• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống: Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng

Văn hoá 15/03/2023 21:50

(Tổ Quốc) - Chiều ngày 15/3/2023, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Đến dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Cùng dự buổi lễ có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

Tham dự buổi lễ còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; các Hội chuyên ngành và đông đảo các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023): Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh trước thềm lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết, cách đây tròn 70 năm, ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập "Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam", đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam ngày nay. Có thể nói rằng ngày 15/3/1953 là một mốc son của Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam để nhiếp ảnh phát triển mạnh theo định hướng của Chính phủ, còn thực chất nhiếp ảnh cách mạng ra đời sớm hơn nhiều.

Tháng 11/1949 Hội nghị đầu tiên của các nhà nhiếp ảnh tại chiến khu Việt Bắc thành lập Đoàn Nhiếp ảnh kháng chiến. Năm 1950 Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập Phòng Điện ảnh Nhiếp ảnh.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023): Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Vào thời điểm ta đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhận rõ tầm quan trọng của nhiếp ảnh và điện ảnh trong công tác tuyên truyền phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL nhằm đưa ngành nhiếp ảnh và điện ảnh thiết thực phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đồng thời nó cũng khẳng định những đóng góp của nhiếp ảnh cách mạng từ tháng Tám năm 1945 tới thời điểm đó. Với đặc thù của nhiếp ảnh là nhạy cảm với những vấn đề thời sự, nhiếp ảnh đã tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng. Nhiếp ảnh đã góp phần động viên, cổ vũ người dân tham gia vào việc đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Khi đất nước thống nhất, nhiếp ảnh tiếp tục nhiệm vụ này để lại những hình ảnh mang tính văn hóa tiêu biểu cho lịch sử. Đó là tài sản vô giá cho hậu thế.

Thực hiện sứ mệnh đó Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đang tích cực đổi mới, tiếp cận gần công chúng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của Nhân dân. Việc hàng chục nhà nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh là minh chứng tốt đẹp cho những thành tựu của nhiếp ảnh trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng tích cực mở các cuộc thi ảnh khu vực, quốc gia, quốc tế, cũng như khuyến khích hội viên tham gia vào các cuộc thi ảnh quốc tế mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút công chúng của nhiếp ảnh, giúp Nhân dân ta hiểu biết hơn về thế giới. Nhiếp ảnh đã sử dụng lợi thế của mình là ghi chép trực tiếp mang tính tài liệu tham gia vào mặt trận đấu tranh tuyên truyền và giáo dục văn hóa cho Nhân dân.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023): Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng - Ảnh 3.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm

"Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ống kính của các nhà nhiếp ảnh đã để lại một pho sử bằng ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới đi lên của đất nước. Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường và thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc'- bà Trần Thị Thu Đông nhận định.

Hàng chục tác giả đã được trao tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật lĩnh vực nhiếp ảnh. Hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã được trao giải thưởng cao tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò của Nhiếp ảnh trong đời sống tinh thần của Nhân dân, đồng thời xác lập vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đến nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có hơn 1.000 hội viên ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là lực lượng nòng cốt trong sáng tác, triển lãm, quảng bá hình ảnh Việt Nam cho công chúng trong nước và ra thế giới.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023): Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông phát biểu tại lễ kỷ niệm

Cũng theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, l Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trọng thể, ôn lại chặng đường vẻ vang của Nhiếp ảnh, tri ân các thế hệ những nhà nhiếp ảnh đi trước đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam. Đồng thời nhìn nhận đánh giá lại chặng đường và những bước tiến dài vượt bậc khi mà vị thế của nền nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Mặc dù còn những bất cập, nhưng chặng đường nhiếp ảnh Việt Nam đã đi qua rất đáng tự hào. Đây cũng là dịp để đúc kết kinh nghiệm, giúp nhà quản lý, những người hoạt động nhiếp ảnh sáng tạo hơn nữa. Nhiếp ảnh đã, đang và sẽ góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước ngày càng phát triển "Vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời chúc mừng và cảm ơn đến các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh đã luôn bám sát đời sống, song hành với những sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc suốt 70 năm qua. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, di sản nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam sống mãi với non sông, lay động hàng triệu trái tim công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023): Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng - Ảnh 5.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm

"Ống kính của các nhà nhiếp ảnh đã để lại một pho sử bằng ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới đi lên của đất nước. Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường và thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Nhân dịp này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng gửi lời tri ân đến các gia đình của các liệt sĩ nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên ảnh đã anh dũng hy sinh trong công cuộc chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc; cảm ơn những đóng góp của các thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam.

Trưởng Ban Tuyên giáo bày tỏ tin tưởng, tiếp nối truyền thống 70 năm qua, ngành Nhiếp ảnh Việt Nam, mà nòng cốt là Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với lực lượng hơn 1.000 hội viên, cùng hàng trăm nhà báo, phóng viên ảnh hoạt động trong các cơ quan báo chí truyền thông, hàng ngàn người yêu ảnh đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ nhiếp ảnh trên cả nước, sẽ là động lực thúc đẩy nhiếp ảnh tiếp tục có những bước tiến mới, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33- NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, phát huy truyền thống 70 năm nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, củng cố phong trào, xây dựng Hội theo hướng tích cực, hiệu quả, chuyên nghiệp. Hội cần phát huy tốt vai trò của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp để định hướng sáng tác cho hội viên, nhiếp ảnh phải đi sâu, đi sát với đời sống, phản ánh trung thực cuộc sống của nhân dân trong lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023): Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng - Ảnh 6.

Trưng bày một số tác phẩm nhiếp ảnh tại Lễ kỷ niệm

"Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị Chân - Thiện - Mỹ, góp phần làm phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tiếp tục phản ánh chân thực, sâu rộng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bám sát các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Thời gian tới, Hội cần có chương trình hành động cụ thể tập trung thực hiện nghiêm túc kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, coi đây là một cơ hội, một nhiệm vụ chính trị, một định hướng của sự phát triển chuyên ngành mình"- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng tất cả tài năng và trách nhiệm của mình.

Tại lễ kỷ niệm này Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tôn vinh các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng lập, nghệ sĩ nhiếp ảnh tiền bối, nghệ sĩ nhiếp ảnh trên 40 tuổi hội, các nhà nhiếp ảnh tham gia 2 cuộc kháng chiến, những tài năng nghệ thuật, những người có cống hiến đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam; đồng thời cũng tổ chức khen thưởng những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã và đang tích cực hoạt động vì sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam./.

Hồng Hà - ảnh Thu Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ