(Tổ Quốc) - Sau tiếng nổ "ầm" vang cả một vùng, con nước lũ dữ dằn khoét sâu tận đáy ngôi làng nằm bên bờ biển Thuận An (Thừa Thiên Huế). Khi đó, không ai có thể nghĩ, đã có một cửa biển mới vừa được mở ra, một ngôi làng dường như bị xóa sổ.
Ký ức kinh hoàng
Nhiều năm nay, cứ đến dịp cuối tháng 9 âm lịch, ngoài làm giỗ cho người thân ở nhà, bà Trần Thị Hường (48 tuổi) cùng người dân làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại ra bờ biển, làm một mâm cơm nhỏ, thắp nén hương vọng về biển cho những người bị mất trong trận lũ năm 1999. Đã 20 năm trôi qua, bà Hường và người dân làng Rồng vẫn không thể nào quên ký ức đau thương khi trận lũ lịch sử đã cuốn trôi nhà cửa và nhiều người ra biển.
Thắp nén hương lên bàn thờ cho người thân, bà Hường nghẹn ngào kể về trận lũ năm nào. Theo bà Hường, 20 năm về trước, gia đình bà và các hộ dân làng Rồng đều là dân của làng Hải Thành, ngôi làng chài hiền hòa nằm bên biển Thuận An. Từ trưa 2/11/1999, nước lũ bắt đầu đổ về, đến chiều thì cả làng Hải Thành đã ngập trong nước.
Thời điểm đó, ngôi nhà của ông Cựu (cha của bà Hường) nằm giữa làng là một trong những ngôi nhà kiên cố nhất. Nghĩ nước lũ không thể nào ngập đến nên gia đình ông Cựu quyết định ở lại. Con cái, cháu chắt ông Cựu đều di tản hết về đây tránh trú. Trong đó, có vợ và 3 đứa con nhỏ của ông Trần Văn Thu (anh trai bà Hường). Riêng bà Hường lúc đó vừa lấy chồng nên ra ở riêng, cũng kịp di tản cùng nhà chồng lên chỗ cao hơn.
Sau đêm 2/11/1999, ngôi làng Hải Thành trở nên tan tác khi bị lũ dữ cuốn trôi ra biển.
"Tối 2/11, sau khi đưa vợ con về nhà ông bà nội yên vị, anh Thu chèo ghe về nhà mình dọn dẹp đồ đạc, nhưng khi quay lại thì nước đã lên quá lớn không thể đi được nữa. Nước chảy xiết, ghe lật, anh Thu bị thương và bị nước lũ cuốn trôi. May sao lúc đó bám được vào một sợi dây điện nên được mọi người cứu đưa về Đồn Biên phòng", bà Hường nhớ lại.
Đêm đó, càng về khuya, con nước càng lên nhanh và chảy xiết. Lũ từ thượng nguồn dồn về, nước từ ngoài biển tràn vô. Đây là điều mà người dân sống ở vùng biển này xưa nay chưa từng thấy. Nhiều hộ dân trong khu vực nguy hiểm dáo dác chạy tìm nơi trú ẩn.
Khoảng 12 giờ đêm, một tiếng nổ "ầm" lớn vang cả một vùng khiến mọi người giật mình kinh hãi. Không ai có thể nghĩ, lũ vừa mở một cửa biển mới rộng gần cả cây số, sâu hơn 10m. Chỉ trong chốc lát, con nước lũ dữ dằn đã khoét sâu tận đáy, xé toạc cả ngôi làng chài.
Làng chài Hải Thành trở thành một cửa biển mới mênh mang sau lũ kinh hoàng.
Trong bóng tối, người ta nghe thấy những tiếng kêu cứu thất thanh từ làng Hải Thành giữa biển nước rồi dần tắt lịm. Thay vào đó chỉ còn những tiếng sóng vỗ ầm ập. Mọi công tác ứng cứu là bất khả thi trước sự tàn phá quá khủng khiếp của thiên nhiên. 64 ngôi nhà bị cuốn trôi ra biển, 21 người chết, trong đó có đến 12 người là người thân của bà Hường.
"Thấy nước ào ào cuộn chảy ra phía biển lần lượt cuốn trôi nhà cửa, tui như chết đứng. Nghĩ thôi rứa là hết rồi, cả nhà bị lũ cuốn rồi. Nước lớn quá, không ai có thể làm được gì", bà Hường bùi ngùi kể lại.
"Tôi còn sống là nhờ may mắn..."
"Tôi vẫn còn sống đến hôm nay là nhờ vào may mắn", Thiếu tá Nguyễn Xuân Cường (Hải đội 2 Biên phòng Thừa Thiên Huế) mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi nhắc lại trận lũ 1999.
Chứng kiến sự kinh hoàng của trận lũ năm đó, ngoài người dân thôn Hải Thành còn có lực lượng cứu hộ của Hải đội 2 Biên phòng. Được xem "trở về từ cõi chết", Thiếu tá Cường khi ấy tuổi đời mới đôi mươi vẫn nhớ như in từng chi tiết.
Thiếu tá Cường kể lại, trước thời điểm dãi cồn cát ven biển bị lũ xé toạc, trong đêm 2/11, 2 tàu của Hải đội 2 Biên phòng được lệnh xuất kích vượt dòng nước lớn lao về những tiếng kêu cứu của người dân bị mắc kẹt tại làng Hải Thành để cứu người.
Thế nhưng, khi còn chưa tiếp cận được với khu vực người dân gặp nạn, một tàu của Hải đội 2 đã bị núi nước khổng lồ trút xuống kèm với với sóng lớn đánh dạt ra xa bờ, mất kiểm soát. Thời điểm này cũng khớp với thời gian dãi cồn cát ven biển bị lũ xé toạc. Trên tàu lúc ấy ngoài máy trưởng Nguyễn Xuân Cường còn có bốn chiến sĩ khác.
Giữa sóng biển trập trùng, cầm cự, vật lộn từ nửa đêm thì đến gần 5 giờ sáng 3/11, con tàu bắt đầu chìm. Cả năm chiến sĩ mặc thêm áo phao, thống nhất rời tàu. Quyết định rời tàu khi đó không khác đánh "canh bạc sinh tử", xác định nếu còn sống thì chỉ có nhờ vào may mắn. Ngoài kia trời tối đen như mực, mưa vẫn không ngừng trút, sóng dữ dồn dập vỗ như chực nuốt 5 con người vào lòng biển cả.
"Rời tàu chỉ ít phút thì năm anh em chúng tôi đã bị sóng đánh dạt mỗi người một hướng. Tôi nhiều lần bị sóng đánh vùi trong cát rồi đẩy ngược lên trên mặt biển. Đến hơn 7 giờ sáng thì trôi dạt vào bờ và được người dân cứu. Lúc đấy trên người không còn lấy mảnh vải, chỉ còn 2 miếng phao đã nát kẹp dưới nách", Thiếu tá Cường hồi tưởng lại.
Vào được đến bờ, Thiếu tá Nguyễn Xuân Cường nhờ người dân đi dọc bờ biển tìm cứu đồng đội. Thêm 2 chiến sĩ khác được cứu sống sau đó. Nhưng Trung úy Phạm Văn Điền và Binh nhất Lê Đình Tư đã mãi nằm lại với biển. Làng Hải Thành sau một đêm mưa lũ kinh hoàng trở nên tan tác, ngoài một vài căn nhà, cây dương còn sót lại nằm loi thoi bên mép nước là một cửa biển mênh mang.
Về sau này, một am thờ được người dân dựng lên bên bờ biển để tưởng nhớ đến sự hy sinh của hai chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên trận tuyến chống thiên tai, vì nhân dân quên mình. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7 và ngày 24/9 âm lịch, nhân dân trong vùng và Hải đội 2 vẫn tổ chức ngày giỗ, nhớ về sự hy sinh này.
Năm 1999, lũ lớn gây ra sự kiện bất thường chưa từng ghi nhận trong lịch sử. Lần đầu tiên ở vùng ven biển Thừa Thiên Huế, có 6 cửa biển cùng một lúc thông đầm phá Tam Giang tại: Hải Dương (Hương Trà), Thuận An (Phú Vang), Vinh Hải, Tư Hiền, Lộc Thủy (Phú Lộc), đặc biệt là cửa biển Hòa Duân (Phú Vang).
Đêm ngày 2, rạng sáng ngày 3/11/1999, cơn lũ khủng khiếp phá vỡ dãi cồn cát khu vực Eo Bầu, mở ra cửa biển Hòa Duân rộng đến 700m, sâu 8-12m, làm trôi sập 64 ngôi nhà, 21 người chết. Sự cố mở cửa biển Hòa Duân đã cắt đứt, làm cô lập hàng trăm người dân sống trên dãi cát ven biển thuộc hai huyện Phú Vang và Phú Lộc. Khu vực này như trên một ốc đảo, thời điểm bấy giờ không có con đường tiếp viện nào ngoại trừ đường thủy trong tình cảnh nước cao, gió lớn, sóng dữ, tàu thuyền khó tiếp cận.
Sau sự cố mở cửa biển, nhân dân Hải Thành được di dời tái định cư tại làng Rồng cách Hòa Duân chừng 100m. "Làng Rồng" là cái tên được Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đích thân đặt nhằm ghi nhớ về trận lũ lịch sử 1999 và việc lâp làng mới năm 2000 (Canh Thìn, năm con Rồng).
Tháng 8/2000, gần một năm sau lũ, cửa biển Hòa Duân được tiến hành hàn khẩu, hợp long. Sau khi ngăn đập, cát biển đã bồi lấp, rừng dương liễu mọc lên biến vùng cửa biển trở thành bãi tắm. Khu vực 64 ngôi nhà bị cuốn trôi trong trận lũ năm nào giờ là bãi biển du lịch thu hút du khách.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế
Kỳ cuối: Hồi sinh từ bùn lầy