Kray Sức - nghệ nhân nhiều đóng góp trong gìn giữ, trao truyền văn hóa dân tộc Pa Cô
(Tổ Quốc) - Với niềm đam mê và tâm huyết, Nghệ nhân ưu tú Kray Sức đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, giữ gìn và quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị.
Tình yêu dân tộc từ tiếng đàn Ta Lư của mẹ
Đến thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) hỏi về nghệ nhân ưu tú Kray Sức, không ai là không biết. Người yêu văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị biết đến nghệ nhân Kray Sức với những đóng góp của ông trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô.
Nghệ nhân ưu tú Kray Sức sinh năm 1964, trong một gia đình có đông anh em. Thuở nhỏ nhà nghèo, đời sống gia đình ông khó khăn trong sự khó khăn chung của đồng bào các dân tộc thiểu số giai đoạn chiến tranh. Là con thứ 9 trong gia đình có 11 anh chị em, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chỉ còn một mình Kray Sức với mẹ, trong khi bố ông đi bộ đội.
Trước khi lên đường nhập ngũ, bố để lại cho hai mẹ con Kray Sức một cây đàn Ta Lư – nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô. Kể từ đó, những năm tháng tuổi thơ vất vả của ông cũng được nuôi dưỡng và lớn lên trong lời hát ru, tiếng đàn Ta Lư chất chứa tình yêu thương của mẹ.
Năm 1976, khi 12 tuổi, người đồng bào dân tộc Pa Cô nơi Kray Sức sinh sống lần đầu tổ chức lễ hội A Riêu Ping kể từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến người đã khuất, đồng thời cũng là dịp để các dân tộc vùng cao gặp gỡ, giao lưu mừng quê hương hòa bình. Nhìn các già làng và bà con dân bản cử hành các nghi thức lễ hội, vui trong tiếng hát, tiếng nhạc của đồng bào mình khiến Kray Sức không thôi thổn thức, nhớ về tiếng đàn Ta Lư của mẹ. Từ đó, ông đã tìm đến già làng Kôn Sen để quyết tâm theo học.
Năm tháng trôi qua, tiếng đàn, giọng hát của Kray Sức cũng dần được tôi luyện trong niềm đam mê và lòng yêu văn hóa của dân tộc mình. Thuở còn trai trẻ, Kray Sức giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, được nhiều người mến mộ. Tuy nhiên, điều ông luôn canh cánh trong lòng là cùng với tiếng đàn Ta Lư, nhiều nét bản sắc văn hóa của đồng bào Pa Cô đang dần bị mai một. Đáng buồn hơn, khi nhiều người thường nhầm lẫn văn hóa của người Pa Cô với người Vân Kiều hoặc Tà Ôi. Chính những lý do này đã thôi thúc ông phải tìm bằng được cách để phục hồi, bảo tồn.
Trao truyền văn hóa cho nhiều thế hệ trẻ
Từ năm 2004, Kray Sức đã đi khắp các bản làng của người Pa Cô ở Quảng Trị, thậm chí qua tận nước bạn Lào, gặp những người am hiểu về văn hóa dân tộc Pa Cô để hỏi. Sau 14 năm dày công sưu tầm, ghi chép, ông đã có cho mình bộ tư liệu hơn 300 bức ảnh về đồng bào Pa Cô. Đây là những tư liệu vô cùng quý giá để phục vụ cho công tác phục hồi, bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Cô sau này.
Cũng trong năm đó, những bức ảnh này được Kray Sức mang đi triển lãm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Lần đầu tiên, một triển lãm ảnh về dân tộc Pa Cô được tổ chức quy mô đã nhận được sự quan tâm và đánh giá rất cao từ công chúng. Đặc biệt hơn, khi biết ông phải bán đi con trâu duy nhất của gia đình để có kinh phí thực hiện, nhiều người không khỏi nể phục. Bởi vào thời điểm đó, đối với một người dân sinh sống ở miền núi như ông, đây là tài sản rất lớn.
Không chỉ sưu tầm để bảo tồn, Kray Sức còn mang những nét văn hóa của đồng bào Pa Cô đi khắp các bản làng để trao truyền lại cho mọi người. Vào thời điểm các nhạc cụ như đàn Ta Lư, cồng chiêng của người Pa Cô tại Quảng Trị còn rất ít, ông dành tiền tích cóp, nhờ người có kinh nghiệm làm 10 cây đàn Ta Lư. Số đàn này ông mang tặng cho 9 thôn ở xã Tà Rụt, cây đàn còn lại thì giữ cho mình.
Có đàn Ta Lư rồi, Kray Sức lại bỏ công tìm đến các bản làng vận động, kêu gọi mọi người theo học. Qua nhiều năm cần mẫn, nhờ ông mà nhiều người dân, nhất là thế hệ trẻ đã đánh được đàn Ta Lư và hát được một số điệu dân ca. Nhiều câu lạc bộ truyền dạy dân ca được ra đời đã góp phần khơi dây niềm đam mê và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Không chỉ truyền dạy dân ca cho đồng bào Pa Cô trên địa bàn huyện Đakrông, Kray Sức còn nhận lời đi truyền dạy cho các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh khi có lời mời. Theo chân ông còn có những học trò xuất sắc, có chung niềm đam mê và tâm huyết với văn hóa dân tộc. Đến nay, đã có hàng trăm người dân, trong đó có nhiều bạn trẻ người Pa Cô đã được "thầy trò" ông Kray Sức trao truyền những giá trị văn hóa.
Chi sẻ về những mong muốn của mình, ông Kray Sức cho biết, trong thời gian tới rất mong Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhất là trong công tác đào tạo, truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ.
"Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều cuộc thi, các sự kiện văn hóa, du lịch liên quan đến các dân tộc thiểu số được tổ chức để người dân chúng tôi có cơ hội giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến bạn bè trong nước và quốc tế", nghệ nhân Kray Sức nói.
Với những đóng góp của mình, năm 2015, ông Kray Sức vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2017, ông Kray Sức được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.