• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ 3: TGĐ VPF Cao Văn Chóng: “Xử phạt chỉ là một trong nhiều giải pháp trị hành vi phi thể thao”

Thể thao 10/03/2017 06:47

(Tổ Quốc) -Trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Cao Văn Chóng đã chia sẻ về những thay đổi trong mùa giải nhằm ngăn chặn các hành vi phi thể thao.

PV: Thưa ông, trong cuộc họp cuối năm 2016, Ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đưa ra dự thảo tăng mức xử phạt với các hành vi phi thể thao, phi văn hóa trong bóng đá. Đến thời điểm hiện tại dự thảo đó đã được triển khai như thế nào ?

Ông Cao Văn Chóng: Theo chủ trương chung của ngành, các hành vi liên quan đến vấn đề văn hóa như phản ứng, thi đấu thô bạo sẽ bị Ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam xử phạt nghiêm khắc. Ban kỷ luật của Liên đoàn cũng đã hoàn thiện bộ quy chế về kỷ luật để áp dụng cho mùa bóng 2017.

Hiện tại sau 8 vòng đấu của V-League 2017 , bộ quy chế mới đã được triển khai nghiêm chỉnh và bước đầu phát huy hiệu quả. Trong đó BTC cũng đã áp dụng một số quy định xử phạt mới nhằm thay đổi cho phù hợp, hoàn chỉnh hơn so với các quy định trước đây. Trong đó có những hình thức xử phạt, kỷ luật vượt khung, điển hình là hành vi phi thể thao của các cầu thủ và Ban lãnh đạo (BLĐ) Long An trên sân Thống Nhất, tiếp theo đó là những hành vi cư xử thái quá của cổ động viên (CĐV) Hải Phòng trên sân Lạch Tray. Những quy định này do Ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam chấp bút, Ban tổ chức Giải cũng như các ban, ngành liên quan dựa vào những quy định đó để vận hành Giải đấu một cách chuyên nghiệp hơn.

Ông Cao Văn Chóng (phía trái ảnh) đang theo dõi một trận bóng đá tại sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: Hải Đăng



PV: V-League đã trải qua 8 vòng đấu, có thể thấy rất nhiều vấn đề đã xảy ra, từ công tác trọng tài đến hành vi phi thể thao của cầu thủ cũng như BLĐ đội bóng. Vậy theo ông mức xử phạt đó có phù hợp ?

Ông Cao Văn Chóng: Chế tài xử phạt chỉ là một trong nhiều giải pháp, để chất lượng cầu thủ cũng như Giải đấu chuyên nghiệp hơn đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Thứ nhất bên cạnh nỗ lực của BTC Giải, cũng cần sự cố gắng của lãnh đạo các đội bóng, các CLB địa phương cũng như của BTC sân. Từ khâu đơn giản nhất như in vé, phát hành vé đến hoàn thiện cơ sở vật chất - đào tạo, chất lượng sân bãi phục vụ người hâm mộ đều phải được hoàn thiện.

Việc áp dụng mạnh chế tài xử phạt là một giải pháp nhưng chỉ là áp dụng cho những hành vi nổi cộm. Lấy ví dụ như trong vòng 6 vừa rồi trường hợp CĐV Hải Phòng phản ứng thái quá khiến sân Lạch Tray bị phạt cấm khán giả là một vụ việc nghiêm trọng buộc phải áp dụng chế tài xử phạt.

Bên cạnh chế tài xử phạt cũng cần phải có nhiều giải pháp khác mang tính lâu dài hơn, đặc biệt là sự tham gia của nhiều đơn vị, nhiều cơ quan, ban, ngành. Từ CLB, Hội CĐV đến các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức người hâm mộ cũng như sự chuyên nghiệp của các cầu thủ. Chỉ khi những yếu tố như vậy được đảm bảo mới cấu thành một Giải đấu hoàn chỉnh và chuyên nghiệp. Còn nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào việc đúng - sai xử phạt thì sẽ không thể cấu thành được một Giải đấu chuyên nghiệp.

PV: Với vai trò là Ban tổ chức Giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam, VPF đã có những kế hoạch, thay đổi như thế nào để giúp Giải đấu hoàn thiện và phát triển hơn trong tương lai?

Ông Cao Văn Chóng: Sau mỗi mùa bóng VPF đều có những buổi họp để trao đổi, rút kinh nghiệm, đồng thời cử các đoàn đi khảo sát, kiểm tra các đơn vị, các địa phương, từ đó truyền tải những dự thảo, quy định mới, những vấn đề về luật bóng đá để BHL các CLB có thể cập nhật. Trước Giải đấu BTC cũng gửi các thông tin, điều luật mới đến BLĐ các đội bóng.

Trọng tài giám sát cũng được VPF đặc biệt chú trọng và tổ chức tập huấn, các buổi tập huấn đầu giải, giữa giải… các giám sát, trọng tài sẽ có các đợt kiểm tra thể lực nghiêm túc, nếu những trọng tài không đạt yêu cầu sẽ bị loại, hoặc đang bắt từ giải cao nhất V-League, xuống thổi hạng nhất..

Điều đó có nghĩa tất cả các thành phần tham gia trong công tác tổ chức Giải đấu đều được tạo điều kiện tối đa để nắm bắt đầy đủ thông tin, quy định mới. Từ đó với tư cách là BTC Giải, VPF sẽ kết nối, phối hợp với các Sở, các Bộ, Ban ngành Thể thao, các CLB.. để thay đổi, hoàn thiện Giải đấu cao nhất Quốc gia.

PV: Trong thời gian vừa qua một bộ phận dư luận cho rằng lượng khán giả đến sân qua các vòng đấu của V-League đang có dấu hiệu giảm sút. Điều đó có phải bắt nguồn từ tính chuyên nghiệp của Giải đấu bị suy giảm ?

Ông Cao Văn Chóng: Có thể khẳng định trong 1-2 vòng đấu vừa qua lượng khán giả đến sân đã có chiều hướng tăng lên, ví dụ như sân Hòa Xuân, Pleiku đều đạt con số gần 11.000 CĐV, sân Thanh Hóa và sân Vinh đều có lượng CĐV đến sân khá đông đạt trung bình 6.284 lượt CĐV/ trận. Tất nhiên điều đó chưa đạt kì vọng của BTC nhưng cũng cho thấy công tác tổ chức, điều hành đang có chiều hướng khả quan, các CLB đang có những chiến lược “dài hơi” để kéo CĐV trên sân. Ví dụ như trong thời gian vừa qua CLB Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên để hút khán giả, họ có trang fanpage chuyên nghiệp, công tác tổ chức được hoàn thiện cũng như đang cải thiện lại các vấn đề về sân bãi. Công tác phát hành vé, xây dựng hình ảnh cũng được làm bài bản, chuyên nghiệp cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm để giúp người hâm mộ được thoải mái, thư giãn..

Ví dụ thứ hai như sân Hòa Xuân, mặc dù là sân mới, lại nằm ở ngoại ô thành phố nhưng lượng khán giả đến sân sau những vòng đầu tiên rất ấn tượng. Điều đó cho thấy phương pháp điều hành của BTC sân, thái độ thi đấu cống hiến và chuyên nghiệp của cầu thủ sẽ là chất xúc tác rất tốt để kéo người hâm mộ đến sân. Mong muốn của VPF là làm sao tất cả các CLB tham gia Giải đấu, CLB nào cũng chuyên nghiệp, cũng thu hút được người hâm mộ thì Giải đấu mới phát triển và bền vững.

PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Tổ Quốc!

Lý giải về việc tại sao hành vi phi thể thao trong bóng đá lại cao hơn các môn khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng, cho biết: "Nguyên nhân của việc này là do đặc thù của bóng đá đó là môn thể thao đối kháng, đồng thời số lượng các trận đấu bóng đá chuyên nghiệp cũng ngày một tăng nhanh chính vì vậy việc va chạm quyết liệt giữa các cầu thủ là điều khó tránh khỏi". Nguyên nhân sâu xa nữa là chúng ta vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ văn hóa, đạo đức cho các cầu thủ ngay từ lúc còn trẻ. Trong khi đó, vấn đề ứng xử trên sân cỏ đòi hỏi phải được rèn luyện, quan tâm của không chỉ những nhà đào tạo thể thao mà cần cả sự vào cuộc từ nhiều phía.                                                                                                                  



Theo ông Thắng, sắp tới ngành Thể thao Việt Nam sẽ có những thay đổi nhất định để góp phần chuyên nghiệp hóa đối với đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên. Trước mắt, ngành Thể dục Thể thao Việt Nam đang tập trung soạn thảo để trình Quốc hội thông qua Luật Thể dục thể thao sửa đổi, bổ sung trong thời gian sớm nhất.



Thế Công

Đỗ Bảo – Đăng Huy

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ