• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026

Thời sự 12/10/2021 20:46

(Tổ Quốc) - Chiều nay (12/10), tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội nghị được kết nối đến 63 điểm cầu trên khắp cả nước.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị.

Dự Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt cùng dự hội nghị.

Đời sống văn hóa của công nhân, người lao động không ngừng được nâng lên

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, với nhận thức xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức, công nhân lao động (CCVCCNLĐ) là một bộ phận quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTTDL đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong CCVCCNLĐ, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, để xây dựng đời sống văn hóa trong CCVCCNLĐ và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các chủ thể với các giải pháp đồng bộ, liên tục và lâu dài. Từ đó, ông bày tỏ tin tưởng, tại hội nghị này, các đại biểu sẽ cùng nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, xác định các nhiệm vụ, giải pháp và khẳng định quyết tâm phối hợp triển khai hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tập luyện thể dục thể thao trong CCVCCNLĐ thời gian tới.

Báo cáo kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTTDL giai đoạn 2016-2021 do ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày nêu rõ, sau 5 năm triển khai thực hiện, hai bên đã phối hợp triển khai công tác xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai thực hiện, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết khen thưởng các lĩnh vực về xây dựng đời sống văn hóa trong CCVCNLĐ.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CCVCCNLĐ từng bước được chính quyền địa phương, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư quy hoạch, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng phần nào đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của một bộ phận CCVCNLĐ.

Nếp sống văn hóa, tác phong công nghiệp, ứng xử thân thiện, môi trường làm việc văn minh, lịch sự trong CCVCNLĐ dần được cải thiện. Nhiều thói quen tích cực, hành vi văn hóa được hình thành. Công tác đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở về công tác xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng. Các tài liệu tuyên truyền về lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa trong CCVCNLĐ bước đầu được hình thành.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, năm 2020, lần đầu tiên Tổng Liên đoàn tổ chức cuộc thi " Sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ" trong CCVCCNLĐ với 2.454 tác phẩm dự thi, thu hút được 8.281.369 lượt người theo dõi, tham gia xem và bình chọn cho tác phẩm yêu thích. Cuộc thi là cơ hội để CCVCCNLĐ cùng nhau luyện tập, nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, mang lại niềm vui cho NLĐ, làm phong phú thêm các hoạt động cộng đồng.

Cùng với đó, phong trào "Xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa" tạo chuyển biến mạnh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Tính đến hết năm 2020, có 2.157/8.313 (đạt 26 %) doanh nghiệp được nhận danh hiệu "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" theo quy định của Bộ VHTTDL.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trình bày dự thảo về Chương trình phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2021-2026.

Cũng theo báo cáo này, tính đến hết năm 2020, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (Trung tâm văn hoá, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Thông tin Triển lãm...); 700 quận, huyện có Trung, tâm Văn hoá - Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 96,5%; 7.945 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá - Thể thao, đạt tỷ lệ 74,5 %; 78.273 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà Văn hoá.

Bên cạnh với những kết quả đạt được, quá trình triển khai chương trình phối hợp giữa hai bên vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Công tác đầu tư đất đai, nguồn lực cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động của nhiều địa phương còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng và tạo điều kiện về thời gian, nguồn lực để công nhân lao động thụ hưởng các giá trị văn hóa; hình thức tổ chức hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân khu công nghiệp chưa đổi mới, hấp dẫn đoàn viên người lao động…

Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã trình bày dự thảo về Chương trình phối hợp Về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao của CCVCCCNLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2026 với 6 nội dung phối hợp.

Mục tiêu của chương trình phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về xây dựng nếp sống văn minh; tổ chức hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của CCVCCNLĐ…

Cụ thể hóa chương trình phối hợp bằng các "con số biết nói"

Chúc mừng những kết quả phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thời gian qua, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, hội nghị lần này là cơ hội để lắng nghe thêm nhiều ý kiến từ thực tiễn để có thêm thông tin phục vụ việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 4.

Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những kết quả phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong thời gian qua.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng bày tỏ nhất trí cao với 6 nội dung mà Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, tin tưởng việc triển khai thực hiện tốt 6 nội dung từ Trung ương đến địa phương thì chắc chắn sẽ "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu", xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao nhằm nâng cao thể lực và sức khỏe tinh thần cho công nhân và người lao động.

Qua đó, góp phần thực hiện các định hướng lớn của Đảng đã được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đó là: Phát triển con người toàn diện và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước…

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua hội nghị hôm nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số vấn đề như: Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lực lượng công nhân lao động trở lại làm việc an toàn, có thu nhập; Cần có nghiên cứu tổng thể để có căn cứ khoa học, thực tiễn, chính sách phù hợp để khi quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần đề cập đến việc đầu tư đúng mức cho các thiết chế văn hóa, thể thao…

Sau bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có bài phát biểu nhằm đánh giá tổng quát lại các kết quả đạt được cũng như phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giữa hai ngành thời gian qua, từ đó đề xuất một số cách làm nhằm thực hiện hiệu quả nội dung phối hợp trong giai đoạn 2021-2026 mà hai bên ký kết tại hội nghị này.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các ý kiến tham luận tại hội nghị đều bày tỏ thống nhất cao về nhận định, trong bối cảnh khó khăn thách thức, đan xen nhưng với sự nỗ lực cao, quyết liệt hành động, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, công đoàn, ngành VHTTDL, công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong 5 năm qua đạt nhiều hiệu quả toàn diện, thiết thực.

Trong đó có 3 điểm sáng là, từ quá trình thực hiện chương trình phối hợp, cả hai bên đã phát hiện nhiều vấn đề nhằm hoàn hiện thể chế chính sách giúp 2 ngành triển khai toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Nhìn lại 5 năm qua, cả 2 ngành đã kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng của Đảng về công nhân, công đoàn cũng như của ngành VHTTDL. Từ những chủ trương đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, quyết định mang tính cá biệt.

"Việc chọn ngày 10/11 hằng năm làm ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là minh chứng sống động trong việc Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho công đoàn, Bộ VHTTDL triển khai các nội dung đã làm" - Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Điểm sáng thứ hai mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là, trong xây dựng đời sống văn hóa đã đúng trọng tâm, trọng điểm. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới như vấn đề xây dựng gia đình công nhân viên chức, người lao động ấm no, hạnh phúc; công nhân thực hiện việc cưới, việc tang; phong trào liên hoan tiếng hát công nhân…

"Thống kê cho thấy, trước sự phát triển của giai cấp công nhân, người lao động cũng đặt ra vấn đề đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, nâng cao đời sống. Thời gian qua, Tổ chức công đoàn đã thể hiện được vai trò trong vấn đề này. Ngành Văn hóa cũng đã phối hợp hiệu quả đã tạo ra các thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp để công nhân có điều kiện hưởng thụ" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao kỷ niệm chương cho các cá nhân của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Điểm sáng tiếp theo đó là làm tốt sự lãnh đạo về mặt chính trị, nhất quán tư tưởng văn hóa thực sự nền tảng tinh thần, động lực phát triển. Minh chứng cho việc này được thể hiện qua các đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát thời gian qua, những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách lại được phát huy, lan rộng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức công đoàn đã thể hiện được vai trò là "ngôi nhà chung" cho công nhân lao động.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những điểm sáng nêu trên đã khẳng định chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam là đúng hướng, kết quả mang lại tích cực. Qua đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa nói chung và công nhân nói riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách thẳng thắn thì những kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn đặt ra nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp hiện nay.

"Quá trình tổ chức thực hiện, có lúc, có nơi, có đơn vị vẫn chưa nhận thức đầy đủ, một số hoạt động còn mang tính phong trào, thiếu đi sự tổng kết. Bên cạnh đó, dù còn nhiều cố gắng nhưng nguồn lực đầu tư cho xây dựng thiết chế văn hóa vẫn chưa được cải thiện…" - Bộ trưởng bày tỏ trăn trở.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Đình Khang tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân đang công tác trong ngành VHTTDL.

Về chương trình phối hợp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây chỉ là chương trình khung, có tính chất nêu vấn đề, cơ chế, nguyên tắc phối hợp, còn nhiệm vụ cụ thể phải được bổ sung hàng năm đề phù hợp hơn với yêu cầu đặt ra.

Nhấn mạnh thông điệp "Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau" và "Nhìn lại để tiến xa hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị cả hai bên giao đơn vị đầu mối để cụ thể hóa chương trình khung bằng kế hoạch cụ thể trong năm 2022 có sản phẩm, dễ nhớ, dễ làm, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng miền, từng khu công nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm.

"Phải có con số biết nói, có bao nhiêu thiết chế văn hóa ở tại các khu công nghiệp, và khi có thiết chế văn hóa thì phải linh hoạt về mô hình, quán lý tinh gọn. Mỗi năm chúng ta phấn đầu tăng lên về chỉ tiêu, với cách làm đó thì trong năm năm tới, chúng ta sẽ có bức tranh với nhiều gam màu sáng hơn" - Bộ trưởng yêu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát, nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cho giai cấp công nhân thì phải nhất quán phát triển theo tinh thần an toàn, linh hoạt, không cứng nhắc để đề xuất các hoạt động trong phạm vi vừa đảm bảo được dịch bệnh, vừa lan tỏa rộng rãi.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2021-2026 - Ảnh 8.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2026.

Bộ trưởng đề nghị, để thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp, các lãnh đạo Sở VHTTDL và Liên đoàn lao động các địa phương cần quyết liệt hơn trong hành động, trước mắt cần cụ thể hóa chương trình phối hợp của Trung ương để đưa ra chương trình phối hợp tại địa phương một cách phù hợp.

Trước khi kết thúc hội nghị, lãnh đạo Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chính thức ký kết Chương trình phối hợp Về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao của CCVCCCNLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2026.

Thế Công - Ảnh: Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ