự thân vận động dựa trên nguồn vốn tự thân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu chụp ảnh chung thể hiện sự đoàn kết, nhất trí trong việc phát triển kinh tế tập thể - HTX
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu, chúng ta cần phải nhìn nhận vào một sự thật, đó là nhiều nơi, các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm tới kinh tế tập thể - HTX "Rất nhiều khó khăn, vướng mắc đều xuất phát từ đây mà ra. Chỉ đạo không cương quyết, chính sách còn chung chung . Kể cả có chính sách nhưng không nhiệt tình thì cũng không làm được".
Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc này mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đối với kinh tế tập thể mà lòng cốt là HTX, cần phải chú trọng vào việc xây dựng hình thành các chuỗi giá trị, tăng cường liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ…bên cạnh đó là việc xây dựng thương hiệu, nâng cao trình độ cùng nguồn nhân lực cho các thành viên HTX.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của kinh tế tập thể - HTX hiện nay. Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, cần phải có giải pháp tăng cường và thống nhất về nhận thức đối với kinh tế tập thể - HTX. "Chúng ta đang nói nhiều, nhưng thực tế chưa quan tâm. Trong khi đó, Nghị quyết 13 đã nói rõ đây là loại hình kinh tế đặc biệt, liên quan đến kinh tế, ổn định chính trị, ổn định nông thôn".
Không chỉ dừng lại ở việc chưa quan tâm, mà theo Phó Thủ tướng thì việc quam tâm hiện nay cũng chưa đồng đều. Chúng ta hiện chỉ mới đang quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, mà chưa quan tâm tới các lĩnh vực phi nông nghiệp." Nói đến kinh tế tập thể thì chỉ mới tập trung tới HTX, còn các tổ hợp tác chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức".
Liên quan đến vấn đề sửa luật HTX 2012, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần phải làm rõ xem sửa cái gì, sửa như thế nào. Sửa làm sao để phải đi được theo xu hướng thế giới. "Trên thế giới, họ không cần tăng nhanh, nhiều về số lượng HTX mà họ quan tâm tới số lượng các thành viên. Trong khi của ta đang đi ngược lại với thế giới, bởi số lượng hợp tác xã tăng nhanh, nhưng số lượng thành viên lại giảm. Trong báo cáo cũng không thấy có chỉ tiêu phấn đấu trong thời gian tới số lượng thành viên là bao nhiêu...".
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần quân tâm tới vấn đề minh bạch, công khai, kiểm toán HTX, vấn đề tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vấn đề đất đai, đào tạo, chuyển giao công nghệ…/.