• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

KTS Lê Thành Vinh: Cần cái nhìn đúng về sứ mệnh của các di tích không gắn mác

Văn hoá 11/05/2018 08:03

(Tổ Quốc) - Nếu coi lịch sử một vùng đất như một dòng sông thì các công trình hơn trăm năm tuổi là các trầm tích văn hóa và cần được gìn giữ, trân trọng.

Trong thời gian qua, thông tin về công trình Dinh Thượng Thơ (TP. HCM)- công trình kiến trúc Pháp có tuổi đời hơn 150 năm có thể sẽ bị phá bỏ đã dấy lên sự không đồng tình từ dư luận. TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, lấy ý kiến từ các nhà khoa học và cộng đồng cho thấy cơ quan quản lý đã “thận trọng” hơn trong cách ứng xử với các công trình văn hóa. Tuy nhiên, trước Dinh Thượng Thơ, nhiều công trình hơn trăm năm tuổi, có giá trị lịch sử, kiến trúc nhưng chưa được kiểm kê, đưa vào danh mục Di tích lịch sử - Danh thắng ở các địa phương cũng từng bị đề nghị phá bỏ để nhường cho các công trình mới. Cần ứng xử như thế nào với những công trình không gắn mác- theo cách gọi của KTS Lê Thành Vinh- nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích- Bộ VHTTDL, đó là chủ đề của cuộc trò chuyện giữa Báo Điện tử Tổ Quốc cùng với KTS Lê Thành Vinh.

+ Thưa KTS Lê Thành Vinh, thời gian vừa qua, câu chuyện phá bỏ Dinh Thượng Thơ khiến chúng ta nhớ lại, trước đây, từng có những đề án di dời cầu Long Biên ở Hà Nội để nhường chỗ cho những cây cây lớn hơn. Có một điểm chung, đó đều là những công trình chưa được xếp hạng di tích nhưng không thể phủ nhận giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Vậy, theo ông, cần phải có cách nhìn nhận như thế nào đối với những di sản như vậy?

- Tôi gọi đó là các di sản không gắn mác và chúng ta cần nhìn nhận chúng mang một sứ mệnh đặc biệt, gắn với vùng đất mà nó đã sinh ra.

Có thể nói, nếu coi lịch sử một vùng đất như một dòng chảy thì các công trình hơn trăm năm tuổi ấy là các trầm tích văn hóa, hơn nữa là những trầm tích văn hóa không dễ gì có được. Nó luôn tích tụ rất nhiều yếu tố của các thời kỳ đã qua, có vai trò tạo ra xúc cảm lịch sử, tạo ra nét đặc trưng và tạo ra sinh khí của một vùng đất.

Ngoại trừ việc xây dựng ở những vùng đất mới, nói chung, mọi sự phát triển ở đô thị đều là sự lồng ghép và là phép cộng thêm vào một cơ thể sống. Vì vậy, luôn phải tôn trọng và dựa vào cái có sẵn, xuất phát từ những nhân tố lịch sử, văn hóa truyền thống, cái tạo ra diện mạo và bản sắc của nơi chốn đó. Bảo tồn và phát triển  có những điểm mâu thuẫn nhau, nhưng có mối quan hệ hữu cơ với nhau và sẽ hỗ trợ nhau khi có giải pháp tốt. Những trường hợp phải phá bỏ chỉ là bất đắc dĩ.

KTS Lê Thành Vinh: Cần nhìn nhận sứ mệnh đặc biệt của các công trình không gắn mác (ảnh Hà An)

+ Vâng, như ông nói, bất đắc dĩ mới phá bỏ những công trình di sản đó. Nhưng trên thực tế, cách ứng xử với các công trình này không hề có quy định bảo vệ của pháp luật, cụ thể là Luật Di sản Văn hóa?

- Có nhiều công trình dạng như vậy, bản thân chúng không phải là các di tích. vì chúng không hàm chứa đủ các yếu tố để trở thành di tích một cách độc lập và phải bảo tồn một cách toàn vẹn; Nhưng nó lại là những nhân tố cấu thành di sản của một vùng đất, một đô thị. Nó đóng vai trò là thành phần quan trọng của cấu trúc không gian và cảnh quan lịch sử đã ổn định theo thời gian, tạo nên diện mạo và nét đặc trưng riêng có của khu vực, đô thị, vùng miền. Tất nhiên, không phải công trình nào có tuổi đời cao đều như vậy, nhưng cũng không khó để nhận ra những công trình có giá trị đó.

Khi đã nhận ra những công trình đó, cần phải phải có một cách nhìn tổng hòa và toàn cục hơn. Cần lùi lại một chút trước khi tiến tới một mục tiêu nào đó mang danh phát triển, để lắng nghe, nhìn nhận một cách sâu rộng theo cả một quá trình hình thành, tồn tại, trên tổng thể của cả vùng đất ấy. Từ đó sẽ nhận ra những giá trị không gắn mác nhưng hết sức quan trọng với vùng đất đó. Tham khảo ý kiến các chuyên gia và lắng nghe ý kiến của cộng đồng là một kỹ năng cần thiết.

Đập bỏ các công trình di sản không mác cũng chỉ là cách làm bất đắc dĩ (ảnh Kênh 14)

+ Theo ông, nếu giữ những công trình như vậy trong đời sống hiện đại, cần khai thác, phát huy giá trị của nó như thế nào?

- Ngoài những yếu tố có mang tính vật thể, có một điểm quan trọng là những công trình đã trở thành trầm tích văn hóa của vùng đất đó thường cũng hình thành mối  liên kết và tương tác nhất định với người dân địa phương và du khách đến với nó. Các công trình đó như một cái neo níu giữ con người sinh sống ở đó luôn muốn gắn bó và không rời xa và là nam châm thu hút du khách thập phương đến với vùng đất này.

Đây là yếu tố không phải vật thể nhưng rất quan trọng. Vì vậy, khi can thiệp vào các công trình đó, cần nhìn rộng hơn, lắng nghe ý kiến của cộng đồng. Khi cộng đồng lên tiếng nghĩa là đã bắt đầu chạm đến sợi dây liên kết và mối tương tác của họ với nơi đó. Vì vậy, nếu chỉ nhằm mục đích phát triển nào đó mà phá bỏ những công trình ấy thì không những đã xóa bỏ ký ức của vùng đất mà còn chặt đứt gốc rễ, phá bỏ điểm tựa của cư dân và sức hút với du khách thập phương. Những cái đó, phát triển bao nhiêu cũng không bù đắp lại được.

Không thể lấy lý do không phải là di tích để phá bỏ các công trình lịch sử. Những công trình đó là cơ thể sống, có sự chuyển hóa theo thời gian, sẽ gắn bó với con người, vùng đất nên nó cần tồn tại, phát triển. Vì vậy, nên nuôi dưỡng chứ không nhất thiết phải xếp nó là di tích để cố định nó như là dấu tích của một thời. Mà phải xác định đó là những nhân tố rất quan trọng trong sự phát triển của một vùng đất. Đấy là cách nhìn di sản một cách động.

+ Trong cách ứng xử với các di sản chưa gắn mác này, chúng ta có thể học tập được kinh nghiệm của các nước trên thế giới không, thưa ông?

- Tôi nhận thấy ở các nước phát triển, họ xây dựng, phát triển theo chiều hướng trong sự tiến lên của xã hội nhưng luôn tôn trọng những giá trị cũ, những di sản của tiền nhân. Sự lồng ghép hữu cơ giữa cũ và mới họ làm rất giỏi. Nhìn một cách xuyên suốt, kỹ lưỡng một chút, trong các công trình mới của các nước phát triển luôn có yếu tố cũ, dấu tích cũ được bảo lưu lại. Vì vậy, các thành phố, đô thị phát triển trên thế giới luôn dày dặn về giá trị lịch sử và văn hóa. Đặc biệt các nước ở châu Âu, được mệnh danh là lục địa già, vì dấu tích của mỗi thời đều hiện hữu chứ không phải nhân danh phát triển để phá bỏ cái cũ. Chăm lo việc phát triển nhưng không quên bảo tồn các giá trị di sản luôn là cách làm khôn ngoan, có tính nhân văn, làm giàu cho vùng miền và có lợi cho phát triển bền vững.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)

 

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ