• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lâm Đồng: Chuyển đổi số giúp thư viện “tiếp cận gần hơn” với bạn đọc

Văn hoá 21/11/2024 09:36

(Tổ Quốc) - Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng đến công tác bổ sung tài liệu số, và tạo ra các sản phẩm thông tin đa dạng, phong phú để phục vụ bạn đọc.

Năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu chung ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động các thư viện và hình thành mạng lưới hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Theo đó, tại Lâm Đồng, để đáp ứng được nhu cầu đọc tài liệu số của bạn đọc, 5 năm qua, Thư viện tỉnh đã chú trọng đến công tác bổ sung tài liệu số, và tạo ra các sản phẩm thông tin đa dạng, phong phú để phục vụ bạn đọc. Hiện, Thư viện tỉnh có hơn 27.730 tài liệu số, trong đó gồm hơn 2.600 tài liệu đa phương tiện là đĩa CD/VCD; 2.956 bản sách điện tử; 90 clip sách nói; 2.132 tài liệu địa chí Lâm Đồng; 234 clip tuyên truyền giới thiệu sách; 74 tài liệu nghề thư viện; 16 nhan đề luận án - luận văn; và hơn 19.600 tài liệu đa lĩnh vực.

Lâm Đồng: Chuyển đổi số giúp thư viện “tiếp cận gần hơn” với bạn đọc - Ảnh 1.

Bạn đọc quét mã QR đọc sách.

Theo bà Vũ Thị Hạnh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng, Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ mới đã có tác động sâu sắc đến cách thức thu thập, lưu trữ, tổ chức, truy cập, truy xuất và tiêu dùng thông tin. Trong hoạt động thư viện, xu hướng ứng dụng công nghệ mới như công nghệ RFID, công nghệ cảm biến, robot, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn,… trong việc tổ chức, quản lý và cung cấp nguồn tài nguyên cho người sử dụng là vô cùng cần thiết.

Về hạ tầng số, Thư viện tỉnh đã có phần mềm quản lý thư viện ILIB, phần mềm quản lý các bộ sưu tập số DSPACE, máy quét mã vạch, có đường truyền Internet tốc độ khá cao, hệ thống máy chủ, máy trạm hoạt động ổn định. Đối với nền tảng số, bên cạnh việc sử dụng Trang thông tin điện tử thư viện để quảng bá và truyền tải thông tin đến bạn đọc, thư viện còn có trang mạng xã hội để giới thiệu sách, đưa các thông tin đến với bạn đọc một cách gần gũi, thân thiện hơn.

Đặc biệt là về liên thông thư viện, khi Thư viện tỉnh Lâm Đồng đã liên kết Trang thông tin điện tử của các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng của tỉnh, liên kết cơ sở dữ liệu đến các thư viện khác trong và ngoài nước, chia sẻ cơ sở dữ liệu, tài liệu số hóa cho các thư viện huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tạo các liên kết, có gắn mã QR để bạn đọc có thể dễ dàng truy cập nhanh đến tài liệu.

Lâm Đồng: Chuyển đổi số giúp thư viện “tiếp cận gần hơn” với bạn đọc - Ảnh 2.

Bà Vũ Thị Hạnh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng.

“Một trong những điểm yếu của hoạt động thư viện là rời rạc, mỗi thư viện tự phục vụ bạn đọc những gì mình có, hoạt động kết nối, chia sẻ, liên thông, liên kết rất yếu và hệ thống thư viện của tỉnh Lâm Đồng cũng không ngoại lệ”, bà Hạnh thừa nhận và cho rằng: Kể từ khi Luật Thư viện ra đời, việc liên thông được quy định riêng một nội dung lớn, rồi Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện với nội dung, phương thức, cơ chế, nguyên tắc hết sức chi tiết, thì việc liên thông, liên kết cũng mới được tạo lập và duy trì trong hệ thống thư viện công cộng của tỉnh. Trên cơ sở đó, Thư viện Lâm Đồng đã gia nhập vào Trung tâm kết nối tri thức số dùng chung cùng với 98 thư viện khác trong cả nước, việc này làm tăng đáng kể lượt truy cập của bạn đọc.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, lãnh đạo Thư viện tỉnh Lâm Đồng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng Thư viện vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng lớn đến công tác chuyển đổi số và liên thông thư viện.

Cụ thể như công tác tài liệu số hóa diễn ra khá chậm, chưa thật sự đảm bảo về chất lượng. Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu của thư viện chưa được nâng cấp, còn thiếu nhiều chức năng cần thiết, chưa hiển thị tốt ở các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng; khó khăn trong công tác chia sẻ, trao đổi, liên thông, tích hợp giữa các thư viện.

Ngoài ra, kinh phí dành cho công tác số hóa tài liệu chưa có, vì vậy thư viện chưa được trang bị các thiết bị hiện đại để cấu thành 1 thư viện số; Nhân lực thư viện còn thiếu và yếu; Nhận thức về công tác chuyển đổi số thư viện trong thời gian qua tuy đã được quan tâm, chú ý, tuy nhiên chưa có sự cam kết mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo địa phương;...

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn nêu trên, bà Hạnh cho biết trong thời gian tới, Thư viện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức và cách thức lãnh đạo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số ngành thư viện thông qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các lớp tập huấn và lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan.

“Trong vấn đề này người đứng đầu có vai trò quyết định”, bà Hạnh nói. Đồng thời, Thư viện tỉnh sẽ chú trọng chuyển đổi số và cải thiện các quy trình trọng yếu, tập trung tận dụng những nguồn lực sẵn có bên trong, lẫn bên ngoài thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng số dùng chung. Nhất là đẩy mạnh phát triển tài nguyên thông tin số - “hạt nhân” của thư viện số; xây dựng các mô hình, phương pháp liên thông phù hợp; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,...

Lâm Đồng: Chuyển đổi số giúp thư viện “tiếp cận gần hơn” với bạn đọc - Ảnh 3.

Nhân viên kỹ thuật đang số hoá tài liệu địa chí.

“Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thư viện là quá trình lâu dài, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Hạnh chia sẻ. Để thực hiện được điều này một cách có hiệu quả thiết thực, đòi hỏi thư viện cần phải có chiến lược và phương pháp tiếp cận phù hợp mang tính tổng thể.

Việc kết hợp được những lợi thế sẵn có của thư viện và công nghệ mới đem lại, sẽ góp phần đưa hoạt động của thư viện lên tầm cao mới, đáp ứng hiệu quả và yêu cầu của người sử dụng. “Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hưởng ứng tích cực của các nhà quản lý, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm mới, Thư viện Lâm Đồng sẽ có những bước phát triển đột phá, góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương”, bà Hạnh bày tỏ../.

Đ.Thảo

*Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ