• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

KTS Đào Ngọc Nghiêm: "Muốn điều chỉnh quy hoạch thì trước hết phải hỏi cộng đồng dân cư..."

Thời sự 24/06/2019 08:25

(Tổ Quốc) - "Điều chỉnh tầng có lợi ích cho chủ đầu tư hay không, hoặc có gì bên trong hay không thì cần phải xem xét, điều tra. Nhưng có một điều cần phải khẳng định, đó là điều chỉnh quy hoạch có quy trình nhưng các dự án điều chỉnh đã không thực hiện đúng quy trình”, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho hay.

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Muốn điều chỉnh quy hoạch thì trước hết phải hỏi cộng đồng dân cư... - Ảnh 1.

Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính trước đây vốn là khu đô thị kiểu mẫu nhưng đã bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, mật độ dân cư ngày càng đông.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch đô thị tại Thủ đô Hà Nội đang bị "băm nát". Đây cũng là nhận định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Vừa qua, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo làm rõ về một số dự án có liên quan đến vấn đề này. Để nhìn nhận rõ hơn mức độ nghiêm trọng cũng như những hệ luỵ từ việc "băm nát" quy hoạch đô thị, Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với TS KTS Đào Ngọc Nghiêm:

-Thưa ông, với cái nhìn của một kiến trúc sư lâu năm trong ngành, ông nhận định như thế nào về tình trạng quy hoạch đô thị Hà Nội hiện nay?

+Xét về hệ thống quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng thì trong đó tích hợp một số lĩnh vực như: đất đai, hạ tầng, kỹ thuật, giao thông , môi trường… Cần phải nhìn nhận rằng, trong quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị - đây là một hệ thống gồm quy hoạch phát triển đô thị của cả quốc gia cho đến  quy hoạch của vùng, quy hoạch của từng tỉnh, thành phố. Sau quy hoạch chung của từng thành phố thì đến các quy hoạch phân khu rồi đến quy hoạch chi tiết.

Theo tôi, cần phải nhìn nhận cả hệ thống chi tiết như vậy thì mới có thể đánh giá được tình hình. Trong thời gian vừa qua, công tác quy hoạch xây dựng đã thực sự làm tốt được vai trò là định hướng phát triển, là công cụ để quản lý nhưng mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, tức là giữa quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng với quy hoạch kinh tế … thì lại có vấn đề. Đây chính là bất cập. 

Bên cạnh đó, quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, hay nói cách khác, quy hoạch là khoa học dự báo. Trong những năm vừa qua có những giai đoạn dự báo chưa chuẩn xác, vì thế mà chất lượng quy hoạch còn có những tồn tại. Hệ thống quy hoạch còn bất cập, chồng chéo.

Tôi thấy điều tiếp theo còn tồn tại, đó là mối quan hệ giữa quy hoạch và kế hoạch. Ở đây còn có sự chưa thống nhất. Ví như Hà Nội quy hoạch 30 năm nhưng thậm chí chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển không gian với kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới giao thông. Các nhà đầu tư hiện nay chỉ tập trung vào dự án của mình còn phần ngoài dự án thì do nhà nước làm bằng ngân sách, nhà nước thì lại chỉ xác định trọng điểm là chính, nên dẫn tới nhiều bất cập.

Đơn cử, tuyến đường Lê Văn Lương dự kiến mở rộng từ năm 2003 nhưng ngân sách không làm được. Từ 2011 trở đi, có trên 20 dự án cao tầng được xây dựng nên đã dẫn tới những ách tắc…

Như vậy để thấy rằng, bất cập giữa quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt là thiếu nguồn lực để làm hạ tầng kỹ thuật khung.

-Nhiều ý kiến cho rằng quy hoạch Hà Nội đang bị "băm nát", manh mún, thiếu đồng bộ. Ông có thấy Hà Nội đang bị "băm nát" không? Còn người dân, dù không có thức về quy hoạch nhưng ai cũng có thể nhìn và cảm nhận được không gian xanh đang ngày một thu hẹp lại, ngột ngạt và khó thở?

+ Cần phải xác định giữa quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Có một vấn đề nổi cộm hiện nay đó là điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Hiện nay trong luật pháp, trong luật xây dựng, trong các luật khác, trong các nghị định của Chính phủ cũng đều cho phép có điều chỉnh quy hoạch, tức là có điều chỉnh định kỳ 5 năm, 10 năm…

Điều chỉnh quy hoạch có quy trình nhưng các dự án điều chỉnh đã không thực hiện đúng quy trình."

KTS Đào Ngọc Nghiêm

Còn điều chỉnh cục bộ là điều chỉnh từng phần, hoặc điều chỉnh đột xuất. Hiện cả nước có hơn 4.000 dự án, trong đó 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... Đây là thực tại.

Vậy nguyên nhân của điều chỉnh quy hoạch này là gì? Điều chỉnh tầng có lợi ích cho chủ đầu tư hay không, hoặc có gì bên trong hay không thì cần phải xem xét, điều tra, nhưng có một điều cần phải khẳng định, đó là điều chỉnh quy hoạch có quy trình nhưng các dự án điều chỉnh đã không thực hiện đúng quy trình.

Tôi cho rằng, muốn điều chỉnh quy hoạch thì trước hết phải hỏi cộng đồng dân cư khu vực bị ảnh hưởng và các chuyên gia chuyên ngành xem ý kiến của họ thế nào? Ở Hà Nội có những khu vực, ví như khu Kim Mã trước đây có chủ đầu tư đề nghị được điều chỉnh cao tầng. Khi đó chính quyền cũng đã đồng ý nhưng khi có ý kiến của chuyên gia thì không làm nữa. Hay khu Triển lãm Giảng Võ, chủ đầu tư cũng đề xuất xây dựng 10 toà 50 tầng nhưng sau khi có ý kiến chuyên gia thì Chính phủ đã yêu cầu dừng lại. Như vậy, phải hỏi ý kiến của cộng đồng, trao đổi để thống nhất. Sau đó, phải công bố nội dung điều chỉnh quy hoạch để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi.

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Muốn điều chỉnh quy hoạch thì trước hết phải hỏi cộng đồng dân cư... - Ảnh 4.

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội,Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam. (Nguồn: Báo Giao thông).

Tôi cho rằng, việc tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư, chuyên gia… như tôi nói ở trên thì mình chưa làm được. Ví như toà 8B Lê Trực để xây xong thì mới phát hiện sai phạm và xử lý.

Mặc dù Hà Nội cũng đã có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc duyệt từ năm 2014 và đến 2016-2017 đã có quy định tầm cao các công trình kiến trúc trong nội đô Hà Nội nhưng tồn tại ở đây là điều chỉnh cục bộ. Từ đây cũng dẫn tới việc nghi ngờ liệu có lợi ích nào không?

-Các nước có nền kinh tế tương đồng hoặc các nước khu vực họ cũng xây dựng nhiều chung cư, toà nhà cao tầng trong thành phố. Vậy ông có thể cho biết, tiêu chuẩn, quy định về chung cư, các toà nhà cao tầng của họ đặt ra như thế nào để không bị phá vỡ quy hoạch?

+ Ở các nước, các khu đô thị, nhà cao tầng rất nhiều. Gần chúng ta nhất là Thái Lan, họ có rất nhiều chung cư cao tầng. Tuy nhiên, họ phải phân loại cụ thể và chúng ta cũng phải như vậy.

Phải hỏi ý kiến của cộng đồng, trao đổi để thống nhất trước khi điều chỉnh quy hoạch. Sau đó, phải công bố nội dung điều chỉnh ra để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi."

KTS Đào Ngọc Nghiêm

Ví như khu phố cổ Hà Nội thì không được phép xây nhà cao tầng, chiều cao chỉ giới hạn tới 24m. Hay khu vực tiếp giáp Hồ Gươm cũng vậy, chiều cao phía ngoài không được vượt quá 24m và lớp phía trong không vượt quá 32m…

Chúng ta có những khu vực phải hạn chế chiều cao xây dựng, nhưng những khu vực phát triển thì phải cao hơn, chẳng hạn khu vực vành đai 3…

Tôi cho rằng, Hà Nội cần phải sớm xác định khu lịch sử, khu phát triển và phải kiên quyết thực hiện theo quy định.

-Kẹt xe đang gây thiệt hại hơn 7 tỉ USD mỗi năm cho Indonesia và đất nước này đang có quyết định chuyển thủ đô ra khỏi đảo Java. Nhìn vào Việt Nam, nếu chúng ta cứ để tình trạng phá vỡ quy hoạch như hiện nay thì theo ông sẽ xảy ra những hệ lụy gì?

+ Kẹt xe đang là vấn đề "nóng" của các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Nguyên nhân là thiếu các hệ thống hạ tầng giao thông. Thông thường, đô thị thì phải có 20-25% diện tích đất dành cho giao thông nhưng Hà Nội hiện nay chỉ có 9%.

Thứ hai là tốc độ tăng trưởng xe của Hà Nội hiện nay quá lớn. Hà Nội hiện có gần 6.000.000 xe máy và và 600.000 ô tô. Với tốc độ tăng trưởng này thì năm 2025 sẽ có 10.000.000 xe máy, trong khi phát triển hạ tầng chỉ 3% nên dẫn tới ách tắc tất yếu xảy ra.

Tôi thấy rằng, sử dụng xe buýt nhanh ở các nước phát huy rất tốt nhưng ở Việt Nam lại không phát huy được. Chúng ta chủ yếu dùng xe cá nhân. Mỗi ô tô cá nhân chiếm 6-8 lần diện tích xe máy, và số lượng xe máy thì ngày càng tăng … Chúng ta cũng đang phát triển đường sắt công cộng nhưng lại thiếu nguồn vốn…

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ