(Tổ Quốc) - Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài, đội chi phí lên cao…
Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch - Ảnh minh họa - Báo Đấu thầu
Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước.
Đây cũng chính là vấn mà người dân, xã hội luôn quan tâm. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách là : thứ nhất kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; và thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.
"Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao; việc tách bạch chi đầu tư-thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế-kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...", ông Hưng nhấn mạnh.
Về cơ cấu lại chi Ngân sách Nhà nước, (NSNN) thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26-27% (mục tiêu là 25-26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách nghèo đa chiều, ASXH, đảm bảo an ninh - quốc phòng,...
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong khi đó các nội dung này thời gian qua thực hiện có tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; từ đó, hạn chế việc thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại NSNN theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội. /.