• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm rõ các ý kiến, vấn đề liên quan đến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thời sự 18/04/2024 07:39

(Tổ Quốc) - Tại phiên thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) diễn ra ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, làm rõ các vấn đề mà Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập, cho ý kiến.

Làm rõ các ý kiến, vấn đề liên quan đến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên thảo luận

Dự án luật đã được chuẩn bị công phu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành. Ông cũng cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất cố gắng trong việc xây dựng dự án luật.

Hồ sơ dự án luật đã cơ bản đảm bảo theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình tham gia thẩm tra Thường trực Ủy ban Pháp luật đã có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Văn hóa, nhiều ý kiến đã được tổng hợp trong báo cáo thẩm tra sơ bộ.

"Chúng tôi thấy rằng dự án luật đã được chuẩn bị công phu, tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới chúng tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát thêm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính thống nhất của dự án Luật Di sản văn hóa trong hệ thống pháp luật, cũng phải rà soát để làm rõ và khắc phục những vấn đề chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về di sản văn hóa và với các luật khác" - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Về vấn đề chung, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát những thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó, Một số nội dung quản lý trong dự thảo luật vừa quy định phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định, trước đó thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa tùy trường hợp, có thể có trường hợp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có trường hợp là sở.

Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định tiêu chí, điều kiện, thủ tục để thực hiện, vì vậy ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị phải tiếp tục rà soát, chỉ quy định thủ tục hành chính trong trường hợp thực sự cần thiết. Thực hiện đúng chủ trương cố gắng cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, đương nhiên vẫn phải đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.

Về các nội dung cụ thể liên quan đến dự thảo luật, thứ nhất là vấn đề liên quan đến dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là nội dung được đề cập trong tờ trình của Chính phủ đối với dự án luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng nêu tương đối cụ thể một số vấn đề liên quan giữa hai dự Luật và đã được Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức để tiếp tục hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, có sự liên quan giữa di sản tư liệu và bảo vật quốc gia được quy định ở trong dự án luật này với tư liệu lưu trữ, hay nói chính xác hơn là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quy định ở dự án Luật Lưu trữ.

Bởi vì, đối với bảo vật quốc gia và di sản tư liệu thì trước khi được công nhận thì nó là tài liệu lưu trữ và đặc biệt là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, cho nên khái niệm của tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và di sản tư liệu cũng như là bảo vật quốc gia có sự tương đồng ở mức độ nhất định nhưng khác nhau về mức độ đặc biệt và khác nhau về mức độ giá trị.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra đã cố gắng xử lý vấn đề này trong quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Trong quá trình làm việc, Ủy ban Pháp luật cũng đã chủ động phối hợp, tổ chức nhiều cuộc họp mời đại diện thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ để trao đổi và đã đưa các phương án để xử lý.

Nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong Luật Lưu trữ về vấn đề này cũng đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp Thường vụ cho ý kiến về tiếp thu, chỉnh lý Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Thường vụ đã có kết luận.

"Cần phải xử lý thống nhất, bởi Luật lưu trữ sẽ thông qua trước tại kỳ họp thứ 7, luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thông qua chậm hơn 1 kỳ họp nên phải tiếp tục xử lý để đảm bảo thống nhất về quan điểm, sau đó là xử lý thống nhất ở 2 luật" - ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất

Liên quan đến tính thống nhất với Bộ luật Dân sự, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, dự thảo luật lần này đang mở rộng căn cứ để xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với di sản văn hóa. Cụ thể, khoản 3 Điều 4 dự thảo luật quy định "Di sản văn hóa phát hiện được mà không xác định được chủ sở hữu, thu được trong quá trình thăm dò, khai quật, khảo cổ, sưu tầm và thu thập dưới các hình thức khác đều thuộc sở hữu toàn dân".

"Chúng tôi thấy đây là quy định mở rộng. Mở rộng như thế này thì có vấn đề không thống nhất với Bộ luật Dân sự. Cụ thể, chúng ta mở rộng bổ sung các trường hợp sưu tầm và thu thập được dưới hình thức khác thì đều xác lập sở hữu toàn dân đối với di sản văn hóa trong mọi trường hợp. Theo như quy định của dự thảo luật thì không đảm bảo chặt chẽ. Chúng tôi đề nghị làm rõ khái niệm nội hàm và chủ thể của hành vi sưu tầm và thu thập từ các hình thức khác.

Hơn nữa, việc xác định sở hữu toàn dân đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu luôn phải kèm theo các điều kiện chứ không phải tự động, vì liên quan đến quyền sở hữu, hiến định đã được Hiến pháp bảo vệ của các chủ thể khác, cho nên phải có những điều kiện trước khi ban hành quyết định xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản vô chủ, tài sản không xác định chủ sở hữu nói chung và di sản văn hóa nói riêng" - ông Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.

Thứ ba, liên quan đến tính thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị phải rà soát. Bởi vì, hiện nay quy định trong dự thảo luật liên quan đến phê duyệt, triển khai và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa là không thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Thứ tư, cần tiếp tục rà soát việc mở rộng phạm vi các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Điều 100 của dự thảo luật và các quy định cụ thể trong dự thảo luật bổ sung ít nhất 4 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, nhưng khi rà soát thì vẫn còn thiếu, tức là dự thảo luật còn có quy định thêm một số ngành nghề khác nữa, nhưng Điều 100 thì chưa quy định.

"Chúng tôi cũng đề nghị phải tiếp tục nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết của việc bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, rất cần thiết thì vẫn bổ sung nhưng phải đảm bảo chủ trương là chúng ta không làm tăng chi phí tuân thủ một cách bất hợp lý và đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị.

Liên quan Luật Quy hoạch và Luật Ngân sách nhà nước, theo ông Hoàng Thanh Tùng thì đây cũng là vấn đề cần rà soát. Theo đó, dự thảo luật bổ sung một loại quy hoạch mới khác với quy định của Luật Quy hoạch, đó là quy hoạch di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, loại quy hoạch này là không có trong Luật Quy hoạch với tính chất là quy hoạch chuyên môn kỹ thuật, vì vậy cần rà soát thêm.

Làm rõ thẩm quyền, quy định tiêu chí các dự án xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích

Thống nhất với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, hồ sơ dự luật được cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ. Quan tâm đến vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, đối với quy định về các dự án đầu tư xây dựng ở trong khu vực bảo vệ di tích, hiện có các quy định cụ thể vùng 1, vùng 2.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, thẩm quyền về tiêu chí các quy định nếu quy định như dự thảo Luật sẽ vướng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Ví dụ, nhà ở riêng lẻ mà cho xây dựng trong Vùng 1, vùng lõi như Vịnh Hạ Long, di sản thế giới chắc sẽ không ổn.

"Tại Quảng Ninh, tỉnh đã phải bỏ ra mấy trăm tỷ để di dời các nhà bè trên Vịnh Hạ Long ra khỏi vùng lõi để xây dựng khu tái định cư. Vì vậy, cho phép xây dựng các nhà ở riêng ở trong vùng lõi này thì không ổn" - ông Thanh nêu quan điểm.

Đối với Vùng 2 trước đây gọi là vùng đệm, do không quy định chặt chẽ nên trước đây Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã vẽ một vùng đệm rất rộng và bao cả thành phố Hạ Long với các công trình xây dựng trên bờ. Nếu không xử lý được vấn đề này thì thành phố Hạ Long không phát triển được. Hay như Thừa Thiên Huế cũng thế, Ninh Bình cũng vậy.

Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị phải làm rõ thẩm quyền, quy định tiêu chí, điều kiện như thế nào để xử lý vấn đề này. Nếu chúng ta cho xây dựng nhà ở trong Vùng 1 thì không ổn nhưng Vùng 2 không quy định chặt chẽ, không quy định có điều kiện thì cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được giao quản lý di tích, di sản này./.

Nên đưa ra một điều khoản riêng về di sản tư liệu để công tác quản lý tốt hơn

Giải trình thêm về vấn đề liên quan đến di sản tư liệu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho hay, khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế thì di sản tư liệu được UNESCO công nhận và xác định là một loại hình di sản độc lập với loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được thể hiện thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản được công bố năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002.

Thời điểm đó, Việt Nam đã tham gia là thành viên của chương trình này và thống nhất cam kết để thực hiện điều ước này. Từ khi cam kết điều ước đó thì UNESCO ghi danh cho Việt Nam 9 di sản tư liệu, 2 di sản là tư liệu khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Theo UNESCO thì nó không nằm trong vật thể và phi vật thể, cho nên chúng ta phải có một điều khoản riêng hay xây dựng riêng một chương về di sản tư liệu để phù hợp với điều ước quốc tế.

Tất nhiên, nếu hiểu nó là vật thể thì cũng đúng, và khi xây dựng Luật Bộ đã cân nhắc, trăn trở việc có nên tách ra không. Sau khi làm việc với cơ quan UNESCO, trên cơ sở những khuyến nghị của họ thì Bộ thấy rằng là nên đưa ra một điều khoản riêng để công tác quản lý tốt hơn. Ngoài ra, trong quản lý nhà nước cũng phải xác định nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ thì giao thêm cho Bộ VHTTDL quản lý về di sản tư liệu.

Về vấn đề giao thoa giữa hai dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) và Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng cũng cho biết ông đã trao đổi rất nhiều lần với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quan điểm chung của Chính phủ là ở đây không có gì mâu thuẫn cả, vấn đề là biện pháp.

"Hôm nay, cơ quan soạn thảo tiếp thu thống nhất như quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những cái nào khi được công nhận là di sản văn hóa thì áp dụng theo luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), còn những cái khác thì để ở Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Bộ VHTTDL đã rà soát nghiêm túc 23 dự án Luật có quan hệ về di sản

Giải trình về vấn đề rà soát để đảm bảo tính tương thích giữa Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với các luật đang còn có hiệu lực do Quốc hội đã ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã chủ động rà soát 23 luật có quan hệ về di sản. Trong quá trình rà soát rất nghiêm túc, cầu thị xem những văn bản nào đã được các luật khác quy định thì lần này kế thừa, cái nào không kế thừa được thì mới phải xây dựng mới, phương châm là không bị chồng chéo giao thoa giữa các luật. Có thể trong báo cáo đánh giá tác động chưa nêu hết, nhưng thực ra Bộ đã làm rất nghiêm túc trong 23 luật có liên quan.

Bổ sung việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ để đảm bảo tối đa yếu tố gốc của di tích

Giải trình làm rõ ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, trong khu vực bảo vệ 1 thì chúng ta xác định là phải được thực hiện các công trình để nhằm phát huy các giá trị về di sản, còn về xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ thì chúng ta không phải xin phép ở khu vực bên ngoài và Luật Xây dựng cũng quy định về việc xây dựng các công trình trong khu vực di tích thì thực hiện theo quy định của Luật Di tích và Luật Di sản văn hóa.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã quy định bổ sung việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ để đảm bảo tối đa yếu tố gốc của di tích, nếu không vào xây dựng ở trong đấy thì rất khó khăn, chỉ cần độ cao hay đa dạng hóa các loại kiến trúc trong đó thì sẽ phá vỡ kiến trúc di tích gốc của nó.

Cho nên, cần phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn để đảm bảo như vậy và việc này cũng phân cấp triệt để cho địa phương là giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thể giao cho Sở Văn hóa để Sở Văn hóa thẩm định và tham mưu cho Ủy ban khi cấp phép, nó cũng đồng bộ chứ không xác định phải xin ý kiến của Bộ.


Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ