• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

[Kỳ 1] - Du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của Covid-19: Xu hướng chuyển dịch về du lịch nội địa

Du lịch 27/08/2021 15:07

(Tổ Quốc) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải có những thay đổi thích hợp để thích nghi được với tình hình thực tế.

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua, không ít những địa điểm du lịch trước đây từng thu hút lượng lớn khách du lịch nay rơi vào cảnh "vắng lặng" có thể kể đến như Lào Cai, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng...

Theo thống kê từ Công ty Tư vấn Quản lý và Chuyển đổi Tổ chức (T&C Consulting), ảnh hưởng của dịch đã khiến lượng khách du lịch giảm mạnh, đặc biệt khách quốc tế gần như không còn, khiến 95% đơn vị kinh doan du lịch quốc tế đóng cửa.

[Kỳ 1] Du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của Covid-19: Xu hướng chuyển dịch về du lịch nội địa - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của dịch khiến các địa điểm du lịch gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Khánh

"Lấy ví dụ ở Lào Cai báo cáo của chúng tôi cho thấy, về tác động trực tiếp, lượng khách giảm từ 5 triệu (Năm 2019) xuống 2 triệu (Năm 2020), và thấp hơn nhiều trong năm 2021. Hay như tại Sơn La, lượng khách 2020 giảm 60% so với 2019, và 2021 so với 2020 cũng giảm rất nhiều. Doanh thu của các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ đi kèm giảm mạnh ở con số 80%. Trong nhiều trường hợp, chi phí vẫn không thể giảm, dẫn đến lỗ nặng đối với các đơn vị vẫn duy trì hoạt động. Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã phải đóng cửa kéo theo đó là khoảng hơn 60% lao động trong các cơ sở du lịch mất việc làm" - ông Vũ Văn Tuấn, Giám đốc T&C Consulting phát biểu trong buổi hội thảo "Ứng phó với làn sóng Covid thứ 4 và Kế hoạch phục hồi trong ngành Du lịch" do GREAT (Tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng) tổ chức diễn ra vào ngày 26/8 vừa qua.

Giám đốc đơn vị này cũng cho rằng, tác động lâu dài của dịch cũng có thể khiến các nhà kinh doanh du lịch rơi vào tâm lý lo lắng khi không biết bao giờ mới "phục hồi", mất phương hướng phát triển dẫn tới bỏ kinh doanh du lịch và gây ra thiếu hụt lực lượng lao động có kinh nghiệm trong tương lai do các lao động mất việc đã chuyển nghề khác.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những động thái mạnh tay trong việc phòng, chống dịch như tiến hành giãn cách xã hội, tiêm vaccine, tập trung điều trị khỏi bệnh cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 và đã đạt được hiệu quả ngoài mong đợi.

Thành quả này đã giúp cho ngành du lịch nhìn thấy được nhiều điểm tích cực, đồng thời đưa ra được những sự thay đổi phù hợp hơn trong tương lai. "Đây là cơ hội để các cơ sở kinh doanh du lịch có thể "tái cơ cấu", hay chuyển đổi kinh doanh theo hướng bền vững, có trách nhiệm hơn và để học hỏi các kỹ năng mới. Trong đó, việc chuyển đổi từ kinh doanh dịch vụ quốc tế sang phục vụ du lịch nội địa là một hướng đi khả quan" - ông Vũ Văn Tuấn cho biết.

Chuyển đổi các sản phẩm phục vụ du lịch nội địa

Trên thực tế, bên cạnh những hỗ trợ chung của Nhà nước về giảm hay hoãn trả thuế, tiền điện, tiền nước, bảo hiểm... cho các doanh nghiệp nhỏ (ví dụ NĐ 52...); Hỗ trợ giảm lãi suất, hoãn trả nợ... cho các doanh nghiệp (Thông tư 01, 03 của NHNN...); Hỗ trợ cho người lao động (ND 68...), việc chuyển đổi các sản phẩm phục vụ du lịch nội địa đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch chỉ đạo triển khai từ rất sớm ngay khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lên ngành du lịch.

[Kỳ 1] Du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của Covid-19: Xu hướng chuyển dịch về du lịch nội địa - Ảnh 2.

Thúc đẩy du lịch nội địa là hướng đi được cho là phù hợp nhất

"Các hiệp hội cũng đã nhanh chóng khuyến khích và hỗ trợ các thành viên tham gia các chương trình thúc đẩy du lịch của trung ương, của tỉnh như: "Người Việt Nam du lịch ở Việt Nam" hay "Du lịch an toàn". Ví dụ ở Lào Cai và Sơn La đã có những chương trình phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các tỉnh "Tây - Bắc" để giới thiệu về các sản phẩm du lịch đặc thù của 2 tỉnh. Phối hợp với chính quyền địa phương để nghiên cứu xác định những bất cập và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm chuẩn bị cho du lịch an toàn, nhất là sau khi hết Covid" - ông Vũ Văn Tuấn nói.

Dẫu vậy, nhu cầu ngày càng khắt khe của các du khách trong tình hình dịch bệnh cũng đòi hỏi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần có những hướng phát triển phù hợp nhằm đảm bảo tốt việc phục vụ khách hàng, đồng thời phòng, chống dịch hiệu quả.

Ông Vũ Văn Tuấn cho rằng, định hướng phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn tới, sau ảnh hưởng của COVID-19 sẽ bao gồm 4 hướng chính: Tái cơ cấu thị trường du lịch, theo hướng bền vững, trách nhiệm, nhấn mạnh trải nghiệm khách hàng theo chiều sâu, chất lượng và "tiêu nhiều tiền" hơn; Phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, nhấn mạnh sự đa dạng và chất lượng gắn với từng phân khúc thị trường; Tăng cường sự liên kết giữa các điểm du lịch, giữa các dịch vụ trong chuỗi, liên kết hợp tác công tư; Thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.

"Rất hy vọng rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, các hiệp hội thì GREAT sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên liên quan trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh khai thác và tiếp cận các hỗ trợ tài chính của chính phủ. Góp tiếng nói trong việc thành lập một cơ chế liên ngành để phản ứng nhanh với khủng hoảng" - ông Vũ Văn Tuấn chia sẻ./.


Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ