• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nạn nhận của bạo lực sân cỏ- Anh Khoa treo giày ở tuổi 26: Thêm một hồi chuông cảnh tỉnh

Thể thao 06/03/2017 14:59

(Tổ Quốc) -Giã từ sự nghiệp khi chỉ mới bước sang tuổi 26, giấc mơ sân cỏ đã chính thức khép lại với tiền đạo SHB Đà Nẵng Anh Khoa. Nỗi đau của anh đã “gióng” lên một hồi chuông cảnh tỉnh muộn màng về tình trạng bóng đá bạo lực đang diễn ra ở Việt Nam.

Cú vào bóng kinh hoàng của Quế Ngọc Hải “dành” cho Anh Khoa ở vòng 25 V-League 2015 đã khiến tiền vệ SHB Đà Nẵng bị một loạt chấn thương khủng khiếp bao gồm tổn thương nặng dây chằng chéo trước, chéo sau, chéo trong bị đứt và rách; rách và vỡ sụn chêm; tổn thương gối trái. Sau đó anh phải sang Singapore phẫu thuật còn Quế Ngọc Hải bị VFF phạt đền bù toàn bộ kinh phí chữa trị cho đối thủ, đồng thời nhận án kỷ luật cấm thi đấu sáu tháng tại các giải thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam..

Mặc dù ban đầu Anh Khoa dự kiến chỉ xa rời bóng đá một năm, nhưng sau gần 2 năm chưa trị, chống chọi với chấn thương, mọi thứ gần như đã khép lại với tiền vệ trẻ của SHB Đà Nẵng. Người ta chỉ có thể thấy gương mặt ủ rũ của hậu vệ sinh năm 1991 khi anh gượng gạo nói một câu xã giao: “Tôi không trách Quế Ngọc Hải”. Thì cũng phải thôi, trách móc đâu có mở lại được cánh cửa tương lai đã đóng sập bởi một cú tắc kinh hoàng.

Trường hợp đầy đau xót của Anh Khoa là một hồi chuông cảnh tình muộn màng, dù không chỉ là lần đầu đối với tình trạng bạo lực sân cỏ của bóng đá Việt Nam. Dường như đó đã trở thành “đặc sản” ở sân chơi V-League, còn nhớ V-League 2015 ngoài chấn thương của Anh Khoa, người ta còn nhớ đến hành vi cầu thủ Gomez của CLB Đà Nẵng đánh nguội thô bạo khiến cầu thủ Phùng Văn Nhiên của Hải Phòng gãy xương. Gần cuối mùa giải 2016 còn chứng kiến một hình ảnh rùng rợn khi hậu vệ Tuấn Tú (Quảng Ninh) tung hết quyền cước nhắm đến Văn Học (Đà Nẵng). Án treo giò 3 trận và 15 triệu tiền phạt được cho là quá nhẹ so với mức độ ác ý của pha bóng đó.

Và ngay vòng 2 V-League 2017 mới đây thôi, đội trưởng Omar (Thanh Hoá) đã có chuỗi hành vi vô cùng phản cảm, anh liên tiếp tấn công cầu thủ đội bạn, cao chân đầy thô bạo khiến Nhật Nam (Khánh Hoà) nằm sân, để phải nhận thẻ vàng. Sau đó, anh lại đánh vào mặt Văn Vũ của Khánh Hoà, lúc cầu thủ của 2 bên lao vào nhau, để nhận tiếp thẻ đỏ khác. Rồi chưa dừng lại tại đây, trên đường rời sân do bị truất quyền thi đấu, Omar có hành vi xúc phạm khán giả chủ nhà, không chỉ một mà đến hai lần.

Căn bệnh nan y của bóng đá Việt Nam mang tên bạo lực sân cỏ

Ai đời là cầu thủ lại đi xúc phạm khán giả, những người trực tiếp nuôi sống bóng đá bằng tình yêu, và cả bằng túi tiền của họ nữa. Thử hỏi cầu thủ sẽ ra sao nếu không có khán giả? Bóng đá sẽ ra sao nếu thiếu người xem? – thế nhưng Omar lại chọn cách xúc phạm người xem. Điều đó đã báo động cho tình trạng thiếu fairplay trầm trọng đang diễn ra ở sân chơi cao nhất của bóng đá Quốc gia.

Thực tế thì việc cầu thủ phạm lỗi hay không phạm lỗi, phạm lỗi ở mức độ nào là điều khó mà giấu được người xem, với công nghệ băng ghi hình và với sự bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng như bây giờ. Thành ra, chuyện phạt hay không phạt chỉ là vấn đề thời gian và sau các án phạt liên tiếp được công bố vừa qua, có thể thấy Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có những hình thức xử phạt mạnh tay đối với những hành vi phi thể thao trong bóng đá. VFF hy vọng rằng với những án phạt “khủng” thì các cầu thủ sẽ bớt thô bạo với các đồng nghiệp của mình, dần từ bỏ thói quen đá “dữ” một cách không cần thiết.

Nhưng khi án phạt vẫn không làm những hành vi bạo lực sân cỏ có chiều hướng suy giảm, thì có nghĩa đó chỉ là hành động mang tính giải quyết nhất thời, cái cần nhất vẫn sự đào tạo, hướng dẫn tác phong thi đấu chuyên nghiệp một cách bài bản để ngăn chặn những “cái đầu nóng” luôn chờ trực bùng nổ trên sân. Như chuyên gia Đoàn Minh Xương đã nhận định: “Có thể lý giải những hành vi đó là do cầu thủ chưa kiểm soát được cảm xúc tâm lý của mình, chứ chưa chắc đã phải là do mục đích xấu nhưng chính những diễn biến trên sân cộng với việc chưa có sự đào tạo bài bản trong cách ứng xử đã khiến các cầu thủ có những pha vào bóng và thi đấu rất đáng trách.”

Người đứng đầu ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã bày tỏ thái độ và những chỉ đạo quyết liệt để không còn hiện tượng đá bóng phản cảm, bạo lực khiến hình ảnh bóng đá Việt Nam trở nên xấu xí./.

Kể từ khi chấn thương, Anh Khoa đã gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Tiền lương nhận được từ CLB Đà Nẵng chỉ đủ trang trải tiền thuốc. Nhưng rất may anh đã được Chủ tịch đội bóng sông Hàn cùng các thành viên BHL hỗ trợ nhiệt tình, bản thân bầu Đức cũng hỗ trợ một khoản tiền trị giá 400 triệu cho tiền vệ này điều trị chấn thương. Về phía tiền vệ đội bóng sông Hàn anh đã đăng ký khóa học HLV bóng đá chứng chỉ C do Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC tổ chức, sau đó anh sẽ được SHB Đà Nẵng đưa về làm ở đội trẻ. Khóa học này sẽ bắt đầu từ ngày 7/3 và kết thúc vào ngày 19/3 tới. Nhưng có lẽ kế hoạch này nhiều khả năng bị hoãn lại, do Anh Khoa chưa ở thể trạng tốt nhất và vẫn cần phải điều trị thêm.

Đỗ Bảo – Đăng Huy

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ