(Tổ Quốc) - Sáng 16/4, tại Đồng Mô (Hà Nội), Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm (2015-2020) hoạt động hàng ngày của đồng bào các dân tộc và triển khai công tác phối hợp năm 2021 tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam.
- 31.03.2021 Tháng 4 về Làng Văn hóa thưởng thức "Việt Nam với những sắc màu dân tộc"
- 27.08.2020 Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải là một địa chỉ “đỏ” trong tương lai
- 27.08.2020 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thăm hỏi, động viên đồng bào tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đây là hoạt động mở đầu các sự kiện "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" năm 2021 tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Đến dự Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; đại diện lãnh đạo các tỉnh, các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa các tỉnh tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam và đông đảo đồng bào thuộc các cộng đồng dân tộc đang sinh sống, tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Để Làng trở thành "địa chỉ đỏ" của 54 dân tộc anh em
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Tháng Tư về với đầy ắp các sự kiện quan trọng của đất nước. Chúng ta đang long trọng tổ chức nhiều hoạt động để thiết thực chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4, Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 19.5 và các hoạt động hướng đến bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Trong những sự kiện chính trị đó, tháng 4 cũng là tháng mà ngành văn hóa phải đảm trách rất nhiều nhiệm vụ trong tuyên truyền, cổ động, trong làm tốt công tác tư tưởng để cùng với toàn Đảng, toàn dân xây dựng chương trình hành động thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nhiệm vụ của ngành Văn hóa là cùng với các ngành các cấp, cùng với các đoàn thể xã hội khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Bộ trưởng cho biết, Đảng ta vẫn tiếp tục phát triển quan điểm coi văn hóa là nguồn lực tinh thần, đặt văn hóa ngang với kinh tế, chính trị và luôn luôn phát huy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Vì vậy, có thể nói vừa tham gia nhiệm vụ chung, nhiệm vụ riêng của ngành là phải bám sát các sự kiện chính trị, các ngày truyền thống để việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm phải có ý nghĩa thật thiết thực; trong đó có sự kiện kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4
Bộ trưởng cho biết: Lãnh đạo Bộ đã rất trăn trở làm như thế nào cho thiết thực, không phải là một diễn đàn, một hội nghị hoành tráng mà lại không chú ý đến các nội dung và cách tiếp cận. Chính vì vậy mà trong điều kiện cho phép, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ VHTTDL đã lựa chọn hai loại hình hoạt động trong sự kiện này: Cùng với các địa phương của 12 tỉnh có cộng đồng, đồng bào các dân tộc đang sinh sống và hoạt động tại Làng trong suốt 5 năm qua để chúng ta nhìn lại quá trình đưa đồng bào dân tộc ra sinh hoạt tại Làng văn hóa, để thực hiện những chủ đề là chủ thể giới thiệu về văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Qua đó, chúng ta xem xét những mặt được, những vấn đề khó khăn, làm rõ trách nhiệm của Bộ với các địa phương để góp phần xây dựng Làng Văn hóa ngày càng tốt hơn. Đồng thời, bàn với nhau về lộ trình để có thêm được nhiều tỉnh thành có đồng bào các dân tộc sinh sống tại đây.
Nhóm hoạt động thứ hai đó là khởi động và tổ chức các hoạt động của Tuần Văn hóa các dân tộc mà trọng tâm chính, xuyên suốt là để các chủ thể giới văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Qua đó góp phần tôn tạo giữ gìn nét đẹp của văn hóa của đồng bào các dân tộc; thấy được sự đa dạng trong chỉnh thể thống nhất của văn hóa Việt Nam để nhân lên niềm tin và sức mạnh, phát triển ngày càng mạnh.
Bộ trưởng đề nghị, Hội nghị tập trung dành thời gian thảo luận sâu, kỹ và đóng góp được nhiều tiếng nói bổ ích để Bộ tiếp thu. Hội thảo tập trung theo hướng chính là nhìn lại những thành tựu qua 5 năm chúng ta đưa đồng bào ra sinh sống tại Làng. Trong 5 năm qua, nhóm nghệ nhân đại diện cho văn hóa của cộng đồng dân tộc ở địa phương đó có tính chất tiêu biểu ra sinh hoạt tại đây và những hoạt động của các nghệ nhân này đang làm đầy lên những giá trị văn hóa, đang thổi hồn vào đấy để giới thiệu với đồng bào. Nhưng cần nghiêm túc nhìn lại để phát huy, tôn tạo những điều làm được, và rút ra giải pháp tốt hơn để hạn chế, khắc phục khó khăn.
Bộ trưởng cho rằng, qua Hội nghị sẽ rút ra những kiến nghị về chính sách để Lãnh đạo Bộ báo cáo với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho phép duy trì mô hình này ở cấp độ nào. Trong đó nên chăng tiếp tục tôn vinh để hoàn thiện các thiết chế, hạ tầng thuộc Khu Làng các dân tộc mà dự định đưa cộng đồng các dân tộc ra sinh sống.
"Làm sao để những khu làng này đúng nghĩa bản làng ở tại địa phương nhưng đồng thời xanh sạch đẹp và có giá trị văn hóa, không bị lẫn vào đô thị phồn vinh. Vì vậy đòi hỏi trách nhiệm lớn của chúng ta. Đâu là nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, đâu là vẻ đẹp tinh túy của vùng Tây Bắc. Những nét đẹp ấy phải được gìn giữ như thế nào để văn hóa quyện hòa với thiên nhiên và trong không gian ấy chúng ta phải tái tạo để phát huy đầy đủ, chứ không chỉ là một ngôi nhà Rông hoặc một ngôi chùa rồi nói đó là văn hóa"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng gợi mở: Việc đưa đồng bào ra cần cầu nối và liên kết trách nhiệm của địa phương với Bộ, Làng như thế nào. Qua 5 năm, địa phương đã cùng Bộ chăm lo gì cho cộng đồng. Và sắp tới, chúng ta có kết hợp gì với nhau bằng một cam kết định kỳ thăm, động viên, hỗ trợ thêm cho Làng?
"Năm năm qua chúng ta đã có những thành công nhất định nhưng không có nghĩa tất cả chỉ là màu hồng mà còn có nhiều vấn đề. Ngoài những ý kiến tham gia đóng góp, tôi mong rằng Hội nghị sẽ lắng nghe cộng đồng dân tộc sinh sống ở đây, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng. Trân quý những công lao đóng góp của đồng bào với tư cách là chủ thể văn hóa giới thiệu về văn hóa, nhưng đằng sau đó còn có những điều gì? Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận để thực sự mỗi một địa phương khi đưa đồng bào đến sinh sống phải là một hình ảnh tiêu biểu cho địa phương đó, phải là những nét đặc sắc văn hóa của địa phương đó. Gắn với văn hóa để quảng bá về du lịch. Không nơi nào tốt hơn bằng người thật việc thật, có sự hiện diện của đồng bào các dân tộc, để từ đây, Làng trở thành địa chỉ đỏ của 54 dân tộc anh em"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Lan tỏa các giá trị văn hóa cộng đồng
Báo cáo của Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hội nghị cho biết, qua 05 năm hoạt động của đồng bào dân tộc đã tạo chuyển biến tích cực và sự chuyển mình của hoạt động văn hóa du lịch tại "Ngôi nhà chung". Hoạt động thường xuyên của đồng bào các dân tộc tại Làng đã tạo sức sống mới cho ngôi làng, góp phần tích cực thu hút khách du lịch, lượng khách tăng trưởng từ 250 nghìn lượt khách/năm 2015 tăng lên khoảng 500 nghìn lượt khách du lịch, tăng 200% và đạt vượt mức 167% so với kế hoạch đặt ra năm 2016.
Năm 2017, triển khai thu phí tham quan đã đón tiếp và phục vụ 400 nghìn lượt khách, vượt hơn 33% kế hoạch đề ra. Năm 2018, đón tiếp 550 nghìn lượt khách, năm 2019, đón tiếp 500 nghìn lượt khách. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, lượng khách đến Làng khoảng 170 nghìn.
Trong 05 năm (2015 - 2020) đã phối hợp đưa 16 nhóm cộng đồng các dân tộc về hoạt động hàng ngày tại "Ngôi nhà chung" (tháng 10/2015: thí điểm 02 nhóm cộng đồng dân tộc Mường (Hòa Bình), Thái (Nghệ An); năm 2016: 07 nhóm cộng đồng tham gia hoạt động hàng ngày Thái (Nghệ An), Mường (Hòa Bình), Khơ Mú (Điện Biên), Tày (Thái Nguyên), Dao (Ba Vì, Hà Nội), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng); năm 2017 là 11 nhóm, năm 2018 là 13 nhóm cộng đồng tham gia hoạt động hàng ngày bổ sung; năm 2019 hoạt động ổn định của 15 nhóm cộng đồng hoạt động hàng ngày; năm 2020 đang hoạt động ổn định hàng ngày của 14 - 16 cộng đồng dân tộc, tăng thêm 01 cộng đồng năm 2019 và cũng đã cố gắng gắn kết các hoạt động của nhóm cộng đồng trong các chương trình hoạt động để tạo nên màu sắc riêng và phát huy thế mạnh của các nhóm đồng bào.
Ban Quản lý luôn đặc biệt quan tâm đến các nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số ít người (dưới 10.000 người), vì vậy đã phối hợp cùng với địa phương kết nối đưa các nhóm cộng đồng (dưới 5.000 người) về tham gia hoạt động tại Làng để đồng bào có môi trường thực hành văn hóa cộng đồng mình. Trong quá trình hoạt động, đồng bào dân tộc đã tự tin tái hiện đời sống sinh hoạt, giới thiệu không gian văn hóa của dân tộc mình, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ giao lưu với du khách tham quan.
Ban Quản lý luôn tạo điều kiện để luân phiên đồng bào về thăm gia đình, luôn động viên kịp thời đối với các trường hợp điều kiện gia đình khó khăn và diện gia đình đặc biệt tại địa phương. Luôn quan tâm gắn kết, nắm bắt tâm tư tình cảm của các nhóm nghệ nhân để giải quyết các vấn đề vướng mắc.
Theo đánh giá của Làng, từ thực tiễn hoạt động của các nhóm đồng bào, thường xuyên trong 05 năm qua, bước đầu đã nhận được sự đón nhận, hưởng ứng, quan tâm của đồng bào và du khách. 05 năm qua, đồng bào các dân tộc đã hội tụ về Làng để lan tỏa các giá trị văn hóa cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động tại mỗi nếp nhà, không gian văn hóa được tái hiện bồi đắp thêm sâu sắc tại Ngôi nhà chung.
Tại Hội nghị, đồng bào các dân tộc, các nghệ nhân cũng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sinh sống tại Làng, từ đó thể hiện những bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng, phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch đạt hiệu quả cao./.