• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lai Châu: Người dân kêu trời vì dự án giãn dân ra vùng biên giới chậm tiến độ

Thời sự 15/03/2018 07:58

(Tổ Quốc) - Với ý nghĩa rất đặc biệt và quan trọng, dự án Bố trí dân cư tập trung sát biên giới Việt – Trung, điểm Lồng Thàng, bản Nậm Tần Mông I, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) được đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Dự án được người dân ủng hộ và tự nguyện đăng ký thực hiện di dời đến ở, tuy nhiên sau một thời gian thực hiện thi công, đến nay mọi hạng mục vẫn đang dang dở do chậm tiến độ, dẫn đến cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, khiến bà con rất bức xúc.

Cuộc sống nơi “5 tạm 2 chờ”

Trước sự phản ánh của người dân, một ngày giữa tháng 3/2018, phóng viên đã có cuộc hành trình lên khu giãn dân điểm Lồng Thàng, xã Pa Tần (Sìn Hồ). Chỉ cách trung tâm xã khoảng 30 km nhưng chúng tôi phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi xe máy vượt qua nhiều con suối và đèo dốc chênh vênh mới đến được khu giãn dân Lồng Thàng, bản Tần Mông I.

Tiếp chúng tôi, ông Giàng A Hừ (người mà cán bộ Đồn Biên phòng Pa Tần giới thiệu với phóng viên là trưởng bản) không ngần ngại nói: “Ở đây cái gì cũng tạm, cũng chờ hết. Thật mà, trưởng bản, tên bản đều đang tạm chứ đã có quyết định đâu nên một số chế độ đã được hưởng đâu? Trường lớp, đường đi lại, nước sinh hoạt cũng tạm chứ đã ổn định đâu”? Còn điện thì trồng cột lâu rồi nhưng chưa thấy có, đất sản xuất cũng vậy, mà hỏi thì cán bộ bảo chờ chứ biết bao giờ có đâu?

Người dân Lồng Thàng phải dùng can đi hàng km để lấy nước về ăn uống.

Mục sở thị mới biết “5 tạm 2 chờ” là có thật và thậm chí còn nhiều hơn. Hiện tại về giáo dục, nơi đây có hai lớp đó là lớp ghép 1 – 2 và một lớp Mầm Non, nhưng đều phải học chung trong nhà trưởng bản, trong khi nhà trường đang xây dang dở.

Đặc biệt hệ thống nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng nhưng vẫn không đảm bảo cho người dân sử dụng, nhất là vào mùa khô người dân phải dùng can đi hàng cây số để lấy nước về ăn uống.

Lớp học tạm tại nhà trưởng bản.

Nan giải hơn là thiếu đất sản xuất, người dân phải đi hàng chục km đường đèo về bản cũ để canh tác, một số hộ nơi ở cũ đã bán đất nên đời sống kinh tế lại càng khó khăn hơn.

Thiếu tá Bàn Duy Hưng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Tần, Sìn Hồ cho biết: “Qua công tác tuyên truyền vận động, người dân rất ủng hộ và tự nguyện đăng ký di chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên do dự án chậm tiến độ, nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thiện và chất lượng kém đã gây khó khăn cho bà con. Như công trình nước thì nhỏ giọt, đường sá thì bị xói lở đi lại rất vất vả. Khu vực quy hoạch đất sản xuất thì bố trí vào vùng có rừng với diện tích khoảng 40 ha vì thế đến nay chưa thực hiện được, và theo chỉ đạo thì không thể phá rừng để làm ruộng được. Về điện sinh hoạt thì các tổ điện, đơn vị thi công đã hai ba lần hứa cuôi năm và cuối năm vừa rồi cũng hứa với bà con những đến nay vẫn chưa có điện làm người dân rất bức xúc”.

Chỉ lo vận chuyển đồ ăn để giữ nhà

Thực hiện dự án, mỗi hộ dân được hỗ trợ 50 triệu đồng để di chuyển và làm nhà ở. Để đảm bảo nơi ở mới vững chãi, ấm áp, đa số các hộ dân đã bỏ thêm tiền, công sức tận thu gỗ làm nhiều ngôi nhà khá kín đáo và khang trang. Tuy vậy rất nhiều hộ đã cửa đóng then cài, gia đình bồng bế nhau quay lại nơi ở cũ, một số vẫn bám trụ nhưng cuộc sống hết sức bấp bênh.

Di chuyển lên từ bản Nậm Tần Mông I, anh Giàng A Cha cho biết: “Ở đây chỉ được mỗi cái nhà thôi, còn cái gì cũng không có, đất sản xuất không có nên không làm được lúa, ngô, rau cũng không trồng được. Để có cái ăn chúng tôi phải về bản cũ làm vất vả lắm. Mong sao các cấp sớm hoàn thiện công trình để bà con chúng tôi bớt khổ”.

Công trình nước không đảm bảo nên người dân thiếu nước trầm trọng.

Để bám trụ, một số ít hộ lợi dụng khe suối để làm ruộng, còn phần lớn bà con phải quay về nơi ở cũ cách hàng chục cây số để lấy thóc gạo lên ăn. Và cứ “điệp khúc” ngày này qua ngày khác họ chỉ có mỗi việc đi vận chuyển đồ ăn để giữ ngôi nhà. Trớ trêu hơn, một số hộ khi di chuyển đến Lồng Thàng đã bán nhà, ruộng nương nơi ở cũ nên có thể nói là tiến thoái lưỡng nan.

“Thiếu nước uống, thiếu đất sản xuất nên nhiều bà con bỏ về nơi ở cũ rồi, một số ở dưới bán nhà, bán đất rồi bây giờ cũng không biết đi đâu, mà ở lại đây thì không sống được…. Nên mong muốn các cấp làm sao quan tâm sớm hoàn thiện dự án để cho bà con an cư lạc nghiệp, yên tâm làm ăn chứ thế này mãi thì không chịu được đâu” - ông Giàng A Hừ – “Trưởng bản” Lồng Thàng nói trong lo âu.

Công trình nhà văn hóa và trường học đang dang dở.

Còn  Thiếu tá Bàn Duy Hưng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Tần, Sìn Hồ cho biết: “Qua nắm bắt tình hình, do thiếu đất sản xuất và các mặt thiết yếu cho đời sống hàng ngày nên có những lúc gần 50% số hộ bỏ về bản cũ trước đây để sinh sống, bộ đội Biên phòng phải vất vả tuyên truyền vận động bà con mới quay trở lại nhưng cũng không triệt để.

Mỗi một người dân là một cột “mốc sống”, và khi bà con chuyển đến nơi ở mới theo dự án sẽ góp phần cùng bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Thế nhưng dự án lại chậm tiến độ, chất lượng công trình kém hiệu quả đang làm người dân hết sức bức xúc./.

Triệu Vỹ

Nhằm mục đích góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ đường biên cột mốc, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, ngày 31- 10 – 2013, UBND tỉnh Lai Châu đã ra Quyết định 1372 phê duyệt đầu tư xây dựng dự án: Bố trí dân cư tập trung sát biên giới Việt – Trung tại địa điểm Lồng Thàng, bản Nậm Tần Mông I, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ. Theo đó UBND  huyện Sìn Hồ được giao làm chủ đầu tư, với thời gian thực hiện thi công là từ năm 2014 – 2016. Dự án có quy mô bố trí sắp xếp nơi ở mới cho 50 hộ dân với 292 nhân khẩu, bao gồm người dân ở các bản Nậm Tần Mông 1, Nậm Tần Mông 2, bản Nậm Tiến 2 và bản Nậm Xảo. Tổng mức đầu tư của dự án là 32.000 triệu đồng để chi phí hỗ trợ cho người dân di chuyển, hỗ trợ sản xuất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng và chi phí quản lý công trình… Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các công trình thuộc dự án vẫn đang dở dang khiến cuộc sống của các hộ dân di chuyển đến đây gặp rất nhiều khó khăn, nhiều công trình hạng mục không đảm bảo chất lượng đang gây bức xúc cho người dân.

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ