(Tổ Quốc) - Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh.
- 06.12.2023 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng về công nghiệp văn hóa"
- 01.12.2023 Sắp diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
- 30.11.2023 Rà soát công tác tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Theo Bộ VHTTDL, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng, được xác định là phần quan trọng, bền vững và đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính giá trị tăng thêm (giá hiện hành), các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; đến năm 2019 ước đạt 6,02%. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số liệu có sự sụt giảm, chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Nhưng đến năm 2022, các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng, ước đạt 4,04%.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế xã hội
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Từ đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý việc tổ chức Hội nghị này. Càng ý nghĩa hơn khi chủ trì Hội nghị là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL - cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc tổ chức Hội nghị, cho biết, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2023.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Quyết định số 1755/QĐ-TTg).
Xác định được phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ban hành các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển.
Thông qua Hội nghị nhằm tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu Chính phủ ban hành "Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam", theo đó tập trung xây dựng theo hướng lựa chọn hỗ trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, xác định được phương hướng về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các nội dung được lựa chọn sẽ được thảo luận sâu, kỹ và tìm ra những giải pháp hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; bảo đảm phát huy vai trò của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng; chú ý đến giải pháp tăng cường đóng góp vào GDP, phát triển kinh tế - xã hội của các ngành công nghiệp văn hóa…
Cùng với đó, thông qua hội nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tham mưu những chính sách, đề án, dự án để kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có nhiều sáng tạo, đóng góp cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa những năm vừa qua và thời gian tới. Các giải pháp được đưa ra lần này sẽ đều là những giải pháp căn cơ, mang tính thực tiễn cao, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng, Nhà nước ta.
Kỳ vọng bước đột phá mới
Đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định, đã 7 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 1755/QĐ-TTg, dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn đó những “khoảng trống” trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực phát triển, tạo dựng cơ sở dữ liệu, công cụ đo lường tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp văn hóa, bản quyền trong phát triển công nghiệp văn hóa… cần được quan tâm hơn nữa. Hội nghị lần này sẽ là dịp để các cơ quan liên quan nhìn nhận rất nhiều vấn đề và đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục.
“Chúng ta cần thẳng thắn nói rằng, chiến lược đã có nhưng khi triển khai thực hiện lại không dành ưu tiên nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong khi đây là những ngành có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Hội nghị lần này phải đi vào thảo luận rất cụ thể, nêu rõ trách nhiệm, giải pháp của từng bộ, ngành, địa phương để phát triển công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Thái Lan… trong phát triển công nghiệp văn hóa cần được đưa ra tại hội nghị để nghiên cứu, học hỏi và áp dụng phù hợp với thực tế nước nhà” - GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ.
Đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội nghị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Sau gần 10 năm khi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa được đưa vào là nhiệm vụ thứ 5 trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong Nghị quyết 33-NQ/TW (năm 2014) và gần 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2016), Hội nghị này là thời điểm chúng ta kiểm điểm lại những gì đã làm được (và cả chưa làm được), từ đó vạch ra lộ trình mới cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Các chuyên gia cũng bày tỏ kỳ vọng, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đặc biệt do Thủ tướng chủ trì, sẽ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đánh giá lại những thành công/thất bại để từ đó hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, cũng là cho cả đất nước.
Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện khát vọng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của dân tộc./.