(Tổ Quốc) -Dự hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 chiều 15/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quán triệt tinh thần kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi đại học. Các trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp là trách nhiệm với toàn xã hội.
- 13.06.2018 TP.HCM công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2018-2019
- 13.06.2018 Ngày 23/6 Hà Nội sẽ công bố sẽ điểm thi tuyển sinh vào lớp 10
- 14.06.2018 Tổng đài 1080 tra cứu điểm thi vào lớp 10 tại Hà Nội
- 15.06.2018 Quy định mới về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
- 15.06.2018 Hỗ trợ nơi ăn, chốn ở, chi phí cho thí sinh vùng khó khăn dự thi THPT quốc gia 2018
Với việc Thủ tướng không phải ra một chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điều đó thể hiện qua 3 năm thực hiện đổi mới, kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và theo hướng ngày càng nhẹ nhàng với xã hội, với phụ huynh, với học sinh nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn. Xã hội đã có lòng tin đối với ngành giáo dục.
Cán bộ, giảng viên không chỉ phối hợp mà còn giám sát địa phương
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 có 925.792 em. Trong đó xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em, tổng số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) là 688.466 em, tăng hơn 48.000 so với năm 2017. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.
Năm nay có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm 37% (năm 2017 là 38 %); 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48% (năm 2017 là 43%); 36.016 thí sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp, chiếm 4% (năm 2017 là 7%). Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần bài thi tổ hợp.
Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia 2018 được giữ ổn định như năm 2017 và có một số vi chỉnh về mặt kỹ thuật. Bộ GD&ĐT đã điều động các trường đại học, cao đẳng phối hợp với địa phương tổ chức thi ở các khâu: In sao đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo... Dự kiến có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia phục vụ kỳ thi.
Tại hội nghị, đại diện các trường ĐH, CĐ đã đặt các câu hỏi hết sức chi tiết liên quan đến hướng dẫn thực hiện quy chế thi, xét tuyển ĐH, CĐ, tập huấn, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ coi thi. Các ý kiến đánh giá cao những cải tiến, điều chỉnh trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Yêu cầu tuân thủ nghiêm túc, đúng, đầy đủ hướng dẫn thực hiện quy chế thi được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh. Công tác chuẩn bị kỳ thi càng thuận lợi thì càng phải cẩn thận, không được chủ quan để xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị thời gian tới các trường ĐH, CĐ chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức thi, cử đủ cán bộ, giảng viên về coi thi tại các địa phương; tổ chức phổ biến kĩ, nghiêm túc quy chế, tập huấn nghiệp vụ coi thi; phối hợp với các địa phương kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất...
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các trường ĐH, CĐ quán triệt quan điểm kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi ĐH. Vì thế tất cả các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH. Sự tham gia của các trường ĐH, CĐ vào việc tổ chức kỳ thi không chỉ cần thiết, liên quan tới chất lượng đầu vào của chính các trường ĐH mà còn là trách nhiệm xã hội.
“Chúng ta phải tăng vai trò tham gia của các trường ĐH, CĐ không dừng lại ở khâu phối hợp. Mỗi cán bộ, giảng viên được coi như cán bộ của Trung ương cử xuống địa phương để giám sát việc tổ chức kỳ thi. Kỳ thi tổ chức khách quan, trung thực sẽ là cơ sở để các trường ĐH, CĐ được giao quyền tự chủ ngày càng cao, làm tham khảo, phục vụ công tác tuyển sinh”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu lãnh đạo Bộ GD&ĐT căn cứ vào các chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ những năm trước đây để sát sao cùng với địa phương tổ chức thật tốt kỳ thi năm nay.
“Tổ chức kỳ thi không chỉ là việc của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, từ các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, an toàn đến những tấm gương tình nguyện giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong những ngày thi. Qua đó không chỉ giúp các thí sinh có được một kỳ thi tốt mà những hành động rất cao đẹp, cảm động cũng giúp nhân lên giá trị, đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống”, Phó Thủ tướng nói.
Cho tự chủ tuyển sinh nhưng siết hậu kiểm
Về công tác chuẩn bị xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết có 381 đơn vị tham gia xét tuyển với 449.559 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm 2017. Hệ thống đăng ký tuyển sinh sơ bộ ghi nhận 2,75 triệu nguyện vọng; tỉ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu đạt 6,04; 89,51% số nguyện vọng tập trung vào 5 tổ hợp tuyển sinh truyền thống, còn lại 400 tổ hợp với 10,49% nguyện vọng.
Năm nay việc xét tuyển ĐH, CĐ có 2 điểm mới nổi bật là các trường tự xác định điểm sàn, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, ngay tại hội nghị, nhiều trường ĐH cho biết dù được nới lỏng như vậy nhưng các trường sẽ không tuyển sinh bằng mọi giá bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng đến uy tín lâu dài nếu tuyển nhiều mà chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng.
“Những trường đã kiểm định được tự xác định chỉ tiêu còn các trường chưa được kiểm định thì tự xác định chỉ tiêu nhưng không vượt quá so với chỉ tiêu các năm trước”, bà Phụng lưu ý.
Đại diện các trường đề nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố phổ điểm, mở cổng thông tin tuyển sinh… để các trường chủ động xác định sớm điểm sàn xét tuyển. Đáng chú ý, nhiều trường mong muốn Bộ GD&ĐT đẩy mạnh việc công bố chỉ tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng như thước đo chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh các trường ĐH phải hết sức coi trọng công tác dự báo, cơ cấu nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, mở ngành đào tạo, tránh tình trạng “đưa chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không vào”. Các trường cần chú trọng điều kiện chất lượng đào tạo, chấp nhận tuyển sinh ít trong một vài năm để củng cố cơ sở vật chất bảo đảm tăng chỉ tiêu bền vững trong tương lai.
Hiện có 60% các trường tham gia xét tuyển theo nhóm, nhờ đó đã giúp “lọc ảo” hiệu quả. Vì vậy, các trường nên nghiên cứu, tham gia tích cực. Bên cạnh đó, năm nay Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm sau khi các trường công bố đề án tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Nói thêm về việc xử lý “ảo” trong tuyển sinh ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là trách nhiệm của các trường. Học sinh, phụ huynh muốn mọi sự công khai, minh bạch. Học sinh có quyền đăng ký vào rất nhiều trường và khi đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều trường thì các em có quyền chọn một trường mà mình thích. Các trường phải coi việc này là bình thường và thuộc trách nhiệm giải quyết của mình, không nên đẩy ra xã hội.
Theo VGP