• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ký tên lên tranh người khác là vi phạm luật

Văn hoá 20/11/2022 13:59

(Tổ Quốc) - Chép tranh- một hoạt động rất hiếm xảy ra ở các nước châu Âu thì lại khá phổ biến ở Việt Nam và Trung Quốc. Chép tranh vốn là hoạt động hợp pháp nếu nó đảm bảo những quy tắc ràng buộc nghiêm ngặt. Nhưng ở nước ta, sự lỏng lẻo trong việc quản lý và ý thức yếu kém, vụ lợi của nghệ sĩ đã khiến việc chép tranh biến tướng.

Hy hữu chuyện ký tên lên tranh chép

Vụ họa sĩ Phạm Hồng Minh ký tên vào tranh chép của họa sĩ Lê Thế Anh chưa từng có tiền lệ trong giới mỹ thuật, dấy lên nhiều tranh cãi lẫn lo ngại về hậu quả xấu cho nạn đạo tranh hoành hành.

Ký tên lên tranh người khác là vi phạm luật - Ảnh 1.

"Lì xì nhé" và "Cô gái Dao đỏ"- hai tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh

Giới mỹ thuật vừa qua xôn xao vụ việc họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tố họa sĩ Phạm Hồng Minh ngang nhiên ký tên vào hai bức tranh chép tác phẩm “Lì xì nhé” và “Cô gái Dao đỏ” của anh. Hai tác phẩm gốc đều có giấy chứng nhận bản quyền và đã được Lê Thế Anh bán cho nhà sưu tập.

Theo lời kể của họa sĩ Lê Thế Anh, hồi đầu tháng 11, anh được một học trò phát hiện bức tranh chép giống y bức “Lì xì nhé” nhưng ký tên Phạm Hồng Minh. Khi anh lên tiếng thì Phạm Hồng Minh mới giải thích là mua bức tranh ấy ở một cửa hàng chép tranh trên đường Trần Phú, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Sau cao hứng quá nên anh ký tên vào bức tranh và xin lỗi vì không biết bức tranh ấy chép từ bản gốc của Lê Thế Anh. Nghe vậy, Lê Thế Anh buồn cười vì “từ bé đến lớn tôi chưa thấy ai đi mua tranh chép về rồi ký lên cả”. Nhưng anh cũng bỏ qua vì không muốn làm lớn chuyện.

Đến khi tò mò vào thử trang Facebook của Phạm Hồng Minh thì anh mới tá hỏa: “Bạn ấy có vài cửa hàng chép tranh to đùng. Mà lại không chỉ chép của tôi một bức, bạn ấy còn chép một bức khác và ngang nhiên ký tên coi mình là tác giả. Không nhẽ với bức thứ hai này, bạn ấy cũng đi mua từ đâu đó và về lại cao hứng ký lên. Vấn đề ở đây là: bạn ký tên lên tranh chép để làm gì? Một là bạn muốn xác nhận mình là tác giả bức tranh ấy. Hai là bạn phải xác định chữ ký đó mang lại lợi nhuận. Vì chữ ký trong một tác phẩm nghệ thuật là một phần bất khả di dời. Tranh giá trị nhất ở chữ ký. Nên tôi định cho qua nhưng giận quá, không cho qua được”- họa sĩ Lê Thế Anh bức xúc.

Đáp lại, họa sĩ Phạm Hồng Minh nhất mực cho rằng mình không sao chép mà mua bức tranh. Anh viết một bài dài trên trang cá nhân khẳng định: “Khi đã mua tranh về đó là quyền sở hữu của người mua, nên họ viết, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền lợi!!! Minh chưa bao giờ viết bài hay công bố đấy là tranh Minh vẽ, và cũng chưa từng xuất hiện trong các triển lãm tranh của Minh. Anh nói Minh chép tranh là đang vu khống Minh”.

Ký tên lên tranh người khác là vi phạm luật - Ảnh 2.

Bức tranh chép Cô gái Dao đỏ có chữ ký của Phạm Hồng Minh

Được biết, họa sĩ Lê Thế Anh đã gửi đơn khiếu nại lên Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh và mời luật sư vào cuộc để đi đến cùng sự việc. “Có hai lý do khiến tôi phải theo đuổi vụ việc này dù bản thân là người không thích ồn ào. Đầu tiên, tôi muốn góp tiếng nói để đẩy lùi nạn xâm phạm bản quyền ngày càng trắng trợn, ngang nhiên trong giới hội họa, đồng thời bảo vệ cho các nhà sưu tập, giúp môi trường mỹ thuật dần trong sạch. Thứ hai, Minh là người có sức ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng, nhất là giới trẻ, nên việc làm không hay của bạn ấy dễ thành tấm gương xấu cho người hâm mộ làm theo. Vụ kiện này dù ai thắng ai thua cũng cho thấy một bài học rằng: ký tên vào tranh chép dễ nhận về vô số rắc rối, để trong tương lai sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc tương tự”- họa sĩ Lê Thế Anh chia sẻ.

Ký tên lên tranh người khác là vi phạm luật

Nếu như việc chép tranh còn đang là điểm tranh cãi giữa tác giả Lê Thế Anh và ông Phạm Hồng Minh, thì việc ký tên mình lên tranh chép là một hành vi khá… khó giải thích, nhất là đối với một họa sĩ như ông Minh. Không cần phải là người trong ngành nghệ thuật, chúng ta đều biết rằng ký hay viết tên lên tranh là dấu hiệu khẳng định quyền tác giả đối với tác phẩm.

Trong luật về bản quyền của Việt Nam, cũng như của nhiều nước trên thế giới, việc ký tên mình lên tranh của người khác là vi phạm quyền nhân thân của tác giả, quy định ở điều 19 Luật SHTT Việt Nam hiện hành. Điều 28 của luật này liên quan đến các hành vi vi phạm quyền tác giả có liệt kê hành vi "mạo danh tác giả" (khoản 2) hay hành vi "sửa chữa tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả" (khoản 2).

Ký tên lên tranh người khác là vi phạm luật - Ảnh 3.

Tác phẩm Cô gái Dao Đỏ bản gốc (trái) và chép (phải) - Ảnh: NVCC

Trên thực tế, hành vi mạo danh tác giả thường hiếm hơn việc sao chép tranh và tạo chữ ký giả của tác giả đích thực để lừa đảo khách hàng rằng đó là "bản gốc", hay để ăn theo tên tuổi của họa sĩ nổi tiếng. Việc ký tên mình lên bản sao chép tranh của một nghệ sĩ khác, có thể nói là một việc khá hy hữu.

Trong vụ bê bối tranh chép và chữ ký mạo danh nói trên, rõ ràng là tác giả của hai bức tranh nói trên có thể khởi kiện ông Minh trên cơ sở luật về bản quyền của Việt Nam. Các họa sĩ đích thực của Việt Nam cũng nên có thái độ kiên quyết với hoạt động sao chép tranh ở Việt Nam, thậm chí khởi kiện ra trước tòa án, mới có thể sớm chấm dứt được vấn nạn này, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người nghệ sĩ.

Đánh giá về vụ việc này, Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng tư duy khi đã mua tranh về thì chủ sở hữu có quyền ký tên hay viết, vẽ tùy ý là tư duy sai lầm về quyền sở hữu trí tuệ.

Còn một nghệ sĩ cho biết: “Nếu tư duy như vậy, ai đủ tiền mua tranh Picasso hay tranh Bùi Xuân Phái về thì có quyền ký tên mình vô đó để trở thành họa sĩ nổi tiếng?”.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ