(Cinet)- Trong vô vàn các yếu tố tạo nên phong cách và trí tuệ Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến phong cách ham đọc sách báo của Người.
(Cinet)- Trong vô vàn các yếu tố tạo nên phong cách và trí tuệ Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến phong cách ham đọc sách báo của Người.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, Bác Hồ đã được cha truyền dạy lòng trân trọng và ham mê đọc sách. Ngay từ thuở thiếu thời Bác luôn ghi nhớ lời cha dạy bảo: “Học phải có sách” và “việc đọc sách là đáng quí lắm ...ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói nhịn khát”.[1]
(Ảnh tư liệu). |
Là một nhà nho chân chính, hơn ai hết cụ Nguyễn Sinh Sắc đã hiểu và thực hiện được câu nói của người xưa:
“Dưỡng tử giáo độc thư
Thư trung hữu kim ngọc”.
Nghĩa là: Nuôi con phải biết dạy con đọc sách vì trong sách có vàng ngọc.
Phải chăng chính sự giáo dưỡng ấy đã nuôi lớn tâm hồn Hồ Chí Minh, khiến sách báo trở thành người bạn đường thân thuộc của Người trong suốt cuộc đời. Với Bác, “Sách là thuốc bổ tinh thần” , “Sách là thuốc chữa tội ngu” và “Độc thư bất vong cứu quốc , Cứu quốc bất vong độc thư” (Đọc sách không quên cứu nước và Cứu nước không quên đọc sách).
Như bao người sinh trưởng trong các gia đình gia giáo, tuổi thơ của Hồ Chủ tịch đã gắn liền với việc học hành và sách vở. Mặc dù là con nhà quan đã từng đỗ phó bảng nhưng tuổi thơ của Bác không được êm đềm trôi đi trong nhung lụa giàu sang. Mười một tuổi, Bác đã mồ côi mẹ. Cha lại bận việc triền miên, Bác đã chọn sách vở là người bạn tâm giao. Người đã rất say mê đọc các cuốn tiểu thuyết lịch sử của Trung quốc và các tác phẩm văn học cổ điển của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu... Những tác phẩm ấy đã nhen nhóm lên trong tâm hồn của cậu bé Nguyễn Sinh Côn lòng yêu nước và ý thức được nỗi đắng cay của người dân bị mất nước. Thêm vào đó là những nỗi khổ đau mất mát trong cuộc sống gia đình nên cậu bé Côn đã sớm già dặn trước tuổi.
Một lần, cậu bé Côn đã tình cờ đọc được một cuốn sách của Jăng Jắc Rutxô. Người đã thực sự xúc động trước những lời kêu gọi hãy đấu tranh cho tự do, bình đẳng bác ái và tình anh em. Niềm xúc động thiêng liêng ấy đã theo Người trong suốt cuộc đời. Về sau đã có lần Người kể lại: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng đều được coi là người Pháp. Thế là tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.
Và cậu bé 13 tuổi ấy đã tìm đến nền văn minh Pháp và nền văn minh của nhân loại thông qua những trang sách.
Không chỉ dừng lại ở tuổi thơ, sách báo đã trở thành người bạn đường tri kỷ trong suốt cuộc đời của Hồ Chủ tịch. Với mong muốn được học cao hiểu rộng, chàng thanh niên 17 tuổi Nguyễn Tất Thành đã vào học tại trường Quốc học Huế. Tại ngôi trường này, hàng ngày nhìn hàng khẩu hiệu treo trên tường: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, Người càng cảm thấy bị thôi thúc phải tìm ra ý nghĩa sâu sa của những ngôn từ ấy. Và thế là Người đã say mê tìm đọc các sách về lịch sử thế giới, đặc biệt là những sách viết về cuộc cách mạng tư sản Pháp. Ngoài ra, Người còn bỏ công tìm kiếm các tác phẩm của các nhà văn, nhà triết học Pháp thời khai sáng như Vonte, Môngteskiơ, Rutxô... Đọc“Luận về nguồn gốc những cơ sở của bất bình đẳng giữa người với người” của Rutxô, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã hiểu được nguồn gốc của sự bất bình đẳng và qua đó cũng nhận thức thêm được một điều: con người đã sinh ra sự bất bình đẳng thì cũng có khả năng xoá bỏ nó.
Do tham gia vào cuộc biểu tình chống thuế ở kinh đô Huế, Tất Đạt (anh trai của Bác) và Tất Thành đều có tên trong sổ đen của mật thám Pháp. Không thể tiếp tục học, Người đã vào Phan Thiết để dạy học. Trường Dục Thanh là một trường tư tiến bộ nhất ở miền Trung nước ta thời đó. Trường được dạy theo kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục coi trọng chữ quốc ngữ bên cạnh việc dạy chữ Hán, tiếng Pháp. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được phân công dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ cho học sinh lớp nhì. Không chỉ đơn thuần trao truyền kiến thức cho các học sinh qua các bài giảng, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn luôn khích lệ, động viên học sinh biết say mê đọc sách. Thầy đã góp tiền xây dựng và vận động học sinh góp sách thêm cho thư viện. Lòng say mê đọc sách của thầy đã được truyền sang học sinh trường Dục Thanh thưở ấy.
Cũng trong thời gian làm thầy giáo này, Bác đã dành nhiều thời gian để đọc sách. Trong số nhiều sách Bác đọc, cuốn “Nhật Bản tam thập niên duy tân sử” và một cuốn tiểu thuyết về một thanh niên Nhật có thể kiếm ăn được nhờ chu du nhiều nước phương Tây đã để lại cho Bác nhiều ấn tượng.
Không thể bình tâm làm nghề dạy học trong cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết ra đi tìm đường cứu nước. Người đã không chọn Nhật Bản là điểm đến như các bậc tiền bối mà chọn các nước phương Tây. Theo Chu Ngọc Huyến trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đưa cho Người tập bài viết cụ tự soạn với tựa đề “Nhị vị tập”, trong đó có câu: “Thư giả quốc tri hồng nguyên giã” (nghĩa là: người đọc sách có thể tìm ra một chân trời mới tốt đẹp cho đất nước) [2]. Cũng từ lời dặn ấy, suốt đời Người đã không ngừng quan tâm đến việc đọc để có thể tìm ra con đường đi cho dân tộc.
Đọc lại “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” chúng ta như được chứng kiến các quãng đời đầy gian lao vất vả nhưng cũng đầy vinh quang và hào hùng của Bác. Qua đó, chúng ta cũng thấy hiển hiện sự đam mê của Người đối với sách báo. Để có được cơ hội ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác đã chấp nhận làm nghề phụ bếp. Phải làm việc cực nhọc vất vả từ bốn giờ sáng đến chín giờ tối nhưng hễ xong việc là Người lại đọc và viết cho đến nửa đêm. Trên chuyến tàu vòng quanh Châu Phi, dù vất vả bởi bao công việc nhưng “sau những giờ làm việc, anh Ba viết và đọc sách”. Sang Anh, mặc dù phải vật lộn để kiếm sống với những công việc nhọc nhằn như: cào tuyết, đốt lò và phục vụ trong tiệm ăn để kiếm sống nhưng Người vẫn luôn giành thời gian cho việc đọc. Hình ảnh một chàng thanh niên gầy gò, tay cầm một quyển sách và một cái bút chì (hình ảnh của Bác Hồ thời đó) thường xuất hiện vào lúc sáng sớm hay buổi chiều tà tại vườn hoa Hayđơ đã trở nên quen thuộc với mọi người qua những trang viết của tác giả Trần Dân Tiên. Qua “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” chúng ta được sống lại thời gian Người ở Pháp từ 1919 đến 1923 “Thường thường ông chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền còn buổi chiều đi đến thư viện”.[3]
Trong thời kỳ ở Pắc Bó, thời gian chiến tranh ác liệt, Bác luôn mang sách báo bên mình. Ông Cao Hồng Lĩnh, một người có điều kiện làm việc gần Bác thời ở Pắc bó đã kể lại: Sáng sáng bên cạnh việc tập thể dục, Bác thường rất chăm đọc sách. Thói quen và niềm say mê đọc sách báo không bao giờ thay đổi. Trần Đương qua “Bác Hồ như chúng tôi đã biết” đã ghi lại lời tâm sự của Bác với bà Johanna Grothewohl, vợ ông Otto Grothewohl - Chủ tịch Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức: “Tôi có rất ít thì giờ rỗi nhưng nếu có thì đọc sách, tưới rau và trồng cây”. Không chỉ thời trai trẻ mà ngay cả khi tuổi cao, làm Chủ tịch nước bộn bề bao công việc, Người vẫn giữ thói quen đọc sách báo. Các chiến sĩ cảnh vệ nhớ lại những ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội: “Giờ đây công việc nhiều, Bác hay làm việc khuya, Bác dùng thì giờ ban đêm để đọc sách, xem tài liệu”. Nhiều hôm bận việc Người đã đọc sách xem báo đến hai giờ sáng.
Đối với Hồ Chủ tịch, đọc sách báo nhiều khi cũng là một sự nghỉ ngơi, thư giãn tích cực. Và Người luôn cảm thấy vui nếu có thể có thời gian để làm được điều đó. Trong “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch” do chính Bác Hồ viết với bút danh Đ. H đã ghi lại lịch trình và các công việc Người đã làm trong thời gian ở Pháp suốt bốn tháng năm 1946. Chấm phá trong vô vàn các công việc là cảnh Bác ngồi đọc sách. Ngày 29 tháng 7 năm 1946, ngày đầu tiên ở Pháp Người được rảnh rỗi được nghỉ ngơi không phải tiếp ai, thăm ai, Người đã làm công việc yêu thích của mình “kéo ghế ra vườn và đọc sách báo”. Và cường độ đọc của Người thật đáng khâm phục. Cũng trong “Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch”, chúng ta được biết: “Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo. Báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần, báo ngoại quốc. Báo có gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem. Hôm nào nhiều khách thì cụ thường thức xem đến hai giờ sáng”.
Theo những người ở gần Bác kể lại trong “Bác Hồ với Văn nghệ sĩ” vào thời gian cuối đời, do mệt nặng không xuống cơ sở được, “Người lại đọc nhiều xem nhiều hơn. Người thường đọc sách đến khi đài tiếng nói Việt Nam chấm dứt buổi phát thanh cuối cùng”.[4]
Sinh thời Người đã từng phê phán rất thẳng thắn những cán bộ của ta không chịu giành thời gian đọc sách, đọc báo. Trong bài “Cần phải xem báo Đảng” Người đã phê phán “ Có những đồng chí mượn cớ bận việc hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười. Đó là một khuyết điểm to cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc có bận thế nào nếu biết sắp xếp thì sẽ có thì giờ xem báo. Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí khác trong trung ương cũng bận không kém nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo”. [5]
Lòng yêu sách báo của Hồ Chủ tịch đã vang vọng tới khắp xa gần, thậm chí cả những người cách xa chúng ta hàng vạn dặm. Thật xúc động khi chúng ta đọc lại hồi ký của Phrenxơ Đalem, Uỷ viên trung ương Đảng xã hội thống nhất Đức (Cộng hoà dân chủ Đức trước đây): “Tôi sung sướng được biếu Người một món quà. Đó là tủ sách riêng của tôi bao gồm những tác phẩm lớn về văn hoá cổ điển và hiện đại, những tác phẩm về lịch sử Đức và một số tuyển tập Mác, Ăngghen và Lênin bằng tiếng Đức... Tôi cũng biết Hồ Chủ tịch rất yêu quí sách”.[6]
Hồ Chủ tịch là một vị lãnh tụ, một người đứng đầu nhà nước nhưng Người sống rất mực giản dị. Cuộc đời Người là của nước non còn gia sản của Người chẳng có gì đáng giá ngoài sách vở. Đọc lại “Chúng ta có Bác Hồ” chúng ta càng hiểu rõ điều đó. Tác giả đã kể lại: “nếu tìm cái gì quý trong chỗ ở và nơi làm việc của Bác...tôi chỉ thấy một tủ sách đựng những cuốn sách của các nước hay bè bạn nước ngoài tặng Bác mà thôi.”
Theo con số thống kê của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, tủ sách của Người có khoảng 900 cuốn. Trong đó riêng tủ sách tại nhà sàn trước khi Bác mất có 226 cuốn và 47 báo, tạp chí. Đó chính là gia sản quí giá nhất của một vị lãnh tụ thiên tài, của một con người vĩ đại, cả cuộc đời vì nước vì dân.
Trong “Hồ Chí Minh toàn tập” tập 5 đã ghi lại một ý nguyện giản dị của Bác: “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn, ngoạn thuỷ, đọc sách, làm vườn.”
Đã hơn bốn chục năm rồi kể từ ngày Bác đi xa, quyển sách “Kháng chiến chống Nguyên - Mông” Người đang xem dở vẫn còn đặt trên bàn như nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ xa rời việc đọc.
Nhà sử học người Nga Bextugiep - Riumin đã từng đưa ra một nhận định rất xác đáng: “Khi xem xét kỹ cuộc đời của những người xuất chúng bạn sẽ thấy việc tự đọc có một ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của từng người ấy”. Nghiên cứu và tìm hiểu về cuộc đời của Bác chúng ta có thêm một minh chứng hùng hồn cho luận điểm đó. Với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta cảm ơn Bác Hồ, Người đã suốt đời không ngừng đọc, Người đã biết chắt lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại, kế thừa các học thuyết tư tưởng lỗi lạc của thời đại qua sách báo để dẫn dắt và đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bờ độc lập, cập bến vinh quang và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.
Sắp đến kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác, nhiều hoạt động đã và đang diễn ra khắp cả nước. Nhớ Bác, chúng ta sẽ tiếp tục học và làm theo tấm gương của Người. Có bao điều để học. Viết bài này, chúng tôi thầm mong và nhắc nhở mỗi người trong chúng ta: từ cuộc đời và những lời chỉ dạy của Bác, hãy quan tâm hơn nữa đến việc đọc, tự nhen nhóm trong mình một tình yêu đọc sách. Đọc sách, để không ngừng mở mang trí tuệ, đồng thời cũng giúp chúng ta không bị tụt lại phía sau, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống không ngừng thay đổi như hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Sơn Tùng. Búp sen xanh.- H.: Kim Đồng, 1982
2. Chu Ngọc Huyến. Bác Hồ thời học trò thông minh. Huế: Nxb Thuận Hóa, 2005
3. Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch .- H.: Chính trị quốc gia, Thanh niên, 1994
4. Bác Hồ với văn nghệ sĩ: Hồi ký.-H.: Văn học, 1995.- tr. 358
5. Hồ Chí Minh toàn tập.- Tập 8.- H.: Chính trị quốc gia, 2011.- tr. 514
6. Trần Đương. Bác Hồ như chúng tôi đã biết.- H.: Thanh niên, 1985
Vũ Dương Thúy Ngà-Vụ trưởng Vụ thư viện