(Tổ Quốc) - Vụ việc chép tranh rồi ký tên lên tranh chép gây xôn xao giới mỹ thuật thời gian qua chỉ là một trong rất nhiều vụ việc chép tranh gây tranh cãi của thị trường mỹ thuật Việt Nam.
- 20.11.2022 Ký tên lên tranh người khác là vi phạm luật
Tranh chép là… đúng luật
Giữa tháng 3 vừa qua, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã có một phiên đấu giá thành công với bức tranh được cho là "gần gũi với sáng tác của danh họa Nguyễn Phan Chánh" (nguyên văn: "entourage de Nguyen Phan Chanh"). Tại phiên đấu này, bản sao chép bức tranh nổi tiếng Lên đồng có giá khởi điểm là từ 12.000 đến 15.000 EUR, ước tính ban đầu là đạt mốc 20.000 EUR, giá chung cuộc là 136.550 EUR, tương đương 3,45 tỷ đồng.
Theo giới mỹ thuật trong nước, sở dĩ bức tranh chép có giá cao kỷ lục như vậy là nhờ vào dấu mộc của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đóng phía bên phải bức tranh, đã chứng thực cho một bức tranh chép có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong khi không ai biết bức tranh gốc hiện đang ở đâu.
Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường quốc tế cũng công nhận tranh chép. Tuy nhiên, theo giới họa sĩ, nếu tỉ lệ này ở các nước phương Tây chỉ 5%, thì ở Việt Nam lên tới trên 50%.
Trong Quyết định số 17/2004/QĐ-BVHTT do Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành ngày 5/5/2004 về Quy chế sao chép tác phẩm tạo hình, có quy định khá cụ thể và dễ hiểu. Theo đó, trước hết, việc sao chép tác phẩm tạo hình phải được sự đồng ý của chủ sở hữu, là tổ chức, cá nhân Việt Nam, bằng văn bản cụ thể. Trong văn bản đó, phải ghi rõ số lượng bản sao chép, mục đích, phạm vi sử dụng, mức thù lao mà người sao chép trả cho chủ sở hữu tác phẩm, hình thức thanh toán và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về hợp đồng sử dụng tác phẩm. Bản sao chép phải có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn tác phẩm gốc, trừ trường hợp sao chép bằng khuôn đúc hoặc khuôn in. Bản sao chép phải giữ đúng nội dung, hình thức như tác phẩm gốc. Phía sau bản sao chép có ghi rõ các thông tin: chữ "bản sao" và tên tác giả, tên tác phẩm, chất liệu tác phẩm gốc, năm sáng tác (nếu có), tên người sao chép, kích thước bản sao chép… Như vậy, người dân được quyền sao chép tác phẩm nhưng phải tuân thủ luật pháp.
Song thực tế, phần lớn các hoạt động sao chép tranh hiện nay ở Việt Nam được thực hiện mà không được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu. Những vụ tranh giả chấn động đã liên tiếp xảy ra nhưng đến nay, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Năm 2018, triển lãm “Những bức tranh đến từ Châu Âu” tại TP Hồ Chí Minh của một nhà sưu tập được kết luận là đa số các bức tranh đều là giả. Hay vụ Nhà đấu giá Chọn’s cho đấu giá bức tranh lụa sao chép lại tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Đông với chữ kỹ giả của họa sĩ Vũ Giáng Hương. Thậm chí, năm 2020, một bức tranh lụa được giải nhất do Hội Mỹ thuật thành phố Cần Thơ trao cũng bị lên án đạo ý tưởng từ bức ảnh chụp của người khác. Sau nhiều tranh cãi, ban tổ chức đã quyết định thu hồi giải thưởng.
Tại nhiều phiên đấu giá quốc tế, tranh bị nghi sao chép/ làm giả, không đúng thông tin về tác giả /tác phẩm của các danh họa Việt Nam vẫn xuất hiện đều đều và chỉ có một số nhà đấu giá chịu rút tranh về sau khi có sự lên tiếng mạnh mẽ của giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật trong nước.
Làm sao để hạn chế xâm hại quyền tác giả?
Nhiều họa sĩ cho rằng, khi sáng tác, các họa sĩ chân chính chú ý đến danh dự còn những nghệ sĩ họa sĩ "chép tranh" ký tên lên tranh thì không. Đó là những người không tử tế. Nói như họa sĩ Phạm Sinh thì việc mạo danh (ký tên mình lên tranh người khác) thì không họa sĩ nào làm như vậy.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định: "Một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay đang tồn tại làm các nghệ sĩ phẫn nộ đó là hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả rất nghiêm trọng, đặc biệt là tranh giả, tranh nhái, tranh chép... làm ảnh hưởng lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Có nhiều cơ quan quản lý nhưng chưa có một cơ quan nào đứng ra giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền, khi Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật vẫn chưa đủ hành lang pháp lý và chế tài xử phạt".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, người họa sĩ cần đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình để tránh những trường hợp đáng tiếc khi bị chép tranh.
"Từ góc độ người sáng tạo nghệ thuật, trước hết là do không đăng ký bản quyền, hoặc giả khi phát hiện tranh của mình bị chép thì cũng chỉ dừng ở mức "kêu ca phàn nàn" mà không khởi kiện đòi quyền lợi chính đáng. Cũng chính vì vậy đã dẫn đến hậu quả, một số người đã chép lại, hoặc ăn cắp ý tưởng để vẽ những bức tương tự, mang bán. Dẫn đến việc "vàng thau lẫn lộn", là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng xấu trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật"- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
Việc sao chép lậu (tức là sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả) các tác phẩm hội họa thì Luật Việt Nam hiện nay áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật (Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐCP).
Trường hợp giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (Điều 19 Nghị Định 131/2013/NĐCP).