• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ vọng phát triển đường sắt đô thị sẽ thay đổi văn hoá giao thông của người dân

Thời sự 18/01/2024 10:59

(Tổ Quốc) - Việc phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề ùn tắc giao thông mà còn thay đổi được cả thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai, giảm được phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Giảm ùn tắc giao thông cá nhân, ô nhiễm môi trường

Trong khuôn khổ Hội thảo về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo mô hình TOD, các lãnh đạo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tiếp tục thảo luận Chuyên đề Quy hoạch TOD. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường dự Chuyên đề.

Nêu ý kiến tham luận, TS. KTS. Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc phát triển theo mô hình TOD (khu vực đô thị phát triển nhằm tối ưu hóa 3 chức năng chính của đô thị là Ở-Làm việc-Giải trí trong khu vực có khả năng đi bộ và được hỗ trợ bởi hệ thống giao thông công cộng), sẽ giúp Hà Nội giải quyết được vấn đề hệ thống hạ tầng, giao thông, môi trường. Đồng thời, chuyển đổi giao thông cá nhân sang giao thông công cộng, TOD.

Kỳ vọng phát triển đường sắt đô thị sẽ thay đổi văn hóa giao thông của người dân - Ảnh 1.

Hội thảo về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và T Hồ Chí Minh theo mô hình TOD

Phát triển theo mô hình TOD sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường; Giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở với nơi làm việc, các cửa hàng; Giảm đô thị hóa tràn lan, bảo vệ tài nguyên đất đai; Giảm ùn tắc giao thông cá nhân, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm việc, giải trí. Ngoài ra, chi phí rẻ hơn xây dựng đường xá và các đô thị mở rộng. TS.KTS. Lê Chính Trực cũng giới thiệu một số loại hình hành lang tuyến TOD trên thế giới, như: Hành lang "Kết nối điểm đến", Hành lang "Đi làm hàng ngày", Hành lang "Vòng nối"...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã được nghe các tham luận về: Phát triển theo định hướng giao thông công cộng - Nỗ lực của các quốc gia đang phát triển của bà Ayako Kubo, Tổ chức JICA, Nhật Bản; Tích hợp quy hoạch sử dụng đất và giao thông - Các nguyên tắc và kinh nghiệm chính ở Singapore của bà Malone Lee, từ Đại học Quốc gia Singapore; Lập Kế hoạch di chuyển để phát triển theo định hướng giao thông công cộng trong quá trình đô thị hóa bền vững của Giáo sư, Thạc sỹ Chow Man Sang, Tư vấn ARUP, Anh…

Kỳ vọng thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề ùn tắc giao thông

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Dương Đức Tuấn cho biết: Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt trong hệ thống đô thị toàn quốc, có quy mô đặc biệt lớn về diện tích, dân số, tốc độ tăng trưởng cao và có vai trò là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị cho cả vùng xung quanh.

Hai thành phố đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt đô thị, trong nhiều năm qua, đã và đang được quan tâm, chú trọng triển khai thiết lập Hệ thống quy hoạch, lập kế hoạch phát triển đầu tư nhằm từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, hoàn chỉnh với hệ thống kết cấu hạ tầng khung đô thị theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng như những thành phố, đô thị lớn của các quốc gia trên thế giới, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh qua quá trình phát triển, đã sớm xây dựng được đồ án phát triển quy hoạch đô thị có chất lượng và tầm nhìn xa, đảm bảo cho sự phát triển dài hạn, trong đó, có hệ thống đường sắt đô thị được xem như "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của hai đô thị đặc biệt. Đây là loại hình ưu việt về vận tải hành khách công cộng, khối lượng lớn, tốc độ cao hơn và việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề ùn tắc giao thông mà còn thay đổi được cả thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai, giảm được phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Kỳ vọng phát triển đường sắt đô thị sẽ thay đổi văn hóa giao thông của người dân - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Dương Đức Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận.

Công tác quy hoạch, xây dựng đô thị gắn kết với hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD tạo ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả trong huy động vốn, khai thác vận tải đường sắt nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong nhiều chính sách phát triển đô thị, phát triển giao thông của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, các nội dung trình bày và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đều sâu sắc, hữu ích, là tài liệu cần thiết giúp cho chính quyền thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh có thêm dữ kiện, thông tin để nghiên cứu, đáp ứng các yêu cầu cấp bách đặt ra đối với việc hoạch định chính sách, việc quản lý và phát triển đô thị, phát triển đường sắt đô thị.

Kết quả của chương trình Hội thảo sẽ giúp cho hai thành phố có được những đề xuất và chủ trương, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi và sẽ là tiền đề tạo ra kế hoạch, giải pháp vượt trội trong lĩnh vực tái thiết phát triển đô thị nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng. Đồng thời, tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các giải pháp, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm đã triển khai thành công tại các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ