(Toquoc)-Đã 40 năm trôi qua, cựu pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động.
(Toquoc)-Đã 40 năm trôi qua, song mỗi khi nhắc tới giây phút lịch sử xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975, cựu pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động.
Trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, có một hình ảnh đã đi vào lịch sử dân tộc, đó là xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập vào 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, đánh dấu giây phút chiến thắng của quân đội Việt Nam trước chính quyền Sài Gòn và báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh và 21 năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Trải qua 40 năm, giờ đây vị cựu chiến binh Ngô Sỹ Nguyên – cựu Pháo thủ số 1 trên chiếc xe tăng 390 vẫn bồi hồi khi nhắc lại những ký ức không thể nào quên trong ngày 30/4/1975.
May mắn khi được chứng kiến giây phút lịch sử của dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Ngô Sỹ Nguyên khao khát được nhập ngũ, cầm súng đánh giặc, song đơn xin nhập ngũ của anh đã bị loại vì anh chỉ nặng 40kg, không đủ tiêu chuẩn. Nhưng với quyết tâm được góp một phần công sức vào công cuộc giải phóng đất nước, cuối cùng Ngô Sỹ Nguyên đã được thỏa ước vọng. Sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, Ngô Sỹ Nguyên với tài bắn súng xuất sắc đã được chọn vào lính Tăng thiết giáp. Tháng 12/1971, chàng thanh niên Ngô Sỹ Nguyên đã chính thức gắn bó với chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2.
Trải qua nhiều trận chiến ác liệt, nhưng với khát vọng hòa bình, giải phóng đất nước, những người lính vẫn vững tay súng trên chiếc xe tăng 390 tiến về làm chủ Sài Gòn. Và chính xe tăng 390 đã trở thành biểu tượng sức mạnh và chiến thắng của dân tộc Việt Nam khi trở thành chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập vào 10h45p ngày 30/4/1975, mở đường cho quân giải phóng tràn vào khống chế nội các Sài Gòn.
Cựu pháo thủ - Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên (Bên phải)
Kể về những ngày chiến đấu cận kề thời điểm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên chia sẻ, sau khi giải phóng Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh được phát động, ông và đồng đội đã tiến về Sài Gòn với tinh thần phơi phới sức trẻ, không quản ngại hy sinh, gian khổ. Thời điểm đó, chỉ có tinh thần yêu nước và mong muốn lập công dâng Đảng là hiện hữu trong tâm trí của các chiến sĩ trẻ. “Trên đường hành quân, đơn vị chúng tôi và các quân binh chủng khác đều viết lên mũ lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Chúng tôi đều cảm thấy vô cùng háo hức, phấn khởi khi được tham gia vào chiến dịch lớn mang tên Bác và tham gia trận đánh lớn thống nhất đất nước”.
Nhớ lại thời khắc lịch sử xông vào Dinh Độc lập, vị cựu pháo thủ nhớ lại: “Thời điểm tiến đến cổng Dinh, xe tăng 843 bất ngờ rẽ trái, sau đó dừng lại ngoài cổng phụ. Thấy vậy, lái xe tăng -Trung sỹ Nguyễn Văn Tập hỏi Trung úy Vũ Đăng Toàn (chính trị viên đại đội): “Bây giờ, xe ta phải làm thế nào?”. Đồng chí chính trị viên đại đội quả quyết: “Cứ tông thẳng cổng vào đi!”. Lập tức, lái xe Nguyễn Văn Tập nhấn ga, xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập tiến vào. Bấy giờ, đại đội trưởng Bùi Quang Thuận đã nhảy xuống xe từ ngoài cổng chạy vào, sau đó cắm cờ chiến thắng lên trên cột cờ cao nhất Dinh Độc lập. Khi đã đứng ở giữa sân Dinh Độc Lập rồi mà tôi vẫn ngỡ ngàng, không biết là thực hay mơ. Trong giây phút ấy, những đồng đội đã cùng kề vai sát cánh đã ôm lấy nhau khóc vì xúc động” – ông Ngô Sỹ Nguyên bồi hồi nhớ lại.
Luôn nêu cao tinh thần của một người lính
Đất nước thống nhất, song sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước một lần nữa lại bị xâm phạm, năm 1978, Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên lại cùng đồng đội 390 tiếp tục chiến đấu tại chiến trường Campuchia và sau đó tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Hết cuộc chiến này tới cuộc chiến khác, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên đã có 10 năm gắn bó với xe tăng 390.
Đất nước hòa bình, Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên trở về cuộc sống đời thường, gắn liền với nỗi lo thường nhật. Với ông, chiến tranh là những ký ức rất sâu sắc về đồng đội, về những năm tháng hào hùng thời trai trẻ.
Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên trên xe tăng 390 (Ảnh tư liệu: Internet)
Khi được hỏi về sự kiện xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập, ông lại bình thản: “Đối với những người lính chúng tôi, khi được tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, đấy là niềm tự hào và nghĩa vụ thiêng liêng. Xe tăng 390 hay 843 vào Dinh Độc lập đầu tiên không quan trọng. Bởi vì tất cả đều là chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam và đất nước đã được thống nhất. Để có Đại thắng mùa xuân năm 1975 và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Dinh Độc Lập, đã có biết bao đồng bào đồng chí hy sinh, đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống trên các chiến trường”.
Rời quân ngũ, tháng 1/1982, Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên được nhận nhiệm vụ mới về làm nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Phà Đen (Cảng Hà Nội ngày nay) và sau đó lập gia đình riêng. Năm 1992, ông thôi công tác tại Cảng Phà Đen. Để mưu sinh, cựu pháo thủ ngày nào đã không quản ngại vất vả mua xe ba bánh về lái xe chở hàng, sau này ông còn gắn bó với xe lam, xe gát 69 và cuối cùng là làm nhân viên lái xe buýt cho Xí nghiệp xe buýt 10/10. Tháng 7/2012, ông về nghỉ hưu sau chặng đường dài cống hiến cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Tuy cuộc sống của một cựu chiến binh còn nhiều vất vả, song vị cựu pháo thủ trên xe tăng 390 vẫn luôn lạc quan: “Mỗi chúng ta sinh ra trên đời đều có may mắn riêng. Tôi thấy mình đã được lịch sử ưu ái khi được tham gia và chứng kiến giây phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm rằng mình là người lính cũng giống như bao người lính khác đã chiến đấu, hy sinh, đóng góp công sức cho đất nước. Trở về với cuộc sống hiện tại, tôi luộn dặn mình càng phải nêu cao tinh thần của người chiến sĩ, không làm những việc xấu, không quản ngại vất vả, thử thách và luôn đi đầu ủng hộ các phong trào đoàn thể, công tác xã hội để làm gương cho thế hệ trẻ.”./.
Hoàng Hà