• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kỳ vọng vào những VĐV tuổi Dậu của Thể thao Việt Nam

Thể thao 02/02/2017 13:13

(Tổ Quốc) -Năm 2016 đã đi qua với những kỳ tích chưa từng có của đoàn Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Từ tấm HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh, Lê Văn Công đến kỳ tích của tuyển Futsal ở sân chơi World Cup. Liệu sang năm mới 2017, những VĐV “tuổi Dậu” có cơ hội để tiếp tục đem về những vinh quang mới cho Thể thao Việt Nam?

Dương Thúy Vi

2 tấm HCV liên tiếp tại SEA Games 27 và 28, vô địch Asiad 17 - Cô gái “vàng” của wushu Việt Nam  Dương Thuý Vi trở thành một trong những VĐV sinh năm 93 “mát tay” nhất của đoàn thể thao Việt Nam trong mỗi lần tham dự các sự kiện thể thao lớn của khu vực, châu lục cũng như thế giới. 2017 là “năm tuổi” của mình, Thúy Vy được dự đoán sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa, giúp Wushu Việt Nam gặt vàng tại Giải vô địch châu Á và thế giới môn wushu diễn ra trong năm 2017.

Nguyễn Thị Như Ý

Được mệnh danh là “Người đàn bà thép” của Judo Việt Nam, VĐV sinh năm 1981 từng 3 lần giành HCV môn Judo tại SEA Games Nguyễn Thị Như Ý đã phải vượt qua rất nhiều trông gai để có đem về vinh quang cho đất nước. Năm 2005, tại SEA Games 24 diễn ra trên đảo Cebu (Philippines), một ngày trước khi cô bước vào tranh tài trận chung kết, mẹ cô đã qua đời. Khi ấy để Như Ý tập trung thi đấu, BHL cùng lãnh đạo Đoàn TTVN thống nhất không báo tin sốc đó cho cô. Và sau nụ cười hạnh phúc trên bục vinh quang, Như Ý đã trào những giọt nước mắt nhớ thương người mẹ yêu quý. Trở về sau SEA Games 24, Như Ý lập gia đình cùng một người chung niềm đam mê môn Judo như cô. Nhưng rủi thay, người chồng thương yêu của cô đột ngột ra đi vì bạo bệnh. Người chồng tái hôn thì cũng cờ bạc đá gà suốt ngày và dính vòng lao lý. Đã có lúc ngỡ tưởng cô sẽ phải chia tay bộ môn Judo nhưng vượt qua bao nhiêu khó khăn, tại SEA Games 28, cô đã lập nên kỳ tích khi giành tấm HCV Sea Games thứ 3 ở độ tuổi 34.

Hiện tại Như ý vẫn còn thuộc biên chế của đội Judo Đồng Tháp. Ở tuổi 34, ngôi sao “lão làng” của Judo Việt Nam vẫn được kì vọng sẽ giúp Judo nước nhà làm nên những kỳ tích mới tại sân chơi Quốc tế.

Nguyễn Thị Huyền

Năm 2012, cô gái sinh năm 1993 giành HCV giải điền kinh trẻ Đông Nam Á nội dung 400m. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2014, Nguyễn Thị Huyền mang về tới 4 huy chương vàng ở các nội dung 400m, 400m rào, tiếp sức 4x200m và tiếp sức 4x100m nữ.

Tại SEA Games 28, cô phá kỷ lục SEA Games ở cự ly 400m vượt rào nữ với thành tích 56,15 giây (kỷ lục cũ 56,78 giây do VĐV người Thái lập tại Manila, Philipines năm 1995).Ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ, Nguyễn Thị Huyền cùng Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy phá kỷ lục tồn tại suốt 24 năm của SEA Games, giành HCV và chính những thành tích này đã giúp cô giành suất dự Olympic 2016.

Ở năm “tuổi” của mình – Năm 2017, Nguyễn Thị Huyền được kỳ vọng sẽ tiếp tục là mũi nhọn của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 29 -2017 cùng nhiều Giải trong nước và Quốc tế khác.

Hoàng Quý Phước

Niềm hy vọng của bơi lội Đà Nẵng bắt đầu tập bơi từ năm 11 tuổi. Năm 16 tuổi, Hoàng Quý Phước là thành viên đội tuyển bơi lội tại SEA Games 25 tại Lào và giành được huy chương Đồng ở cự li 100m bướm. Thành tích đầu tiên tại một giải đấu khu vực đó là động lực thúc đẩy Phước quyết tâm giành nhiều huy chương và giải thưởng hơn nữa.

Từ năm 2007 đến năm 2011, kình ngư sinh năm 1993 liên tục đạt được những thành tích lớn trên đấu trường khu vực và quốc tế các chức Vô địch bơi lội miền Nam từ năm 2008 đến 2011; 5 huy chương vàng bơi lội giải trẻ Đông Nam Á từ năm 2007 đến 2011. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2010, Phước đạt 9 huy chương vàng bơi lội, phá 9 kỷ lục quốc gia. Hai huy chương vàng tại SEA Games 26 năm 2011. Đặc biệt, với thành tích 53’’07 ở cự li 100m bơi bướm của Phước đã phá sâu kỷ lục SEA Games (53’’82), lẫn kỷ lục quốc gia (53’’56) và đạt chuẩn B tham dự Olympic Luân Đôn 2012. Lần đầu tiên trong lịch sử, bơi lội Việt Nam mới thực hiện được kỳ tích này ở nội dung 100m bướm nam.

Kình ngư người Đà Nẵng đã dự Olympic 2016 tại Brazil. Hiện Quý Phước được tập huấn dài hạn tại Hungary và mục tiêu là giành HCV SEA Games 2017, có huy chương ở ASIAD 18-2018.

Đặng Hồng Hà

Một trong những “lão làng” của làng bắn súng Việt Nam. Tám năm trước, ở lần góp mặt đầu tiên tại một kỳ Asian Games (đó là tại Asian Games 2006 ở Doha-Qatar), trong bài bắn 10m súng trường mục tiêu di động cá nhân nữ, Hồng Hà giành HCĐ.

Chưa kể, cũng ở năm đó, Hồng Hà có thêm cho mình 1 chiếc HCB nội dung đồng đội nữ. Bốn năm tiếp theo, cô và tổ súng 10m di động nữ tiếp tục duy trì thành tích bằng chiếc HCB đồng đội tại Asian Games 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Ngần ấy giai đoạn thi đấu, có thể xem, Đặng Hồng Hà là một trong số những xạ thủ đủ trải nghiệm thăng trầm nhất cùng nội dung 10m súng trường hơi mục tiêu di động cả ở cấp CLB lẫn ĐTQG.

Bạn bè cùng lứa với cô vẫn nhớ rằng, thời điểm năm 1999 là lúc Hồng Hà có sự thăng hoa nhất. Khi đó, cô phá kỷ lục ở giải trẻ, tiếp đến là KLQG ở giải lớn rồi tới SEA Games 22-2003, Hồng Hà lần đầu đoạt HCV tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á. Nhiều lần đứng trên bục vinh quang là không ít lần Hồng Hà vẫn giữ nguyên cảm xúc tới bây giờ nếu có dịp nhắc lại.

Năm 2017, cô vẫn được kì vọng rất lớn cho thành tích giành HC tại đấu trường Quốc tế. Mục tiêu của xạ thủ nổi tiếng này là tiếp tục giành huy chương ở SEA Games 29 và ASIAD 18-2018.

Đỗ Bảo – Đăng Huy

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ