• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ký ức của người tham gia phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân

Thời sự 21/08/2021 16:18

(Tổ Quốc) - Nạn đói năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh ông Trần Văn Nội cùng nhiều anh em trong đội xung phong đã vùng lên phá kho thóc Nhật cứu dân.

Ký ức của người tham gia phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Nội từng tham gia phá kho thóc Nhật cứu đói tại đình làng Mọc.

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng, PGS.TS Trần Văn Nội – nguyên Trưởng khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội I (sinh năm 1926, phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) vẫn không thể quên những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945. Thời điểm đó, ông đã cùng với dân làng dưới sự lãnh đạo của Việt Minh vùng lên phá kho thóc Nhật, lấy lương thực chia cho dân nghèo.

Ông Trần Văn Nội cho biết, do vị trí địa lý thuận lợi, đường xá rộng thoáng, địa phương lại có đình to nên quân đội Nhật đã chọn đình làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính) là nơi tập kết "thuế thóc" vơ vét được của nhân dân vùng ngoại thành.

"Bao nhiêu thóc gạo bà con trồng được đều bị quân Nhật tận thu, ruộng đất thì bị ép trồng đay và thầu dầu khiến ai nấy đều rất căm phẫn" - ông Trần Văn Nội nhớ lại.

Do quân đội Nhật vơ vét hết lúa gạo nên giữa năm 1944 đến năm 1945, người dân địa phương ở đây rất khốn khổ, người chết đói la liệt ở khắp các ngả đường. Làng Mọc là vùng chiêm trũng nên cũng chẳng khá hơn là bao. Nhân dân rất phẫn uất, chỉ chờ vào chỉ thị cấp trên là có thể vùng lên được ngay.

Ông Trần Văn Nội cho biết, trước bối cảnh đó, ông đã tình nguyện tham gia đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu và là người trực tiếp cùng với nhân dân làng Mọc nổi dậy phá kho thóc Nhật cứu đói.

Trước đêm phá kho thóc Nhật, ông Trần Văn Nội cùng các anh em trong đội xung phong nhận nhiệm vụ canh gác các ngả đường dẫn vào đình. Một nhóm thì canh gác cẩn mật ở nhà lý trưởng.

"Nếu có quân lính từ Pháo Đài Láng di chuyển về viện trợ, chúng tôi sẽ lập tức thông tin cho nhân dân để tránh thiệt hại về người" - ông Trần Văn Nội kể.

Nhớ lại cái đêm 11/7/1945, ông cùng các anh em vùng lên phá kho thóc, ông Trần Văn Nội kể, chỉ trong chốc lát, kho thóc mà quân đội Nhật tập kết tại nhà chứa trong đình đã hết nhẵn, toàn bộ thóc lúa được chia đều cho người dân nghèo, người lao động cùng khổ.

"Đêm hôm đó, các đội viên đều tỏa ra các ngõ ngách trong làng đi hô hào, vận động bà con, nhưng không dám nói là đi phá kho thóc sợ kích động nhân dân" - nguyên Trưởng khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội I nhớ lại.

Khi cả kho thóc vừa mới lật mở, bà con thấy vậy ùa vào trong niềm phấn khởi, dưới sự bảo vệ cẩn mật của đoàn Tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội.

"Đó là đêm duy nhất sau những ngày tháng dài đằng đẵng ảm đạm, đau khổ, ông thấy trên gương mặt ai cũng phấn khởi, rạng rỡ" - ông Trần Văn Nội kể lại.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội" tập 1 (giai đoạn 1926-1945) xuất bản năm 2012 có ghi rõ: "Gây tiếng vang lớn trong nhân dân nhất là cuộc phá kho thóc ở đình Mọc Quan Nhân vào đêm 11/7/1945. Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã phối hợp với Đội Tự vệ xung phong ngoại thành tổ chức và huy động hàng nghìn nông dân, dân nghèo đến nghe diễn thuyết rồi phá kho thóc của Nhật ở đình làng... Vài hôm sau, có một tên sĩ quan Nhật đến nhòm ngó cái kho trống rỗng rồi lặng lẽ bỏ đi".

Trong chiến thắng vang dội đó có một kỷ niệm khiến ông Trần Văn Nội mãi mãi không bao giờ quên, đó chính là nhiệm vụ chính trị cần có cờ đỏ sao vàng. Trong ngày nhân dân phá kho thóc Nhật cứu đói thành công không biết làm cách nào kiếm ra lá cờ vì hồi ấy vải vóc chẳng tràn lan như bây giờ.

Thời điểm đó, mọi người bất chợt nhìn thấy ở gần đình làng có một ngôi đền thờ trong đó có một tấm vải đỏ. Ông Nội và đồng đội đã xin tấm vải đó để làm cờ, còn sao vàng thì dùng tấm vải màn trắng nhuộm với nghệ.

Ông Trần Văn Nội cho biết, lá cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa hết sức to lớn vì từ đó khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Có như thế thì cuộc chiến mới thành công, đất nước mới bình yên như bây giờ.

Bảo Trân - Đông Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ