(Tổ Quốc) -“Để xóa bỏ hành vi phi thể thao trong bóng đá, cũng như đưa V-League và nền bóng đá nước nhà đi lên thì cần phải có những thay đổi mang tính lâu dài và gốc rễ” – HLV, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận định.
- 18.02.2017 Chuyện CĐV Hải Phòng và những “đặc sản” đáng buồn
- 20.02.2017 Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng: Trận Long An- TP.HCM- cần xử nghiêm hành vi phi văn hóa
- 20.02.2017 Bộ VHTTDL yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc những hành vi phi thể thao của CLB Long An
- 22.02.2017 VFF đưa ra án phạt cầu thủ, CLB Long An sau “trò hề” trên sân Thống Nhất
- 27.02.2017 Kỳ 1: Bảy vòng đấu, hai cuộc “nổi loạn”-Bộ VHTTDL bám sát, quyết liệt chấn chỉnh
- 06.03.2017 Nạn nhận của bạo lực sân cỏ- Anh Khoa treo giày ở tuổi 26: Thêm một hồi chuông cảnh tỉnh
Trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc, chuyên gia bóng đá, HLV Đoàn Minh Xương đã có những nhận đính rất thẳng thắn về tình hình bóng đá Việt Nam sau “scandal” trên sân Thống Nhất cũng như cách để “trị” những hành vi phi thể thao trong bóng đá vốn đang rất nhức nhối hiện nay.
PV: - Với tư cách là một HLV, chuyên gia bóng đá chuyên nghiệp, ông nhận định thế nào về sự cố trên sân Thống Nhất vòng 6 V-League ?
HLV Đoàn Minh Xương: - Hình ảnh cả tập thể CLB Long An, từ Chủ tịch CLB cho đến các cầu thủ đều dừng trận đấu lại không thi đấu để phản đối trọng tài, cho đối phương ghi bàn rõ ràng là hết sức phản cảm. Nó gây ảnh hưởng đến không chỉ danh dự của CLB Long An mà còn làm sụt giảm hình ảnh của đội bóng trong mắt CĐV nước nhà, vì rõ ràng trong lịch sử CLB, Long An là đội bóng được NHM đánh giá rất cao nhờ sự chuyên nghiệp trong cách làm bóng đá. Nhưng cuối cùng trong những giây phút thiếu kiềm chế lại vi phạm vào những quy định và ứng xử rất thiếu chuyên nghiệp.
PV: - Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến “scandal” đáng tiếc này, và hệ lụy của nó đối với Giải đấu cao nhất Quốc gia cũng như bóng đá Việt Nam ?
HLV Đoàn Minh Xương: - Tôi cho rằng những hành vi này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên đến từ công tác điều hành trọng tài.
Rõ ràng vấn đề trọng tài không chỉ “nóng” ở trận Long An mà nó còn là căn bệnh nan y của V-League. Thời gian qua những sai sót của trọng tài đang xảy ra ở mức độ “đều đặn” hơn mỗi vòng đấu và khiến dư luận cũng như các đội bóng rất bức xúc. Gần đây nhất ở trận HAGL – Long An vòng 7, nếu trận đó HAGL thua thì NHM sẽ phản ứng thế nào với 2 tình huống trọng tài bỏ qua quả phạt đền rõ mười mươi của đội bóng phố Núi ?
- Nguyên nhân thứ 2, theo tôi đến từ chính quy chế của V-League và các CLB bóng đá trong việc hướng dẫn, đào tạo cách ứng xử của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp hiện nay đang “rất có vấn đề” !
Trong những năm vừa qua, dù quy chế bóng đá chuyên nghiệp của V-League đã có những sự điều chỉnh bổ sung nhưng quả thực vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh. Các CLB nếu họ muốn làm quen với môi trường bóng đá chuyên nghiệp thì yêu cầu đầu tiên và tiên quyết là họ phải có cách hành xử chuyên nghiệp. Để CLB có cách hành xử chuyên nghiệp thì cầu thủ của họ chắc chắn phải chuyên nghiệp. Đặt ví dụ đối với các CLB bóng đá tầm cỡ ở nước ngoài, để đào tạo ra được một cầu thủ chuyên nghiệp, các nhà làm bóng đá xây dựng hẳn một giáo trình để giảng dạy về cách ứng xử khi anh là cầu thủ chuyên nghiệp.
Nhưng ở Việt Nam điều đó lại không được chú trọng. Những trường hợp như Quế Ngọc Hải đá gẫy chân Anh Khoa Đà Nẵng ở mùa giải V-League 2016, hay hành vi cầu thủ Gomez của CLB Đà Nẵng đánh nguội thô bạo khiến cầu thủ Phùng Văn Nhiên của HP gãy xương ở mùa V-League 2015 cùng vô vàn những hành động bạo lực sân cỏ ở V-League là minh chứng rõ ràng nhất trong việc chưa có sự đào tào, hướng dẫn một cách bài bản về ứng xử và hành vi của một cầu thủ chuyên nghiệp trong một trận đấu.. Dù có thể những hành vi đó là do cầu thủ chưa kiểm soát được cảm xúc tâm lý của mình, chứ chưa chắc đã phải là do mục đích xấu nhưng chính những diễn biến trên sân cộng với việc chưa có sự đào tạo bài bản trong cách ứng xử đã khiến các cầu thủ có những pha vào bóng và thi đấu rất đáng trách.
- Nguyên nhân thứ 3 đến từ những vấn đề mang tính chiến lược, đó chính là nền tảng hệ thống thi đấu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Sau 17 năm tồn tại hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp hiện nay đã có một số vấn đề không còn phù hợp. Chúng ta làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng chúng ta lại vẫn giữ mô hình 14 đội ở hạng chuyên nghiệp. Trong khi đó hạng nhất chỉ có 7 đội, và trong mô hình 14 đội hiện nay thì cũng chỉ có vài đội có khả năng tự chủ được tài chính với những nhà tài trợ mạnh như: FLC Thanh Hóa, Becamex Bình Dương, HAGL, Hà Nội.. Còn lại đa số các CLB đều không thể tự chủ được tài chính. Điều đó là hết sức nguy hiểm vì nó sẽ dẫn đến sự lệ thuộc cùng với việc nhiều đội bóng không thể làm ra tiền. Việc cố bám vào mô hình 14 đội cùng với việc xa rời, không còn phủ sóng xã hội sẽ khiến bóng đá không còn là mục đích để phục vụ đa số tầng lớp NHM mà chỉ tập trung vào lợi ích của một nhóm người.
Chính điều đó nó sẽ dẫn đến những bất cập, từ việc móc ngoặt trận đấu đến việc các đội “top dưới” bằng mọi giá phải trụ hạng. Từ việc lượt đi căng thẳng bao nhiêu thì lượt về trở thành những trận cầu mang tính “tình cảm”. Thậm chí những sai sót của trọng tài có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu, ảnh hưởng lớn đến kết quả trận đấu. Điều đó về lâu về dài sẽ không tạo thành động lực mà chỉ còn là bất cập, nó khiến chúng ta chỉ đang khoác cái áo chuyên nghiệp chứ chưa thực sự chuyên nghiệp.
PV: – Theo ông cần có những thay đổi như thế nào để công tác cũng như sự chuyên nghiệp của trọng tài được cải thiện trong những mùa Giải tiếp theo ?
HLV Đoàn Minh Xương: - Về vấn đề trọng tài, theo tôi cần phải có những thay đổi mang tính hệ thống trong công tác huấn luyện trọng tài, đặc biệt cần phải học hỏi phương thức xét tuyển và đào tạo ông “vua sân cỏ” từ những nền bóng đá phát triển trên thế giới.
Vấn đề bây giờ, với riêng công tác trọng tài, phải làm lại khâu tuyển chọn và đào tạo trọng tài. Tiêu chuẩn đầu tiên để tuyển chọn được trọng tài sẽ cần có thêm tính liêm chính, rõ ràng là đầu vào của mình nó hơi “thoáng”. Ai cũng có thể làm, ai cũng có thể học. Ví dụ như nước ngoài họ tuyển chọn trọng tài rất công khai, họ đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội. Và trước khi được tham dự khóa đào tạo trọng tài thì phải tham dự các buổi phỏng vấn, người ta xây dựng các hệ thống câu hỏi một cách rất hợp lý để đánh giá đạo đức của những người tham gia đào tạo trọng tài. Từ đam mê bóng đá, từ đạo đức nghề nghiệp người ta mới quyết định đào tạo chuyên môn. Thậm chí trong quá trình sử dụng họ cũng thường xuyên theo dõi, đánh giá chuyên môn, đạo đức của anh. Có nghĩa là trọng tài phải phân cấp rõ ràng, minh bạch và khách quan. Còn ở Việt Nam thì vấn đề đào tạo, giám sát, đánh giá còn chưa thực sự minh bạch. Ngay cả xử lý các vi phạm trọng tài cũng chưa thực sự nghiêm khắc.
Huấn luyện viên, chuyên gia bóng đá chuyên nghiệp Đoàn Minh Xương |
PV: - Những hành vi phi thể thao hiện đang tràn lan và là vấn đề rất “nhức nhối” của V-League nói riêng cũng như bóng đá Việt Nam nói chung. Theo ông cần phải có biện pháp nào để “trị” những hành vi này cũng như rèn luyện, đào tạo cách ứng xử của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp?
HLV Đoàn Minh Xương: - Bóng đá Việt Nam cần phải sớm đưa ra một chương trình giáo dục cách ứng xử và hành vi chuyên nghiệp cho các cầu thủ trong quá trình đào tạo, yêu cầu phải trở thành một giáo trình bắt buộc cho các CLB phải thực hiện điều này. Từ đó sẽ giúp các cầu thủ nắm được quy chế và có cách hành xử thích hợp trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
PV: - Ông đã nhắc đến vấn đề thứ 3, vấn đề mang tính nền tảng của hệ thống bóng đá Việt Nam. Vậy với kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm, ông có biện pháp gì để thay đổi, hoàn thiện hơn bộ máy bóng đá chuyên nghiệp hiện nay ?
HLV Đoàn Minh Xương: - Theo tôi với điều kiện Việt Nam hiện nay thì chỉ nên có khoảng 8 đội chuyên nghiệp, vì chúng ta còn phải xét tới mặt bằng các cầu thủ giỏi. Việc lạm dụng quá nhiều ngoại binh khiến chúng ta quên mất thực tế là số lượng cầu thủ nội giỏi của Việt Nam thực sự rất khán hiếm . Vì vậy chúng ta phải có một lộ trình từng bước tuyển chọn ra những đội bóng có năng lực thực sự, không bị lệ thuộc tài chính để thi đấu tại Giải đấu cao nhất Quốc gia. Điều đó chắc chắn sẽ giúp bóng đá Việt Nam đi lên.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải thông qua Tổng cục Thể dục Thể thao, thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những đề xuất thiết thực tới các cấp, ban ngành nhằm hỗ trợ thêm những chính sách và tạo điều kiện cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp phát triển. Ví dụ như các CLB không có sân, cơ sở vật chất thì sẽ được nhà nước hỗ trợ đất đai xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phi xây dựng trung tâm huấn luyện cho bóng đá. Bên cạnh đó vấn đề đào tạo trẻ cũng phải được đặt biệt quan tâm và có những chiến lược “dài hơi”.
Ví dụ như vấn đề đào tạo bóng đá trẻ của Chính phủ Hàn Quốc, Trung Quốc, họ có hẳn một đề cương về xây dựng bóng đá học đường. Mỗi năm quy tụ được hàng nghìn trường, chính điều đó đã giúp họ có một hệ thống cầu thủ nội chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và có cách ứng xử chuyên nghiệp.
PV: - Ông đánh giá thế nào về những tiến bộ của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua ?
HLV Đoàn Minh Xương: - Có thể khẳng định, trong thời gian vừa qua bóng đá Việt Nam đã có một số mặt tiến bộ, nhưng đó chỉ dừng lại ở mức giải pháp nhất thời chứ không mang tính chất chiến lược. Cần phải có quy trình đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp hơn, định hình được lối chơi phù hợp nhất với thể lực, vóc dáng của con người Việt Nam. Đó mới là những điều mang tính chiến lược, tiên quyết để giúp bóng đá Việt Nam sớm loại bỏ được những “scandal” trên sân cỏ, thoát khỏi “vùng trũng” và trở lại với sân chơi bóng đá Châu lục.
PV: - Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc.
Ông Đoàn Minh Xương là huấn luyện viên, chuyên gia bóng đá chuyên nghiệp. Ông đã giúp Đồng Tháp lọt vào tốp 6 đội chính thức lên chuyên nghiệp mùa bóng 1999 – 2000. Mùa bóng 2004, khi Cần Thơ gần như không còn cơ hội ở lại giải hạng nhất, người ta mời thầy Xương về làm HLV và ông đã giúp đội bóng chơi cực kỳ khởi sắc trong giai đoạn 2, để giành chiếc vé ở lại giải hạng nhất. Tháng 9/2005 ông đến Bình Dương và giúp đội bóng này giành chức vô địch BTV Cup 2005. Tháng 11/2006 ông nhận lệnh biệt phái làm việc ở đội Quân khu 7 trước khi giúp "đối tác lâu dài" của Trường II là Quân khu 7 trở lại giải hạng nhất 2008. Hiện ông là giảng viên của trường Đại Học Sư Phạm Thể dục Thể thao Trung ương 2.
Đỗ Bảo – Đăng Huy